Từ cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á
Theo kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 - 1998 thì sau 10 năm, tức là năm 2007, các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới đi vào tăng trưởng ổn định và chất lượng.
Tuy nhiên, nếu như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998 xuất phát từ kết quả tăng trưởng nóng của các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á, thì câu chuyện khủng hoảng kinh tế 2008 của Việt Nam lại do bị tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất phát từ Mỹ, cùng với yếu tố nội tại của cấu trúc nền kinh tế.
Đến nay cũng đã tròn 10 năm và có lẽ năm 2018 sẽ là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu một chu kỳ tăng trưởng mới: Chất lượng hơn và bền vững hơn.
Bắt đầu tại thị trường chứng khoán và bất động sản
Khởi đầu của cuộc khủng hoảng 2008 tại Việt Nam là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index đang ở mức trên 900 điểm vào thời điểm tháng 1/2008 chỉ còn 288 điểm vào ngày 11/12/2008. Tiếp theo đó là thời kỳ thoái trào của thị trường bất động sản khi giá nhà đất sụt giảm 30 - 40% chỉ trong thời gian ngắn. Tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng.
Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ tăng cao. Hai thị trường có nguồn vốn đổ vào lớn trong tình trạng đóng băng khiến các nhà đầu tư không thu hồi được vốn, các khoản nợ ngân hàng trở thành các khoản nợ khó đòi.
…Tác động trực tiếp đến thị trường tài chính - ngân hàng
Khi đó, hệ thống ngân hàng phải đương đầu với những khó khăn về thanh khoản, cùng với những áp lực biến động về tỷ giá và lãi suất do lạm phát tăng cao. Trước những diễn biến phức tạp chưa có tiền lệ, sức nóng của hệ thống tài chính - ngân hàng chỉ dịu xuống sau gói kích cầu của Chính phủ năm 2009, nhưng tình trạng lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao vào các năm sau đó.
Tác giả bài viết: Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB.
Tình hình chạy đua lãi suất huy động vốn nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống diễn ra và các ngân hàng thương mại lâm vào hoàn cảnh khó khăn buộc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ năm 2012 cho đến nay. Đây là những diễn biến phức tạp và ngoài dự báo của các chuyên gia.
Những tín hiệu tích cực
Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ trong tháng 8/2017 vừa qua đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,4 - 6,8%. Nếu chỉ nhìn vào con số thì không tránh khỏi việc có những cái nhìn không hài lòng về mục tiêu này.
Tuy nhiên, khi nhìn lại quá khứ và xem xét các yếu tố cấu thành trong GDP, thì đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong cấu phần GDP tăng trưởng tích cực. Đó là một sự cải thiện đáng ghi nhận về chất lượng tăng trưởng và năm 2018 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bài học lịch sử của giai đoạn trước vẫn còn nguyên giá trị, do vậy, trong thời gian vừa qua, Chính phủ luôn phát đi thông điệp về việc ưu tiên chính sách tăng trưởng bền vững, thay vì tăng trưởng bằng mọi giá.
Mục tiêu này chính là kết quả của Nghị quyết Trung ương 5, khóa 12 vừa diễn ra trong tháng 6/2017 khi nhấn mạnh kinh tế tư nhân sẽ là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% trong cơ cấu GDP, thay vì chỉ 40% như hiện nay.
Để cụ thể hóa được mục tiêu chiến lược này, trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam theo kịp nhóm các nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thailan và Philippines) vào năm 2020.
Thứ nhất, đó là nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước mà hiện đang được quản lý rải rác ở nhiều bộ, ngành khác nhau. Một lộ trình chi tiết các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa từ nay đến năm 2020 đã được quy định tại Quyết định số 56/QĐ-TTg. Quyết định nêu rõ các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ hai, mới đây, Bộ Công thương đã có thông báo về việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Điều đáng chú ý là con số này được Bộ Công Thương đưa ra chỉ sau hơn 2 tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
Thứ ba, Việt Nam vẫn đang tiếp tục và chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác cả trong khu vực và thị trường quốc tế.
Triển vọng thị trường chứng khoán 2018
Tính đến phiên giao dịch ngày 13/10/2017, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng trên 20% so với thời điểm đầu năm khi đóng cửa ở mức 821 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số HNX cũng có mức tăng trên 30%. Thống kê dữ liệu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM cho thấy, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán hiện nay đã lên tới con số khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 120 tỷ USD, tăng 26% so với thời điểm cuối năm 2016.
Ảnh: Dũng Minh.
Với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thể chế của nền kinh tế trong thời gian qua, thị trường tài chính, cụ thể là thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhân tố nhà đầu tư nước ngoài đóng góp lớn vào sự sôi động của thị trường bằng việc rót gần 10 nghìn tỷ đồng vào thị trường. Đây cũng là kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và những nỗ lực cải tiến, nâng cấp thị trường tài chính nói riêng của Chính Phủ.
Cùng với đà hồi phục của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán để phát triển ổn định bền vững nhờ việc giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay của hệ thống ngân hàng thương mại như giai đoạn những năm 2000. Năm 2018 và các năm tiếp theo có thể là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp tư nhân chuyển mình phát triển lên một quy mô mới thông qua sự hỗ trợ của thị trường tài chính, các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước.
Đàm Nhân Đức* & Nguyễn Bình Dương**
(**) Tổng Giám đốc Dragon Holdings
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tòa soạn và nơi các tác giả đang công tác)