4 cơ hội của ngành nông nghiệp khi tham gia TPP

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, TPP được ký kết sẽ mở ra 4 cơ hội cho ngành nông nghiệp nước ta, nhất là trở thành “phép thử” với tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn,

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn,

Hiệp định TPP vừa hoàn tất quá trình đàm phán. Một khi chính thức được ký kết, Hiệp định này dự báo sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu nông sản Viêt Nam. Trao đổi với báo chí chiều 6/10, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng  lĩnh vực nông nghiệp sẽ có 4 cơ hội khi TPP được ký kết.

Thứ nhất, TPP sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, giúp chúng ta giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Bấy lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc. Đơn cử, những tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng gạo xuất khẩu, 45% lượng cao su, 64% rau quả và 12,3% lượng gỗ xuất khẩu của nước ta. Nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp nước ta cũng chiếm tới 62,5% là từ Trung Quốc.

Dĩ nhiên, Trung Quốc là bạn hàng lớn của nông sản nước ta, song do chính sách của nước bạn thay đổi liên tục nên rất khó lường trước. Do đó, TPP là cơ hội mở ra thị trường lớn, giúp nông sản nước ta linh hoạt hơn về điều chỉnh thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, sau khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản sẽ giảm mạnh. Điều này sẽ tăng sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu nước ta sang các nước thành viên TPP. Một số mặt hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, Nhật… như thủy sản, đồ gỗ… sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn vì khi được giảm thuế, nông sản Việt Nam sẽ có giá cạnh tranh hơn các nước đối thủ.

Thứ ba, TPP được ký kết cũng mở ra cơ hội thu hút vốn FDI vào nông nghiệp. Tính tới cuối năm 2014, cả nước mới có 512 dư án FDI nông nghiệp với 3,3 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 1,4% vốn cam kết FDI vào Việt Nam.  Do đó, vào TPP, kết hợp với đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tôi hy vọng ngành nông nghiệp sẽ thu hút nhiều DN FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ tư, TPP cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp thực hiện tái cấu trúc, mà trọng tâm của tái cấu trúc là áp dụng công nghệ mới, cách thức quản lý mới.

Tuy mở ra cơ hội rất lớn, song TPP cũng đặt ngành nông nghiệp trước nhiều thách thức.  

Một là, sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình.

Hai là, DN nông nghiệp nước ta đang đứng trước đòi hỏi phát phát triển mạnh mẽ nếu không sẽ khó tồn tại. Số doanh nghiệp nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% tổng số DN của cả nước và hầu hết là DN nhỏ, quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, vì vậy rất khó để có sức cạnh tranh.

Ba là, chất lượng nông sản cần tiếp tục nâng cao. Tham gia TPP có nghĩa là tham gia sân chơi chung, nước nào sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ sẽ chiến thắng. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chất lượng như hiện nay (ví dụ như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi), cạnh tranh là rất khó, thậm chí ngay cả trên chính sân nhà.

Tin bài liên quan