20 năm đường dây 500KV Bắc Nam: Nhìn lại tháng ngày lịch sử

20 năm đường dây 500KV Bắc Nam: Nhìn lại tháng ngày lịch sử

Ngày mai, (27/5), đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 sẽ tròn 20 năm vận hành. Trong hơn 3 năm đầu tiên (1994-1997), lượng điện mà đường dây 500 kV tải từ Bắc vào Nam đã đạt con số khổng lồ: 6,5 tỷ kWh điện.

Đóng điện, kinh tế khởi sắc

Tính bình quân mỗi kWh điện thời ấy chạy dầu diesel ở miền Nam có giá thành khoảng 1.000 đồng, thì tổng lượng điện tải qua đường dây 500 kV trong giai đoạn này có trị giá tới 6.500 tỷ đồng, cao hơn tổng mức đầu tư của đường dây. Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long cho biết.

“Hồi đó, có 3 vấn đề được quan tâm khi xây dựng đường dây, đó là tính khả thi của khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và tính an toàn. Bỏ ra 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 là một vấn đề rất lớn đối với ngân sách nhà nước khi ấy”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long nhớ lại.

Tuy nhiên, sau 3 năm vận hành, công trình đã hoàn vốn một cách nhanh nhất, đó chính là minh chứng cho quyết định đúng đắn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì sự phát triển của ngành điện Việt Nam, cùng công sức của hàng vạn con người khi tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp.

Mỗi kWh điện ở Hòa Bình ngày ấy giá thành sản xuất chả đáng bao nhiêu, bởi đầu vào là nước trời và công trình được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, vận hành. Trong khi đó ở miền Nam, một kWh điện chạy dầu diesel có giá khoảng 1.000 đồng, bởi vậy, với 6,5 tỷ kWh mà miền Nam nhận được ở trạm 500 kV Phú Lâm (TP.HCM) trong giai đoạn 1994-1997, để cung cấp cho khu vực miền Nam có trị giá trị cao hơn hẳn số tiền đầu tư xây dựng đường dây 500 kV mạch 1.

Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 cũng phát huy lập tức tác dụng trong toàn xã hội ngay sau khi đóng điện vận hành, giúp tình trạng cắt điện luân phiên tại TP.HCM chấm dứt, đồng thời đưa khu vực Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của đất nước những giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ đưa điện từ Bắc vào Nam, từ năm 1999, đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 lại làm nhiệm vụ truyền tải điện ngược từ Nam ra Bắc là chủ yếu. Tính từ năm 1994 đến hết năm 2013, đường dây 500 kV đã tải 45,5 tỷ kWh điện từ Bắc vào Nam và tải ngược lại 8,3 tỷ kvWh điện từ Nam ra Bắc.

Cặm cụi đầu tư

Cho tới nay, hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng như: 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình. Đây là tiền đề để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn khi tình trạng quá tải ở nhiều khu vực miền Bắc và các vùng trọng điểm khu vực miền Nam, đường dây truyền tải Bắc – Nam luôn vận hành mang tải cao, nhưng vào năm 2015, lưới điện truyền tải do Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVN NPT) quản lý sẽ đáp ứng được mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, với sản lượng điện truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh/năm và đạt 265 - 275 tỷ kWh/năm vào năm 2020.

Ban lãnh đạo của EVN NPT cũng xác định rõ những thách thức trong quá trình phát triển hệ thống lưới điện quốc gia. Đó là khó khăn trong thu xếp tài chính cho các dự án lưới điện. Giá truyền tải điện với 6 lần điều chỉnh đến nay mới đạt 86,4 đ/kWh với mức tăng bình quân hàng năm 6,4%, khiến cho các khoản chênh lệch tỷ giá từ những  năm trước chưa được hạch toán đầy đủ, nhu cầu vốn đối ứng để đầu tư phát triển lưới truyền tải còn rất lớn mà nguồn vay cũng không dễ dàng. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều trở ngại, bởi lợi ích thu được từ đường dây với nhiều địa phương là không thấy rõ, trong khi lại động chạm đến vấn đề nóng là giải phóng mặt bằng với quyền lợi của người dân. Trong khi đó, áp lực của tiến độ đồng bộ lưới với các dự án nguồn điện, cấp điện cho phụ tải luôn đặt ra cấp bách.

EVN NPT cũng đang xây dựng lộ trình giá truyền tải điện cạnh tranh, hợp lý; xem xét giảm sức ép đầu tư, giảm giá truyền tải khi vào giai đoạn thị trường điện cạnh tranh bán lẻ. Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải quốc gia cũng hướng đến phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển lưới điện truyền tải. Đây chính là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.        

Tin bài liên quan