4 chỉ dấu cần lưu tâm trên thị trường tài chính tháng 6

4 chỉ dấu cần lưu tâm trên thị trường tài chính tháng 6

(ĐTCK) Bên cạnh những biến động thị trường sau kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Anh, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào ngày 14/6, những chỉ dấu trên thị trường hàng hóa và chứng khoán mới đây là điều mà giới đầu tư cần lưu tâm.

1. Vàng chứng minh sức bật đáng kinh ngạc

Vàng đã gây bất ngờ lớn đối với các nhà đầu tư khi ghi nhận mức tăng giá mạnh trong năm 2017. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng giao ngay tăng trung bình 11,2%, một con số rất ấn tượng.

Trước đó, giá vàng từng chứng kiến mức sụt giảm tới 12% chỉ trong giai đoạn hậu bầu cử Mỹ cho tới ngày 22/12/2016, trong bối cảnh chứng khoán thăng hoa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự trì hoãn trong các chương trình nghị sự và kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với màn trình diễn trái chiều của nền kinh tế lớn nhất thế giới, một lần nữa khiến giới đầu tư coi vàng là công cụ trú ẩn an toàn và đáng tin cậy.

Trong số 28 mặt hàng chủ chốt của rổ hàng hóa S&P GSCI, vàng đứng thứ 6 trong số những hàng hóa có mức tăng giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trên cơ sở đó, các nhà phân tích chiến lược tại State Street Global Advisors cho rằng, giới đầu tư có thể cân nhắc đa dạng hóa danh mục đầu tư thông qua việc đặt niềm tin vào vàng trong thời điểm này.

4 chỉ dấu cần lưu tâm trên thị trường tài chính tháng 6 ảnh 1

2. Thị trường cổ phiếu duy trì sự lạc quan

Sự chậm trễ và những trì hoãn trong chính sách thương mại của Tổng thống Trump khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty đảo chiều mạnh mẽ. Những doanh nghiệp từng được kỳ vọng sẽ có màn trình diễn tích cực, được hưởng lợi từ kế hoạch giảm thuế và nới lỏng quy định quản lý của chính quyền Trump, thì nay lại chứng kiến mức tăng trưởng đáng thất vọng.

Mặc dù vậy, nhìn chung thị trường chứng khoán Mỹ vẫn duy trì được diện mạo lạc quan, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ. Việc đồng USD yếu đi cũng là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp đa quốc gia có trụ sở tại nước ngoài, niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

3. Đồng euro không suy yếu

Quan sát sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở khắp Lục địa Già, nhiều người có thể cho rằng, đa số công dân ở khu vực đồng euro muốn quay lại với các đồng tiền quốc gia của họ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát Eurobarometer mới công bố – thước đo toàn diện nhất đối với dư luận của công chúng trong Liên minh châu Âu (EU) – lại cho thấy một bức tranh khác.

Sự ủng hộ đối với đồng tiền chung trong số các công dân Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vẫn là bất biến trong 10 năm qua, bất chấp tình trạng suy thoái sâu sắc. Tỷ lệ ủng hộ này đã đứng ở mức 70% trong năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng, sau đó giảm xuống mức 62% vào năm 2013, ngay sau khi kịch bản Brexit đầu tiên xuất hiện, đến cuối năm 2016 thì tăng trở lại mức kỷ lục 70%.

4. Các ngân hàng trung ương tiếp tục mở rộng bảng quyết toán ngân sách

Các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào viễn cảnh thắt chặt chính sách tài khóa của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Fed dự kiến sẽ cân đối lại bảng quyết toán ngân sách trị giá 4.000 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt dầu giảm dần lượng mua vào trái phiếu xuống ngưỡng 60 tỷ euro/tháng, qua đó từng bước thu hẹp quy mô Chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Tuy nhiên, trên thực tế, tổng quy mô các chương trình hỗ trợ của ngân hàng trung ương cho giá tài sản vẫn ở mức rất lớn.

 Jack Ablin, chuyên gia tại BMO Capital Markets lưu ý rằng: “Các giá trị đang bị kéo dãn, song thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tận hưởng dòng thanh khoản lớn từ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư ngoài lề. Các ngân hàng đang mua lại số tài sản trị giá 1.800 tỷ USD trong 12 tháng qua.

Đồng thời, Fed đang tái đầu tư hơn 30 tỷ USD/tháng qua các phương thức đầu tư khác nhau, cho dù họ đã ngừng mở rộng bảng quyết toán ngân sách từ năm 2014”.

Tin bài liên quan