10 sự kiện nổi bật thế giới 2017

Thế giới năm 2017 chứng kiến nhiều biến động, từ sự bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ không theo khuôn mẫu Trump, đến khủng hoảng hạt nhân, tên lửa Triều Tiên hay sự bùng phát trở lại căng thẳng Israel- Palestine.

1. Tổng thống Mỹ Trump nhậm chức

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters.

Ngày 201/1, tỷ phú Donald Trump nhậm chức trở thành tổng thống 45 của nước Mỹ. Trump đã thể hiện sự khác biệt với những người tiền nhiệm khi quyết liệt thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết", khiến nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thấp thỏm suốt cả năm.

Ông rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ ba ngày sau khi nhậm chức và đe dọa xem xét lại hàng loạt hiệp định song phương, khiến nhiều nước hoang mang. Tiếp đó, ông rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, làm thế giới thất vọng.

Chính "xoay trục châu Á" bị Trump bãi bỏ, làm các đồng minh châu Á bối rối. Những lời đe dọa liên tục của Trump với Triều Tiên châm ngòi cuộc ăn miếng trả miếng với Kim Jong-un, gây lo sợ về nguy cơ chiến tranh. Cuối năm, Trump thổi bùng mối thù nhiều năm Israel – Palestine khi bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái, gây phẫn nộ cho hàng tỷ người Hồi.

"Gây bối rối và đối đầu có lẽ là những từ tốt nhất để mô tả chính sách đối ngoại của Trump", Walter Pincus, chuyên gia phân tích chính trị Mỹ, bình luận. "Chính điểm này khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bị suy giảm đáng kể trong thế giới hiện nay".

Những cột mốc ấn tượng trong năm đầu nhiệm kỳ của Trump.

2. Triều Tiên thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay

10 sự kiện nổi bật thế giới 2017 ảnh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng sau khi chỉ đạo một vụ phóng tên lửa. Ảnh:KCNA.

2017 chứng kiến nhiều cái "nhất" trong chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ngày 3/9, nước này thử bom hạt nhân tương đương 120 kiloton, mạnh nhất trong lịch sử 6 lần thử. Ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, lần đầu tiên được các chuyên gia phương tây thừa nhận có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Kim Jong-un long trọng tuyên bố nước này thành cường quốc hạt nhân.

Khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị đẩy lên cao với những đe dọa quyết liệt và liên tục. Mức độ căng thẳng gia tăng từng ngày và nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất với Triều Tiên, ngày càng mất đi ảnh hưởng với quốc gia láng giềng và thậm chí còn cảnh báo Bình Nhưỡng là "một quả bom nổ chậm". Mỹ và Hàn Quốc liên tục các cuộc tập trận với quân lực và khí tài đông đảo nhất, bất chấp lời kêu gọi của Nga và Trung Quốc yêu cầu các bên xuống thang.

Liên Hợp Quốc đã áp lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất; thậm chí Trung Quốc cũng thực thi các biện pháp xiết chặt giao thương, năng lượng, nhưng trong bầu không khí nóng hiện nay, chưa có dấu hiệu khả thi nào cho giải pháp tháo gỡ khủng hoảng.

3. Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc công bố tham vọng siêu cường thế giới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh:Xinhua.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh tháng 10/2017 bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch ra hướng đi của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Nhờ thành tựu và quyền lực tập hợp được trong 5 năm qua, ông Tập Cận Bình tiếp tục cương vị, được tôn vinh ngang tầm với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Giấc mơ Trung Hoa được ông Tập tái khẳng định, quyết tâm đưa Trung Quốc trở nên giàu có vào năm 2020, công khai tham vọng trở thành thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, dẫn đầu cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Báo cáo chính trị mà ông Tập đọc tại đại hội cho thấy Trung Quốc muốn chuyển từ triết lý "náu mình chờ thời" mà nước này áp dụng từ năm 1990 sang "tiến vào trung tâm thế giới".

Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng này bằng cơ chế Vành đai và Con đường, đầu tư hạ tầng và tài chính để giành ảnh hưởng từ khắp Á sang Âu. Bắc Kinh đang gặp thuận lợi khi chính quyền của tổng thống Mỹ Trump giảm vai trò vai toàn cầu để tập trung vào chính sách đối nội .

4. Tổng thống Pháp Marcon đắc cử

10-su-kien-noi-bat-the-gioi-2017-4

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nắm tay vợ trong lễ nhậm chức. Ảnh:Reuters.

Ông Emmanuel Macron hồi đầu tháng 5 giành chiến thắng áp đảo trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen, trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Tổng thống 39 tuổi nhậm chức khi nước Pháp đứng trước hàng loạt thách thức như sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, tỷ lệ thất nghiệp cao và nguy cơ khủng bố.

Trên phạm vi thế giới, phong trào chống tự do và hội nhập trỗi dậy, làm nhiều nước lo ngại, đặc biệt là sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các chính sách thể hiện "Nước Mỹ trên hết", từ bỏ nhiều thỏa thuận đa phương. Chiến thắng của Macron có ý nghĩa to lớn, loại bỏ nguy cơ Pháp rời EU, cho thấy sự lên ngôi của các chính đảng trẻ trung và ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở châu Âu.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Macron đã có một số nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, ông đưa ra các tuyên bố cứng rắn, chỉ trích lãnh đạo một số nước như Mỹ, Nga. Sau đó ông thay đổi chiến thuật, "kết thân" với Tổng thống Mỹ nhằm thuyết phục Washington quay trở lại Hiệp định biến đổi khí hậu Paris. Tuy nhiên đến nay "Tổng thống Pháp vẫn chưa biến những tuyên bố về thúc đẩy tự do và hội nhập quốc tế thành hiện thực", BBC đánh giá.

5. Người bị nghi là Kim Jong-nam bị ám sát

Kim Jong-nam vẫy chào sau cuộc phỏng vấn với truyền thông Hàn Quốc ở Macau năm 2010. Ảnh: AFP

Ông Kim Jong-nam vẫy chào sau cuộc phỏng vấn với truyền thông Hàn Quốc ở Macau năm 2010. Ảnh:AFP

Ngày 13/2, người đàn ông bị nghi là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tử vong sau khi bất ngờ bị Siti Aisyah, người Indonesia và Đoàn Thị Hương, người Việt Nam, bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ở sân bay Kuala Lumpur, Malaysia.

Vụ việc châm ngòi căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Malaysia và Triều Tiên. Kim Jong-nam từng nắm giữ vị trí cao trong chính quyền Triều Tiên trong lĩnh vực công nghệ và tình báo, từng được cất nhắc sẽ kế nhiệm cha. Sau khi bị thất sủng, ông sống lưu vong và từng công khai chỉ trích chính quyền Triều Tiên.

Kuala Lumpur khẳng định người chết là Kim Jong-nam, nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố đó là nhà ngoại giao Kim Chol và cáo buộc Malaysia "có mục đích chính trị". Hai nước trục xuất đại sứ, cấm công dân nước đối phương xuất cảnh. Cuối tháng 3, sau khi Malaysia trả thi thể cho Triều Tiên, cho phép ba nghi phạm trú ẩn trong sứ quán về nước, Bình Nhưỡng mới để công dân Malaysia hồi hương.

Siti và Hương cho rằng họ chỉ được thuê để tham gia trò chơi khăm trên truyền hình. Họ bị buộc tội giết người, đối mặt án tử hình, trong khi 4 nghi phạm Triều Tiên đang tự do. Luật sư của hai nghi phạm cho rằng thân chủ của họ chỉ là quân tốt của vụ ám sát mang tính chính trị, cáo buộc Malaysia thả nghi phạm để thỏa hiệp với Triều Tiên.

