Ảnh Internet

Ảnh Internet

4 gã khổng lồ công nghệ phô diễn sức mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Apple Inc, Amazon.com Inc, Facebook Inc và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) đều công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 tốt hơn dự báo. Mỗi doanh nghiệp thu lời hàng tỷ USD.

Vào ngày 29/7, trong phiên điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ về các vấn đề độc quyền, CEO của 4 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon đã thể hiện quan điểm rằng, những “ông lớn” này không có sức mạnh quá ghê gớm như mọi người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, cuối tuần trước, kết quả kinh doanh của 4 gã khổng lồ công nghệ này lập tức khẳng định điều ngược lại.

Trong tuần trước, Apple Inc, Amazon.com Inc, Facebook Inc và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) đều công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 tốt hơn dự báo. Mỗi doanh nghiệp thu lời hàng tỷ USD.

Con số này thể hiện hoạt động kinh doanh ở vị thế vững vàng ngay trong bối cảnh mọi lĩnh vực của nền kinh tế chao đảo vì Covid-19. Cổ phiếu của cả 4 công ty đều theo hướng leo dốc và có màn biểu diễn vượt trội so với thị trường chung kể từ đầu năm tới nay.

4 gã khổng lồ công nghệ phô diễn sức mạnh ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu của 4 công ty công nghệ lớn và chỉ số S&P 500.

Trong số này, Apple kiếm tiền mạnh nhất, với lợi nhuận quý II đạt 11,3 tỷ USD, doanh thu 59,7 tỷ USD. Có 2 yếu tố chính đóng góp cho đà tăng trưởng lợi nhuận. Thứ nhất, doanh thu của mẫu iPhone SE ra mắt trong tháng 4 rất tích cực.

Việc ra mắt dòng sản phẩm với giá thấp (399 USD/máy) so với các dòng máy khác của Hãng trong bối cảnh nền kinh tế biến động được xem là bước đi mang lại hiệu quả đáng nể.

Thứ hai, doanh thu từ App Store, cửa hàng ứng dụng của Apple leo lên mức kỷ lục với doanh số bán hàng tăng 15% nhờ hưởng lợi từ nhu cầu giải trí tại nhà mùa dịch.

Với Amazon, xu hướng mua sắm dịch chuyển từ cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử đã thành nguồn động lực lớn cho đà tăng trưởng thời gian qua và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Môi trường kinh doanh thuận lợi giúp doanh thu bán hàng của Amazon tăng 40% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận đạt 5,2 tỷ USD.

Không kém phần ấn tượng, Facbook công bố doanh thu quảng cáo tăng 10% trong quý II lên 18,3 tỷ USD, lợi nhuận đạt 5,2 tỷ USD. Trong khi đó, dù doanh thu giảm 25, nhưng Alphabet vẫn báo lợi nhuận quý II đạt 7 tỷ USD, vượt xa mọi dự báo được đưa ra trước đó.

Những con số kể trên trong bối cảnh đại dịch phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ vị thế thống trị, cũng như sức mạnh không thể ngó lơ của các công ty công nghệ lớn. Dễ hiểu tại sao 4 gã không lồ này nhận về sự “ghen tỵ”, cũng như là tâm điểm để các nhà quản lý giám sát chặt chẽ hơn.

Đây cũng là lý do CEO của 4 ông lớn này vừa có phiên điều trần trực tuyến trước Ủy ban Tư pháp hạ viện Mỹ về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, Facebook đối diện các câu hỏi về việc tìm cách triệt hạ, thâu tóm các đối thủ tiềm năng, khi các email bị lộ cho thấy việc xem Instagram là đối thủ và mua lại, thay vì cạnh tranh sòng phẳng. Trước đó, Facebook cũng mua lại Whatsapp - ứng dụng tín nhắn cạnh tranh trực tiếp với Messenger của Hãng.

Với Apple, năm 2018, Hãng đã xóa bỏ các ứng dụng giúp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị trên App Store sau khi tích hợp tính năng này vào iOS 12. Trả lời nguyên nhân, CEO Tim Cook cho rằng, Apple bỏ các ứng dụng với lý do bảo mật, chứ không phải cạnh tranh.

Chưa kể, quy định của Apple đối với các nhà phát triển được cho là chèn ép, lợi dụng quyền lực. Tim Cook trả lời, mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng, nhưng một số email vị CEO này gửi cho đối tác lại cho thấy điều ngược lại.

Đối với Google, gã khổng lồ tìm kiếm này đối diện nhiều câu hỏi hóc búa, bao gồm các cáo buộc ăn trộm nội dung từ các website khác để giữ người dùng ở lại với công cụ của mình. David Cicilline, Chủ tọa phiên điều trần còn cáo cuộc, Google đã lợi dụng quyền lực của mình và sử dụng công cụ theo dõi web để nhận biết và đè bẹp đối thủ.

Với 92% thị phần tìm kiếm toàn cầu, nhiều website phải phụ thuộc vào Google để có lượng truy cập. Hành động này tổn hại trực tiếp tới nhiều đơn vị kinh doanh.

Cuối cùng, với Amazon, chuyện truy cập dữ liệu để làm lợi cho các sản phẩm mang thương hiệu Amazon một lần nữa dậy sóng. Bên cạnh đó, Nghị sĩ Mary Scanlon cho rằng, Amazon đã thao túng giá cả để khiến đối thủ không thể cạnh tranh và biến mất, sau đó lại tăng giá sản phẩm khi đối thủ không còn tồn tại.

Dù đang ở vị thế vững vàng, nhưng sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý được xem là một trong những rủi ro lớn đối với sự bành trướng của các công ty công nghệ lớn này tới đây.

Tin bài liên quan