3 công cụ “xử” doanh nghiệp chây ì cổ tức

3 công cụ “xử” doanh nghiệp chây ì cổ tức

(ĐTCK)Các chuyên gia pháp lý nhìn nhận, đại đa số cổ đông đang không bảo vệ được quyền lợi của mình, do quên hoặc e ngại sử dụng các công cụ “xử”DN trốn tránh, chây ì nghĩa vụ trả cổ tức.

3 công cụ “xử” doanh nghiệp chây ì cổ tức ảnh 1

Cần có chế tài xử phạt đối với HĐQT và Ban điều hành khi trốn tránh nghĩa vụ trả cổ tức

3 công cụ

Dịp cuối năm này, các DN đang tổng kết lãi lỗ, để thực hiện cam kết trả cổ tức cho cổ đông như kế hoạch đề ra đầu năm.

Trong khi nhiều DN luôn giữ chữ tín với cổ đông về thanh toán cổ tức, thì gần đây ĐTCK nhận được ý kiến phản ánh của không ít NĐT bày tỏ bức xúc, khi nhiều DN không thực hiện cam kết thanh toán cổ tức như kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, hoặc “quên” nghĩa vụ trả cổ tức.

Theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tình trạng DN khất cổ tức năm nay sang năm khác đang ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, nhưng chưa có chế tài nào buộc lãnh đạo DN phải thực hiện nghĩa vụ này với cổ đông.

Sự bức xúc trên không chỉ dừng lại ở NĐT nội địa, mà lan cả sang NĐT nước ngoài, khi mới đây, đại diện Nhóm công tác quản trị DN và tính minh bạch thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2013 bất bình phản ánh, chính sách cổ tức của nhiều công ty đại chúng Việt Nam không minh bạch, đồng thời cơ chế pháp lý hiện chưa bảo vệ được quyền lợi của cổ đông.

Bức xúc là vậy, nhưng theo ý kiến mà ĐTCK ghi nhận được, NĐT gần như bất lực trong bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, NĐT đang bỏ quên một số công cụ có thể bảo vệ được quyền lợi cho họ.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, khi ĐHCĐ đã thông qua phương án trả cổ tức, HĐQT, ban điều hành DN phải có trách nhiệm thực hiện quyết định này. Trường hợp họ không thực hiện, thì công cụ đầu tiên cổ đông nên sử dụng là công khai thông tin trước công luận, để gây sức ép cho HĐQT, ban điều hành DN phải thực hiện đúng kế hoạch trả cổ tức đã được ĐHCĐ thông qua.

Trường hợp HĐQT, ban điều hành DN cố tình chây ì, né tránh, cổ đông nên sử dụng công cụ thứ hai là yêu cầu ĐHCĐ xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT tại cuộc họp thường niên hoặc bất thường gần nhất. Nếu các giải pháp này không mang lại kết quả, cổ đông có thể sử dụng công cụ thứ ba là khởi kiện thành viên HĐQT, ban điều hành DN ra tòa án, vì đã không thực hiện nghị quyết của ĐHCĐ.

Việc HĐQT, ban điều hành DN không thanh toán cổ tức cho cổ đông, theo luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, chắc chắn ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của số đông cổ đông, là bức xúc chung của nhiều cổ đông, nên việc có được ý kiến đồng thuận từ nhiều cổ đông về bãi nhiệm, hoặc khởi kiện thành viên HĐQT là thuận lợi. Đây là một lợi thế các cổ đông cần lưu ý trong quá trình sử dụng các công cụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

 

Nên có chế tài trực diện

Tuy nhiên, vì tính chất yếu thế của mình, cũng như thủ tục khởi kiện ra toà án còn rườm rà, nên việc sử dụng hiệu quả các công cụ trên để bảo quyền lợi của mình trên thực tế là thách thức không nhỏ đối với các cổ đông. Bởi vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần tận dụng cơ hội Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình sửa đổi, để bổ sung các chế tài trực diện hơn nhằm bảo vệ tốt quyền lợi của cổ đông.

Theo đó, ông Hải cho rằng, cần có chế tài với HĐQT, ban điều hành DN, để nâng cao ý thức trách nhiệm với cổ đông không chỉ về vấn đề trả cổ tức, mà còn là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm với đồng vốn của cổ đông, nếu DN cũng như TTCK muốn lấy lại niềm tin của NĐT…

Kiến nghị cụ thể hơn, ông Khoát cho rằng, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong năm 2014, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung cơ chế xử phạt đối với thành viên HĐQT không thực hiện chi trả cổ tức đúng hạn như ĐHCĐ đã thông qua, cũng như DN kinh doanh có lãi, thậm chí lãi cao, nhưng nhiều năm liền không đề xuất ĐHCĐ kế hoạch chi trả cổ tức.

Ban soạn thảo nên tham khảo kinh nghiệm của các nước, để đưa ra quy định, nếu DN kinh doanh có lãi đạt tỷ lệ nào đó so với vốn chủ sở hữu và có ý kiến đề nghị trả cổ tức từ phía cổ đông, thì thành viên HĐQT phải có trách nhiệm đề xuất ĐHCĐ xem xét, thông qua phương án trả cổ tức. Nếu cố tình không đề xuất, hoặc cản trở ý kiến đề xuất phương án trả cổ tức, thì sẽ bị xử lý với chế tài cụ thể. Đây là cách giúp gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK, thu hút NĐT tham gia thị trường ngày một nhiều hơn.

>>SD7, ba lần thất hứa trả cổ tức năm 2010