Tuy nhiên, ông Hải cũng thông báo thêm năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã phát sinh khoản chênh lệch chi phí đầu vào, tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện là 3.071 tỷ đồng, chi phí tài nguyên nước 102 tỷ đồng/năm (từ năm 2017), chênh lệch giá khí 1.000 tỷ đồng.
Tính ra chi phí tăng thêm của EVN tới hết năm 2018 là 5.300 tỷ đồng.
Năm 2019, ước tính phát sinh khoản chênh lệch là tăng thêm 10.500 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản phát sinh sẽ là trên 15.552 tỷ đồng là sức ép tới hoạt động của EVN.
Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2017 của EVN có qua kiểm toán và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá.
Cũng tại cuộc họp này, ông Hải cho biết, việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã giúp giá xăng E5RON92 chỉ tăng 10,9% so với đầu năm và xăng RON95 chỉ tăng 6%, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.
“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp giảm CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nói và thông báo tới 31/8 các doanh nghiệp đã trích Quỹ 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư đang là 3.100 tỷ đồng.
Về điều hành giá xăng từ nay tới hết năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải lưu ý giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Hiện còn 5 tháng nữa, tính tới hết Tết Nguyên Đán, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” Quỹ phù hợp với thực tiễn để bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết.