2012, giông bão quét qua giới chủ ngân hàng

2012, giông bão quét qua giới chủ ngân hàng

(ĐTCK) Điểm nhấn lớn nhất trong hệ thống ngân hàng năm qua là sự đổi chủ ở một số nhà băng, thể hiện “cuộc chơi” ngày càng khắc nghiệt.

2012, giông bão quét qua giới chủ ngân hàng ảnh 1

Việc “đổi chủ” tại Sacombank là một trong những cú sốc lớn nhất ngành ngân hàng năm 2012

 

Những ngày cuối năm 2012, thị trường chứng kiến hai dòng chảy ngược chiều của hai đại gia ngân hàng, đó là ông Trần Mộng Hùng quay lại ACB, còn ông Đặng Văn Thành mất ghế tại Sacombank. Có thể nói, với sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng trong vai trò thành viên HĐQT trong ĐHCĐ bất thường của ACB diễn ra ngày 26/12 đã phần nào làm cho cổ đông của nhà băng này yên tâm. Vì ông Hùng từng Chủ tịch HĐQT ACB, đã lãnh đạo Ngân hàng trong suốt 14 năm cho đến 2008.

Năm 2012, những biến cố xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ACB khi 4 thành viên HĐQT phải từ nhiệm do liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, với số tiền ủy thác 718 tỷ đồng gửi vào Vietinbank. Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá cũng phải từ nhiệm và thay vào đó, ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) lên làm Chủ tịch ACB.

Không may mắn như gia đình ông Hùng ACB, ít ai ngờ ông Đặng Văn Thành - vốn được ví là linh hồn Sacombank trong 20 năm qua - phải rời “ghế nóng”. Có thể nói, năm 2012 không phải giai đoạn xuôi chèo mát mái với bản thân ông Thành và cả gia đình họ Đặng khi Sacombank rơi vào tay người mới. Không chỉ ông Thành từ chức Chủ tịch Sacombank, ngân hàng này cũng liên tiếp gặp “vận hạn” khi bị hàng loạt công ty chiến lược thoái vốn và được xem như cuộc thâu tóm âm thầm của một nhóm cổ đông. ĐHCĐ Sacombank hồi tháng 4/2012 đã bầu ra HĐQT mới với phần lớn nhân sự chủ yếu đến từ Southernbank và Eximbank. Điều đáng buồn hơn với vị cựu Chủ tịch Sacombank đó chính là việc ông phải từ chức thành viên HĐQT - vị trí cuối cùng còn liên quan đến “đứa con” tinh thần Sacombank.

Ngày 11/12/2012, đại diện cuối cùng của nhà họ Đặng tại Sacombank là ông Đặng Hồng Anh - con trai ông Thành - cũng đã được chấp nhận nguyện vọng từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT. Với sự rút lui của gia đình họ Đặng - một đại gia nổi tiếng trong ngành ngân hàng được coi là ‘cú sốc” lớn trong ngành năm qua, đồng thời đã để lại nhiều tiếc nuối cho bản thân ông Thành. Bởi Sacombank được gây dựng từ một quỹ tín dụng quy mô nhỏ, nhưng sau 20 năm dưới bàn tay điều hành của ông Thành, Sacombank đã trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Gương mặt mới, ông Phạm Hữu Phú sau đó đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank kể từ ngày 2/11/2012. Ông Phú nguyên là thành viên HĐQT Eximbank và trong cuộc họp báo thay đổi nhân sự nói trên, ông Phú cũng phải thừa nhận, “cái bóng” của ông Thành tại Sacombank là rất lớn.

Ngành ngân hàng năm 2012 đã chứng kiến sự ra đi của nhiều đại gia và cũng đón nhận những gương mặt mới. Bầu Kiên được biết đến với vai trò cổ đông, nhà sáng lập của ACB. Ngoài ra, ông còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là KienLong Bank, DaiA Bank, VietBank, Eximbank và Sacombank. Việc bầu Kiên bị bắt cũng đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động của các nhà băng, kể cả với TTCK và giá cổ phiếu nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh, cho dù lãnh đạo các ngân hàng này đều phủ nhận sự liên quan đến bầu Kiên.

Sự cố ACB, Sacombank cũng khiến Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh bị “vạ lây” khi xuất hiện tin đồn ông bị bắt vào trung tuần tháng 9/2012. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông này đã xuất hiện để dập tắt tin đồn thất thiệt này. Tương tự, một “người mới” của Sacombank cũng gây ấn tượng không nhỏ năm qua là ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Southernbank, hiện là thành viên HĐQT Sacombank. Ông này nổi lên với biệt danh “đại gia ngân hàng bí ẩn” khi rời ghế Phó chủ tịch HĐQT Southernbank để sang điều hành Sacombank sau khi ĐHCĐ Ngân hàng ra mắt HĐQT mới vào tháng 4/2012.

Câu chuyện kẻ đến, người đi trong bối cảnh kinh tế thăng trầm như hiện nay cũng là điều bình thường và ở một góc độ nào đó đang được kỳ vọng sẽ dẫn tới sự thay đổi về quản trị theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có lo ngại về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn với các cổ đông nhỏ lẻ… trong từng ngân hàng. Trong năm 2013 này, chưa ai có thể khẳng định, ‘giông bão” liệu có còn quét qua giới chủ ngân hàng khi tiến trình tái cấu trúc toàn hệ thống lẫn nội tại từng nhà băng sẽ còn diễn ra quyết liệt hơn.