Việt Nam hiện nay có thể giảm thêm lãi suất, đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: Đ.T
Tăng tín dụng, giảm lãi suất và có thể sử dụng dự trữ ngoại hối quốc gia
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Vậy đâu là dư địa cho chính sách tiền tệ?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tại Việt Nam, dư địa cho chính sách tiền tệ vẫn còn, cụ thể là giảm thêm lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và cân nhắc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng.
“Trong điều kiện bình thường, không quốc gia nào muốn ngân hàng trung ương bơm tiền hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt - nhất là khi chính sách tài khóa hạn chế - thì hỗ trợ từ chính sách tiền tệ là rất cần thiết. Đương nhiên, sự hỗ trợ này phải với liều lượng và phải thông qua các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn”, TS. Võ Trí Thành nói.
Trên thực tế, việc giảm lãi suất và tăng tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng triển khai tích cực. Xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn trong vòng 1 tháng qua. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Về tín dụng, đại diện NHNN cho hay, cơ quan này đã nới room tín dụng cho tất cả các ngân hàng đã có đơn đề nghị. Thực tế, tín dụng của toàn ngành cũng đã cải thiện đáng kể từng tháng. So với tháng liền kề, nếu như tín dụng tháng 4 chỉ tăng 0,12% thì tháng 5 tăng 0,53% và tháng 6 tăng 1,28%.
Dù vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm trên 10% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng sẽ phải rất nỗ lực.
Riêng về lãi suất, dù lĩnh vực ưu tiên lãi vay đã khá hấp dẫn, song lãi vay các lĩnh vực thông thường và lãi vay trung, dài hạn vẫn khá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp hiện nay.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam tuy giảm, song vẫn cao hơn so với lãi suất nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn, lãi suất điều hành của Thái Lan hiện khoảng 0,5%, của Philippines và một số nước trong khu vực khoảng 3%.
Riêng với việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, giải pháp này có thể sử dụng, nhưng chỉ với liều lượng nhất định và phải thông qua các nghiệp vụ phức tạp của NHNN.
Dù vậy, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, với tình hình Việt Nam hiện nay, chính sách tiền tệ hoàn toàn có thể tăng thêm liều lượng để hỗ trợ tăng trưởng.
Tiền nhiều, tiền rẻ là vô nghĩa nếu mất ổn định vĩ mô
Thừa nhận lãi suất vẫn còn dư địa để giảm, song TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: “Lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn chính của nền kinh tế. Tương tự, hạn mức tăng tín dụng cũng không phải là rào cản, NHNN đã rất linh hoạt trong điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của các ngân hàng, ngân hàng nào có thể tăng trưởng tín dụng, thì NHNN đều đáp ứng trên cơ sở kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, tôi cho rằng, năm nay, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 9 - 10% do cầu yếu”.
Theo nhận xét của giới chuyên gia, lạm phát thấp và thanh khoản dồi dào là cơ sở để lãi suất có thể giảm thêm trong những tháng cuối năm. Vốn có thể rẻ hơn, song tiền có chảy được hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế, vào nhu cầu vay của doanh nghiệp. Bài học nhãn tiền về nợ xấu khiến ngân hàng không thể cho vay vô tội vạ hay hạ chuẩn lãi vay. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng, không chứng minh được khả năng trả nợ thì sẽ khó có cơ hội tiếp cận vốn.
Một trong những hướng khơi thông tín dụng hiện nay, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, là trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có các giải pháp tiền tệ mạnh hơn, như tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tác động lan tỏa. Đây giải pháp tốt để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, hình thức rót vốn như thế nào, tiêu chí lựa chọn dự án ra sao chưa được làm rõ. Nếu hình thức giải ngân như cấp vốn cho các dự án đầu tư công, thì chắc chắn việc tái cấp vốn từ NHNN cũng khó có thể đẩy nhanh.
Ngoài ra, nhiều thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc tăng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng chỉ có ý nghĩa khi kiểm soát được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu GDP tăng, nhưng lạm phát phi mã, nợ xấu tăng lên, thì tất cả sẽ thành vô nghĩa. Cung tiền thường có tác động trễ lên lạm phát, có khi 2 - 3 năm, nên càng không thể chủ quan.
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo, xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Tuy vậy, cũng cần lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra.
Với Việt Nam hiện nay, chính sách tiền tệ vẫn có thể nới lỏng thêm ít nhiều, như giảm lãi suất, tăng thêm cung tiền. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, song nếu lạm phát được kiểm soát tốt thời gian tới, NHNN hoàn có thể giảm thêm lãi suất. Hoặc tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 3,4%, song trong 6 tháng cuối năm, tín dụng toàn hệ thống có thể tăng 9 - 10%. Trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách hạn chế, một dư địa nữa mà chính sách tiền tệ có thể sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng là sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia