100 ngày trăng mật mỹ mãn của CEO BlackBerry

(ĐTCK) Sau gần 3 tháng ngồi vào vị trí CEO của Tập đoàn viễn thông và thiết bị không dây BlackBerry, quý ông John Chen đang khiến cả thế giới phải tròn mắt thán phục khi từng bước vực dậy hình ảnh đẹp đẽ của BlackBerry trên tất cả các mặt trận.
 
100 ngày trăng mật mỹ mãn của CEO BlackBerry

Tại thời điểm mọi niềm tin đặt vào nhà sản xuất dòng điện thoại thông minh BlackBerry gần như sắp cạn kiệt, John Chen xuất hiện như chiếc phao cứu sinh với kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích. Không phải ngẫu nhiên Tập đoàn lựa chọn ông Chen, bởi từ lâu người đàn ông này đã nổi tiếng với năng lực thiên tài “vực dậy các công ty đang hấp hối”.

Ngay khi nhậm chức, một trong những mục tiêu được John Chen đặt ra và phải hoàn thành trên hết là tập trung toàn bộ khối lượng con người và trí tuệ vào danh mục thiết bị máy tính và mạng không dây, vốn là lĩnh vực được ưa chuộng nhất của BlackBerry thời kỳ đầu. Đây cũng là bước đệm để từ đó lôi kéo khách hàng doanh nghiệp trung thành và giàu có quay trở lại. 

“Ở vị trí của Chen bạn sẽ thấy giống như đang bước chân vào một nhà máy, máy móc tuy không hoạt động quá ồn ào nhưng bạn biết nó rất có giá trị, nếu bạn biết cách khởi động và vận hành chúng đúng hướng”, Don Yacktman, nhà sáng lập Quỹ tài sản Yacktman Asset Management phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây. Hãng phim Austin của ông cũng đang giữ 5,9 triệu cổ phiếu BlackBerry, trị giá 59 triệu USD (tính đến ngày 30/9/2013).

Tuy nhiên, theo ông Yacktman, giá cổ phiếu quá bèo bọt nếu ta nhìn vào khối tài sản Tập đoàn đang nắm giữ. 

Dù vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng dưới quyền điều hành của John Chen, cổ phiếu BlackBerry nhảy vọt 8,6%, đạt mức giá 10,78 USD/cổ phiếu trong phiên đóng cửa hôm 23/1 tại New York. Nếu như trước đây khối tài sản của John Chen tại Tập đoàn chỉ xấp xỉ khoảng 88 triệu USD, bao gồm cả tiền mặt lẫn cổ phiếu, thì nay con số đó tăng lên đến 135 triệu USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bên cạnh việc thay đổi chiến lược hoạt động của Tập đoàn và xác định rõ mục tiêu lâu dài, Chen đang ấp ủ kế hoạch bán phần lớn khối bất động sản ở Canada, trừ một số tòa nhà đang là trụ sở hoạt động chính của Tập đoàn ở Thành phố Waterloo, thuộc phía Nam Ontario của Canada.

“BlackBerry vẫn duy trì sự hiện diện chính ở trụ sở Waterloo cũng như trên đất nước Canada bên cạnh những chi nhánh hoạt động khác trên khắp toàn cầu”, ông John Chen phát biểu vào chiều ngày thứ Ba vừa qua.

Tuy nhiên, với việc 78,3% số bất động sản Tập đoàn đang nắm giữ nằm rải rác khắp khu vực Waterloo, chắc chắn số tài sản phải ra đi sẽ không ít. Cụ thể, theo một thông tin hành lang, khoảng 2,2 triệu m2 ở Waterloo có thể sắp bị bán đi, bao gồm các tòa nhà văn phòng và nhiều danh mục bất động sản khác trong vòng 30 năm qua. Một số hạng mục tài sản có thể bị kê khai như là 19 mẫu đất và 677.436 m2 diện tích tòa nhà văn phòng ở Northfield Campus; 9 tòa nhà với diện tích xấp xỉ 1 triệu m2 ở University Campus; hơn 700.00 m2 ở Cambridge Campus; 2 tòa nhà văn phòng và hơn 10 mẫu đất ở Ottawa Campus…

Mặc dù, chưa có thông báo chính thức về mức giá cụ thể cho từng loại bất động sản, song nếu kế hoạch bán được triển khai sẽ là bước đi khá mạo hiểm cho John Chen cũng như toàn Tập đoàn.

“Sáng kiến này sẽ nâng cao hơn nữa tính linh hoạt tài chính của BlackBerry, đồng thời cung cấp thêm nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động của chúng tôi, đưa Tập đoàn ngày càng phát triển”, ông Chen nói.

Nhận xét về bước đi này của John Chen, chuyên gia phân tích Ittai Kidron ở Công ty Oppenheimer & Co. cho biết: “việc thu hẹp, giảm bớt tài sản và chiến lược tập trung vào danh mục phần mềm doanh nghiệp khá là thực dụng, tuy nhiên chúng tôi sẽ cẩn thận theo dõi khả năng ‘lật ngược ván bài’ của anh ta ra sao”.

Quả thật, vẫn còn quá sớm để đánh giá năng lực của John Chen chỉ với nhiệm kỳ 3 tháng ngắn ngủi. Vị trí của Chen khiến người ta liên tưởng đến trường hợp của Công ty Hewlett - Packard khi chọn Meg Whitman làm người thay thế CEO Leo Apotheker vào năm 2011. Sau khi trở thành CEO đời thứ 4, Whitman mang lại doanh thu 8,8 tỷ USD cho Hewlett - Packard trong vòng hơn 2 năm và tuyên bố cần thêm 5 năm nữa để khôi phục hoàn toàn danh tiếng Công ty.  

“Khi bổ nhiệm Meg Whitman vào vị trí CEO, nó giống như bạn đang thổi luồng gió mát. Bạn không biết cô ấy có thể làm tốt hay không, nhưng rõ ràng bạn biết đó hẳn là sự nâng cấp. Tôi nghĩ John Chen cũng ở trong trường hợp tương tự như vậy”, ông Don Yacktman nhận định.

Bước vào cuộc chơi khi BlackBerry gần như sắp phải bán chính mình, Chen miêu tả ví von công việc mới như “chơi một trò chơi trong thời gian dài”.

Đế chế phần mềm Android đã càn quét và cướp hết mọi thành tựu của BlackBerry trong vòng 6 năm qua, mặc dù có sự khởi đầu khá suôn sẻ, song công việc trước mắt vẫn đang bộn bề đối với không chỉ John Chen mà còn là tập thể nhân viên Tập đoàn.    

Tin bài liên quan