Người quản lý tốt rất quan trọng đối với tổ chức. Ảnh minh họa: WOCinTech Chat.
Khảo sát trên do Business Insider thực hiện tại Mỹ. Điều này cho thấy, khi đang ở vị trí quản lý, bạn có thể khó đánh giá bản thân làm tốt hay không. Sau đây là vài dấu hiệu tham khảo.
Không yêu ghét ai rõ ràng
Yêu ghét rõ rệt với một nhân viên cấp dưới nào đó không tốt cho đội ngũ. Nếu bạn tuyên bố ai đó được quý mến nhất thì sẽ khiến các nhân viên khác từ bỏ việc cố gắng gây ấn tượng với bạn.
Đối xử tôn trọng
Một số ông chủ có xu hướng xúc phạm, khinh thường nhân viên và xem đó là kỹ thuật để răn đe hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không đúng trong hầu hết trường hợp. Nếu bạn tôn trọng nhân viên, bạn là nhà quản lý tiến bộ.
Sẵn sàng thử điều mới
Các sếp tốt thường tạo cho nhân viên một phạm vi để thử nghiệm và đổi mới. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn phát triển lãnh đạo Zenger/Folkman, người trẻ có xu hướng làm quản lý tốt hơn, một phần vì họ sẵn sàng thay đổi.
Có trách nhiệm với mọi người
Duy trì trách nhiệm là một phần quan trọng của môi trường làm việc văn phòng. Nó khuyến khích người lao động hành động chính trực. Những nhà quản lý tốt không đổ lỗi khi có sai lầm. Khoảng cách giữa những gì họ nói sẽ làm và những gì họ thực sự làm là rất hẹp.
Ra lệnh lịch sự
Sếp tốt sẽ ra lệnh lịch sự, thuyết phục hơn là dùng uy quyền thống trị.Ảnh minh họa: Sebastiaan ter Burg.
Thay vì ra lệnh và hành xử như người thống trị, sẽ tốt hơn nếu người sếp dùng những lời nói thuyết phục và lịch sự để yêu cầu công việc với nhân viên.
Cung cấp sự hỗ trợ
Các ông chủ nên xây dựng niềm tin với nhân viên bằng cách cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn hợp lý. Rõ ràng, bạn không nên 'ném' họ vào công việc mà không có định hướng gì.
Loại bỏ chướng ngại
Ông chủ tồi là người dựng lên những rào cản khiến nhân viên khó làm việc và thành công hơn. Ngược lại, nhà quản lý tuyệt vời tích cực làm cho cuộc sống của cấp dưới dễ dàng hơn.
Giỏi huấn luyện
Huấn luyện viên không chỉ ngồi một bên mà nhìn. Họ cũng không tham gia trực tiếp vào dự án vì sợ cấp dưới thất bại. Thay vào đó, một huấn luyện viên tốt sẽ chỉ huy bằng sự tôn trọng, pha trộn đúng đắn những khen ngợi và phê bình.
Quản lý kỳ vọng của nhân viên
Những ông chủ tồi thường làm đội ngũ thất vọng hoặc hiểu nhầm do đưa ra những nhận định không chính xác. Ví dụ, họ nói công ty đang phát triển tốt và kèm theo là việc sắp sa thải người. Thay vào đó, cần giữ môi trường cởi mở và minh bạch.
Cho ý kiến phản hồi
Nhân viên giỏi khao khát được phản hồi để tìm hiểu họ có thể cải thiện và phát triển thể nào. Hai chuyên gia Marcus Buckingham và Ashley Goodall viết Harvard Business Review rằng, nên chia sẻ phản ứng cá nhân của bạn đối với hành vi của nhân viên hơn là đánh giá tổng thể về hiệu suất của họ.
Lắng nghe kỹ càng
Nhân viên muốn cảm thấy được lắng nghe. Ở cương vị quản lý, bạn là người đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng thỉnh thoảng, nên chủ động lắng nghe những hiểu biết và ý kiến của họ.
Giải thích bản thân
Giải thích rõ quan điểm, ý tưởng thay vì để nhân viên suy đoán. Ảnh minh họa: Sebastiaan ter Burg.
Những quản lý giỏi không mong ai đọc được suy nghĩ của họ. Họ cung cấp một tầm nhìn rõ ràng, kiến thức và công cụ để đạt được nó đến đội ngũ.
Quan tâm đến giải pháp
Khi gặp khó khăn, các ông chủ kém sẽ tìm ai đó để đổ lỗi. Các quản lý giỏi tập trung vào việc tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Tạo thử thách cho nhân viên
Nhân viên thấy nhàm chán là những nhân viên không hạnh phúc. Những sếp tốt tạo ra những thử thách cho cấp dưới của họ.
Không quản lý tiểu tiết
Cần có sự cân bằng giữa quản lý với trao quyền. Bạn có thể cân nhắc để ủy thác, cho phép tự chủ nhất định, đi kèm với trách nhiệm cho vài nhân viên nòng cốt.
Có khiếu hài hước
Thật tốt khi cười với nhân viên nhưng điều quan trọng là không bao giờ đưa trò đùa đi quá xa trong văn phòng.
Quan tâm đến ước mơ nhân viên
Người sếp tốt sẽ đầu tư cho nhân viên. Điều đó có nghĩa là họ tích cực quan tâm đến các mục tiêu và nguyện vọng nghề nghiệp của cấp dưới.
Không quá tốt với nhân viên
Quá tốt đôi khi khá tàn nhẫn. Các vị sếp ngọt ngào giả tạo, dành nhiều lời khen ngợi không đáng có nhưng có thể "rút tấm thảm dưới chân" nhân viên bất cứ lúc nào rất nguy hiểm. Do vậy, đừng tỏ ra quá thân thiện chỉ vì bạn không thích xung đột. Hãy thực tế và sòng phẳng với nhân viên.
Quan tâm đến cuộc sống của nhân viên
Sếp tốt sẽ tôn trọng đời tư nhân viên. Tuy nhiên, họ đủ quan tâm để hỏi về sức khỏe người thân hay kế hoạch mùa hè của cấp dưới dành cho con cái. Sự quan tâm sẽ chứng minh sếp thực sự quan tâm đến họ, khiến cả hai đầu tư nhiều hơn vào mối quan hệ công việc.
Đôi khi, bạn nghi ngờ mình không phải là sếp giỏi. Tuy nhiên, chuyên gia Simon Sinek, tác giả quyển 'Leaders Eat Last' và 'Together is Better' nói một số cá nhân tin rằng bản thân là một lãnh đạo xuất sắc thường lại là những sếp tệ.
Những sếp giỏi nhận ra rằng uy quyền và cấp bậc không bằng khả năng lãnh đạo. Kết quả, họ không ngừng làm việc để cải thiện bản thân. Thậm chí, họ nhận sai, giúp bản thân vượt trội so với nhiều nhà quản lý thiếu tự giác khác.