Số liệu tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm luôn được chú ý khi thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây đều cho biết tín dụng sẽ tăng đều ngay từ đầu năm. Ông có thể chia sẻ điều gì liên quan đến vấn đề này?
Trong giai đoạn 2016-2020, tín dụng đều tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, tín dụng trong tháng 1 các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020 lần lượt tăng 0,76%; 1,8%; 1,38%; 1,9% và 0,1%. Điểm đáng chú ý, mức tăng trưởng bình quân năm trên 15% như tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 đạt 18,25%; năm 2017 là 18,28%; năm 2018 là 13,89%; năm 2019 là 13,65% và năm 2020: 12,17%.
Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp trong tháng đầu năm, nhưng đã hồi phục dần từ tháng 7 và tính đến cuối tháng 12/2020, tín dụng nền kinh tế tăng 12,17% so với cuối năm 2019, quy mô tín dụng đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 1/2021 đạt trên 9,26 triệu tỷ đồng, tăng 0,78% và cao hơn mức cùng kỳ năm 2020. Con số gần hơn được tính đến ngày 8/2/2021 đã tăng 1,12% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,38%).
Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố, tín dụng năm 2020 tiếp tục tăng trưởng vào các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, chắc hẳn số liệu cụ thể đã được thống kê?
Nếu xét theo 3 khu vực kinh tế, tín dụng ngành thương mại - dịch vụ tăng cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế, đạt 13,9% và chiếm tỷ trọng 63,43% (cuối năm 2019 tăng 16,02% và chiếm tỷ trọng 62,46%); tín dụng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,58% và chiếm tỷ trọng 28,14% (cuối năm 2019 tăng 10,07% và chiếm tỷ trọng 28,8%); tín dụng ngành nông - lâm - thủy sản tăng 8,3% và chiếm tỷ trọng 8,44% (cuối năm 2019 tăng 7,38% và chiếm tỷ trọng 8,74%).
Một số ngành kinh tế có mức tăng trưởng tín dụng cao như ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,92%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,06%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng trên 35%; ngành giáo dục và đào tạo tăng 18,95%; ngành vận tải kho bãi tăng 10,22%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,82% - tuy thấp hơn mức tăng chung của nền kinh tế, nhưng được đánh giá là tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước |
Ước tính đến tháng 1/2020, tín dụng đối với 3 khu vực kinh tế tăng tương ứng là 0,88%; 0,56% và 0,32%, phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế khi hoạt động sản xuất, dịch vụ tăng trong Tết Nguyên đán và chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 1/2021.
Còn nhớ, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2020, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhấn mạnh tín dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên…
Đúng vậy, tín dụng lĩnh vực ưu tiên tiếp tục có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu. Quy mô tín dụng tăng qua các năm, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển các lĩnh vực này theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn tính đến cuối tháng 12/2020 đạt gần 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 11,52% so với cuối năm 2019 và chiếm 24,77% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế (cuối năm 2019 tăng 14,32% và chiếm 24,92%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 18,17%). Ước tháng 1/2021, dư nợ lĩnh vực này tăng 0,5% - là mức khả quan.
Cùng thời điểm, tín dụng lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 13,56% so với cuối năm 2019 và chiếm 19,79% tổng dư nợ (cuối năm 2019 tăng 21,13% và chiếm 19,55%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 15,66%). Tín dụng lĩnh vực này trong tháng 1 các năm giai đoạn 2016-2020 đa phần giảm so với cuối năm trước.
Đặc biệt, tín dụng lĩnh vực xuất khẩu đạt trên 272.000 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cuối năm 2019 và chiếm 2,96% tổng dư nợ (cuối năm 2019 tăng 10,19% và chiếm 2,92%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,95%). Ước tháng 1/2021, dư nợ lĩnh vực này tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020 - là mức tăng khả quan so với mức âm 1,35% cùng kỳ năm 2020 và được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh tăng trưởng mạnh kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong tháng 1/2021.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 32.000 tỷ đồng, tăng 5,26% so với cuối năm 2019 và chiếm 0,35% tổng dư nợ (cùng kỳ năm 2019 tăng 18,31% và chiếm 0,38%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 4,39%). Ước tháng 1/2021, dư nợ tăng 0,44% so với cuối năm 2020.
Riêng tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 227.000 tỷ đồng, giảm 1,74% và chiếm 2,47% tổng dư nợ (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,88% và chiếm 2,82%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 17,96%). Ước tháng 1/2021, dư nợ tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 0,64%.
Được biết, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đang giảm dần qua các năm, đặc biệt trong năm 2020. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?
Điểm đáng mừng là, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và phục vụ đời sống có xu hướng giảm dần, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản năm 2016 tăng 44,25%, năm 2017 tăng 31,55%, năm 2018 tăng 31,76%, năm 2019 tăng 23,25% và năm 2020 tăng 11,9% (tương đương gần 1,8 triệu tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 19,55% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản chiếm gần 65% dư nợ tín dụng bất động sản). Ước đến 31/1/2021, dư nợ lĩnh vực này đạt tăng 1,15% so với tháng 12/2020.
Đối với lĩnh vực phục vụ đời sống, năm 2016 tăng 48%, năm 2017 tăng 36,07%; năm 2018 tăng 29,59%; năm 2019 tăng 19,49% và năm 2020 tăng 10,15% (tương đương trên 1,8 triệu tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 20,08% tổng dư nợ nền kinh tế). Ước đến 31/1/2021, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 0,5% so với tháng 12/2020.
Xu hướng giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng là tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Trong khi năm 2016 tăng 30,38%, năm 2017 tăng 13,76%, năm 2018 tăng 5,32% và năm 2019 tăng 3,19%; thì tính đến tháng 12/2020 đạt gần 109.000 tỷ đồng, giảm 1,76% so với cuối năm 2019 và chiếm tỷ trọng 1,17% tổng dư nợ nền kinh tế. Ước đến 31/1/2021, dư nợ cho vay BOT, BT giao thông giảm 0,15% so với tháng 12/2020.
Năm 2020 được cho là năm thắng lớn giới đầu tư chứng khoán. Có vẻ tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực luôn cần được tăng cường quản lý rủi ro, thưa ông?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng lĩnh vực chứng khoán đến cuối tháng 12/2020 là trên 45.000 tỷ đồng, tăng 49,37% so với cuối năm 2019, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế. Ước đến tháng 1/2021, dư nợ lĩnh vực này giảm 5% so với tháng 12/2020.
Dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán cuối năm 2020 tăng cao chủ yếu do thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm qua và nằm trong nhóm thị trường tăng mạnh nhất thế giới; các ngân hàng tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán khác thông qua tài trợ cho các công ty chứng khoán kinh doanh trái phiếu chính phủ (ngắn hạn, chủ yếu thời hạn từ 1-3 tháng) vì nguồn cung vốn của các ngân hàng thời gian qua dồi dào. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngân hàng, hoạt động tài trợ này an toàn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng.
Trên cơ sở các diễn biến kinh tế vĩ mô, đánh giá nhận định của các tổ chức trong nước, quốc tế và tình hình tăng trưởng đối với các ngành, lĩnh vực trong năm 2020, đầu năm 2021 và giai đoạn 2016-2020, tín dụng ngân hàng đã diễn biến phù hợp, đi vào các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Với kỳ vọng Việt Nam sớm kiểm soát được dịch lần này, có thể khẳng định nội lực kinh tế Việt Nam sẽ có bước phục hồi và tăng trưởng khá với sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng.