Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá dầu lao dốc trong quý IV/2018 không chỉ bởi tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường, mà còn bởi một số yếu tố không thuộc vấn đề nền tảng, bao gồm các quỹ đầu cơ và nhà quản lý tài sản cơ cấu lại danh mục sau thời gian dài nắm giữ, nỗi lo sợ về những bất ổn tại thị trường tài chính nói chung…
Tuy nhiên, một vấn đề rõ ràng là thị trường dầu mỏ vẫn đang trong tình trạng nguồn cung vượt xa so với nhu cầu, nguyên nhân chính dẫn tới giá dầu sụt giảm kể từ mức đỉnh 120 USD/thùng năm 2014. Hiện tại, giá dầu thô Brent đang giao dịch quanh mức 60 USD/thùng, giá dầu thô WTI vào khoảng 50 USD/thùng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bank of America Merrill Lynch, trong quý IV/2018, thị trường dầu mỏ dư thừa 1,3 triệu thùng/ngày, song nhiều khả năng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết, thậm chí có thể “thậm hụt nhẹ” trong năm 2019 khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, trong đó có Nga, tiếp tục tiến hành cắt giảm sản lượng.
“Có nhiều dấu hiệu củng cố niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ, với việc giá dầu thô Brent đã tăng trở lại mức trên 60 USD/thùng. Chúng tôi duy trì mức dự báo giá dầu vào khoảng 70 USD/thùng trong năm nay”, Bank of American Merrill Lynch nhận định.
Cùng chung quan điểm, nhiều tổ chức tài chính lớn cho rằng, giá dầu sẽ không “lạc trôi” quá xa so với mức hiện tại trong 5 năm tới. Một khảo sát đối với hơn 1.000 giáo sư, chuyên gia năng lượng vào đầu tháng 1/2019 cho thấy, đa phần thành viên tham gia khảo sát nhận định giá dầu sẽ dao động trong khoảng 65-70 USD/thùng trong giai đoạn 2019-2023. Trong khi đó, một khảo sát của Reuters đưa ra kết quả, giá dầu sẽ đạt mức trung bình 65 USD/thùng trong giai đoạn 2019-2020 và 70 USD/thùng trong giai đoạn 2021-2023.
Các dự báo được đưa ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh tiếp tục được giữ vững. Theo đó, nguồn cung từ nhóm này có thể giảm tới 2,6 triệu thùng/ngày trong quý IV/2019 so với cùng kỳ năm 2018. Con số này bao gồm mức 1,2 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận giữa các bên và nguồn cung gián đoạn do những bất ổn tại Venezuela, cũng như việc Iran chịu lệnh cấm vận từ Mỹ.
Yếu tố này cộng với việc tăng trưởng sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ chậm lại, trong khi nhu cầu tại các thị trường đang phát triển gia tăng, sẽ đủ để cân đối lại cung - cầu trên thị trường, thậm chí có thể gây thâm hụt nhẹ.
Dù vậy, những dự báo được đưa ra với một số điều kiện đi kèm. Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu sẽ không có sự chuyển hướng đột ngột theo chiều hướng xấu hơn. Nếu tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ mức 3,5% xuống 2%, giá dầu thô Brent có thể lao dốc về mức 35 USD/thùng.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 400.000 thùng/ngày năm 2019, khiến tình trạng dư thừa gần như được giải quyết. Việc thiếu nhụt nhẹ có thể diễn ra vào các tháng mùa hè”, Bank of American Merrill Lynch cho biết.
Về phía OPEC, tổ chức này tỏ ra không lo ngại về vấn đề dư cung trong thời gian tới. Bộ trường Dầu mỏ Ả rập Xê út Khalid al-Falih phát biểu tại Hội nghị Năng lượng toàn cầu 2019 rằng: “Tâm lý thị trường đang bị ảnh hưởng quá nặng nề về việc nhu cầu yếu, nguồn cung lớn, trong khi đánh giá quá thấp tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đồng thời thiếu sự chú ý tới các dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang gia tăng”.