Cuộc sống thường ngày của chúng ta bị chi phối bởi thói quen. Chúng ta làm rất nhiều việc giống nhau, ở cùng một nơi, mỗi ngày. Theo nghiên cứu của Đại học Duke (Mỹ), thói quen chiếm khoảng 45% hành vi hàng ngày của con người.
Do đó, nếu muốn có sức khỏe tài chính cá nhân tốt, như tiết kiệm nhiều hơn hoặc giảm chi tiêu không cần thiết, cách tốt nhất là thay đổi thói dùng tiền hàng ngày. Càng xây dựng thói quen tốt sớm thì bạn sẽ càng có lợi.
Bước 1: Bắt đầu bằng mục tiêu nhỏ
Nếu bạn từng đặt ra những mục tiêu năm mới to lớn và cuối cùng thất bại thì bạn sẽ hiểu cố gắng thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong thời gian ngắn là rất khó. Nói cách khác, bạn không thể chạy marathon nếu chưa bao giờ chạy nổi một vòng quanh khu phố. Do đó, hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ.
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, phương pháp "quả cầu tuyết" trong trả nợ, tức ưu tiên trả các khoản từ nhỏ đến lớn, trả hết từng khoản nhỏ nhất trước khi chuyển sang khoản nhỏ thứ hai, sẽ hiệu quả hơn so với phương pháp "tuyết lở", tức ưu tiên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước.
Về mặt toán học, phương pháp "tuyết lở" tiết kiệm được nhiều tiền hơn theo thời gian, nếu thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, mọi người có động lực trả nợ hơn khi dùng phương pháp "quả cầu tuyết" bởi nó khích lệ họ vì trả được nhiều khoản nợ trong thời gian ngắn.
"Trả khoản nợ nhỏ nhất trước tiên là một chiến lược đơn giản, có thể dễ dàng truyền đạt và áp dụng" chuyên gia Remi Trudel viết trên Harvard Business Review. Theo ông, ưu tiên một mục tiêu nhỏ tại thời điểm sẽ bớt áp lực hơn.
Điều tương tự có thể được áp dụng để xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Thay vì nghĩ về tổng số tiền bạn muốn tiết kiệm, nghe có vẻ quá sức, thì nên bắt đầu các mục tiêu nhỏ để lấy động lực. Tóm lại, tiết kiệm hay trả nợ cũng giống như nâng tạ, bạn phải tập từ nhẹ đến nặng.
Bước 2: Tăng độ lớn
Khi đã có thói quen, giả sử như mang bữa trưa đi làm vài lần một tuần hoặc dành 50 USD tiết kiệm mỗi tháng, bạn có thể bắt đầu tăng cường độ thói quen. Với các ví dụ này, điều đó có thể là chuẩn bị bữa ăn cho cả tuần hoặc tiết kiệm 100 USD vào tháng tới.
Cần lưu ý rằng, đừng tăng cường độ trên quá nhiều thói quen. "Nhiều người thường mắc sai lầm khi cố gắng đạt được quá nhiều. Cơ hội thành công sẽ lớn hơn khi mọi người hướng năng lượng vào việc thay đổi chỉ một khía cạnh trong hành vi của họ", nhà tâm lý học người Anh Richard Wiseman nhận định.
Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là tiết kiệm cho nghỉ hưu, bạn không nhất thiết phải trích ra một số tiền tối đa mỗi tháng ngay lập tức mà theo chuyên gia Ted Benna, bạn nên tăng ngân sách từng chút một.
"Bạn có thể quyết định tiết kiệm 1% tiền lương của mình vào việc này, và sau đó có thể mỗi khi được tăng lương, bạn sẽ tăng tỷ lệ đó lên", Benna gợi ý.
Bước 3: Thay đổi khi cần thiết
Chắc chắn, bạn sẽ phải đối mặt với việc sẽ làm lại từ đầu một vài thói quen tạo lập không thành. James Clear, tác giả quyển Atomic Habits, viết rằng điều tốt nhất bạn có thể làm là nhận ra lỗi lầm của mình và quay lại càng nhanh càng tốt. Ví dụ, nếu bạn thất bại trong việc tiết kiệm 100 USD mỗi tháng thì hãy tha thứ cho bản thân khi có tháng không làm được và cam kết duy trì lại mục tiêu.
Theo James, để xây dựng thói quen tài chính tốt, bạn chỉ cần kiên định chứ không phải hoàn hảo.