2.300 tỷ USD trái phiếu sẽ bốc hơi nếu Fed cắt QE

2.300 tỷ USD trái phiếu sẽ bốc hơi nếu Fed cắt QE

(ĐTCK) Viễn cảnh lãi suất cao làm tăng rủi ro rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi, điều đã từng xảy ra trong 2 quý vừa qua.

Động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu với hàng nghìn tỷ USD biến mất khỏi các thị trường trái phiếu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo như vậy hôm thứ Tư vừa qua.

Nếu Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành thu hẹp chương trình mua tài sản của mình hay chính quyền Mỹ thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội nâng trần nợ công, làm tăng lãi suất dài hạn thêm 1 điểm phần trăm, thì sự mất mát của thị trường trên các danh mục trái phiếu có thể đạt đến 2.300 tỷ USD, Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của IMF (GFSR) ước tính.

Trong một thế giới mà các rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã lên cao, với minh chứng là cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi các thị trường mới nổi trong mùa hè vừa qua để tìm đến các tài sản an toàn, IMF lo ngại rằng, những thành tố chính của hệ thống tài chính toàn cầu vẫn còn khá yếu để có thể chịu đựng được những gì sẽ xảy ra nếu các chính sách đặc biệt của giai đoạn khủng hoảng bị thu lại.

Miêu tả tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ là “chưa từng có và phức tạp”, ông José Viñals, cố vấn tài chính cho IMF, nói rằng “sự bất ổn của lãi suất dài hạn và của thị trường đã chứng tỏ là một thách thức rất lớn”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, tác hại tiềm tàng của việc tăng lợi suất trái phiếu dài hạn do hoạt động bán tháo của nhà đầu tư, sự mất thanh khoản ở một số thị trường như tín thác đầu tư bất động sản và nợ công có thể dẫn đến những mất mát lớn.

Ngoài ra, Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của IMF cũng cảnh báo, nếu Mỹ không thể thanh toán một phần nào đó trong nghĩa vụ nợ của mình sau khi thất bại nâng trần nợ, điều đó “có thể tác hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu”.

Những hậu quả tiềm tàng của việc lãi suất dài hạn tăng cần được kiểm soát chặt chẽ, IMF nói, nó đòi hỏi các nhà chức trách Mỹ phải đảm bảo rút lui khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ một cách mềm mại. Điều này cũng cần “một chiến lược truyền thông rõ ràng và đúng lúc của Fed, để giảm thiểu sự biến động của lãi suất, cũng như phù hợp với tình hình kinh tế”.

Viễn cảnh lãi suất cao cũng làm tăng rủi ro rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi, mà như lời Quỹ Tiền tệ là “rất dễ bị tổn thương bởi các dòng thoái vốn đột ngột và dẫn đến sự căng thẳng về thanh khoản”.

“Những xáo trộn của thị trường tài chính trong các quý II và III năm nay cho thấy rằng, một số nền kinh tế thị trường mới nổi cần tranh thủ điều kiện tài chính ổn định trở lại để xử lý những bất cân bằng về kinh tế vĩ mô, tăng cường độ tin cậy của chính sách và tái xây dựng không gian chính sách nhằm giảm nguy cơ bị tổn thương”, GFSR viết.

Ngoài những lo ngại trực tiếp về vấn đề trần nợ của Mỹ và hậu quả của việc lãi suất tăng đột ngột, Báo cáo của IMF cũng cố gắng đánh giá khả năng bị tổn thương của các ngân hàng thuộc các nước ngoại vi châu Âu bởi các công ty yếu mà họ đã cho vay.

IMF nói rằng, ở Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang có một vòng luẩn quẩn. Trong đó, các công ty yếu khó có thể trả được lãi cho các món nợ của mình. Điều này làm suy yếu sức khỏe của các ngân hàng mà họ đã vay, buộc các ngân hàng này phải tăng lãi suất và càng làm yếu hơn các công ty này.

Theo ông Viñals, ngay cả nếu lãi suất cho vay là bình thường ở khu vực đồng euro, “thì các khoản nợ khó đòi vẫn còn đó, chiếm khoảng 1/5 tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của các ngân hàng Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha”.

Theo ước tính của IMF, điều này có thể sẽ ngốn mất một phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng này trong tương lai, đồng thời đòi hỏi họ phải có thêm những khoản vốn đệm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi khẩn cấp đánh giá khả năng chịu đựng của từng ngân hàng trong khuôn khổ chương trình ra soát chất lượng tài sản ngân hàng châu Âu, tốt nhất là trên cơ sở toàn bộ khu vực đồng euro. Quỹ cũng đã thúc giục các nước thuộc khu vực đồng euro tiến hành các bước đi cụ thể trong việc thiết lập một liên minh ngân hàng. Đây là một cách để tái đảm bảo cho các thị trường về sự ổn định của khu vực ngân hàng và tin tưởng các ngân hàng này sẽ được hỗ trợ về vốn.