Khoảnh khắc cuối đời của người bị nghi là Kim Jong-nam ở sân bay Kuala Lumpur.

6. IS bị diệt trừ tại sào huyệt cuối cùng Raqqa và Mosul

10-su-kien-noi-bat-the-gioi-2017-8

Quá trình sụp đổ của IS.

Diệt trừ Đế chế Hồi giáo tự xưng (IS) sau gần 4 năm chiến đấu khốc liệt là thành quả vang dội không chỉ của Iraq và Syria mà còn cả Mỹ và Nga. Hoàn thành sứ mệnh tiêu diệt khủng bố ở Syria sau hơn hai năm, Nga đồng thời làm thay đổi cuộc chơi chính trị ở quốc gia Trung Đông, giúp chính quyền Bashar al-Assad duy trì quyền lực, xoa dịu cuộc xung đột với phe đối lập, trở thành trung gian uy tín khiến Mỹ phải kiêng nể, nâng cao tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi những tiếng súng lắng xuống cũng là lúc cuộc chiến mới nhằm tái thiết đất nước bắt đầu. Hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cần được khôi phục cuộc sống, mâu thuẫn giữa các phe phái, sắc tộc cần được giải quyết và tư tưởng cực đoan mà IS gieo rắc suốt những năm qua cần phải bị xóa sổ hoàn toàn.

Việc mất lãnh thổ trên thực địa khiến IS chuyển hướng sang xây dựng một vương triều ảo, chiêu mộ chiến binh qua mạng để tiến hành tấn công nhỏ lẻ của những "con sói đơn độc" ở các nước phương Tây. Những kẻ thân IS đã thực hiện hàng loạt vụ lao xe, nổ bom tự chế, đâm dao và xả súng ở Mỹ, Anh, Nga trong năm 2017, làm hàng chục người chết và bị thương. Phá vỡ được "đế chế Hồi giáo" tự xưng ở Trung Đông không đồng nghĩa với việc loại bỏ được mối đe dọa mà chúng gây ra.

7. Các nước Arab cắt quan hệ với Qatar

Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Arab Saudi trao đổi với Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi sau khi cắt quan hệ với Qatar. Ảnh: Reuters.

Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Arab Saudi (trái) trao đổi với Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi sau khi cắt quan hệ với Qatar. Ảnh:Reuters.

Trung Đông thêm căng thẳng khi ngày 5/6 Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập và UAE đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo và nghiêng về phía đối thủ Iran. 10 quốc gia khác sau đó nối gót Arab, khiến Qatar bị phong tỏa cả trên không, trên bộ và trên biển. Với Kuwait là trung gian, các nước Arab đưa ra 13 yêu cầu Qatar cần thực hiện để được dỡ phong tỏa nhưng Doha bác bỏ.

Thị trường chứng khoán Qatar mất 15% giá trị, chạm đáy 5 năm, giới đầu tư nước ngoài thoái vốn hàng chục tỷ USD. Người Qatar đối mặt nguy cơ khan hiếm thực phẩm, các gia đình bị ly tán, hàng không bị cấm đoán. Qatar đã phải chi hơn 38 tỷ USD hỗ trợ kinh tế trong hai tháng đầu khủng hoảng. Các nước liên quan ước tính mất hàng tỷ USD vì hoạt động thương mại, đầu tư bị cản trở.

Qatar tuyên bố sẵn sàng đối thoại nếu có diễn biến tích cực và cáo buộc các nước Arab né tránh đàm phán. Cuộc khủng hoảng được dự báo còn tiếp tục, ít nhất là trong ngắn hạn và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, nơi cả Qatar và Arab Saudi là thành viên, có nguy cơ sụp đổ.

8. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Một thanh niên Palestine tham gia biểu tình phản đối quyết định của Trump. Ảnh: CNN.

Một thanh niên Palestine tham gia biểu tình phản đối quyết định của Trump. Ảnh:CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đánh dấu sự thay đổi chính sách của Washington gần 70 năm.

Bầu không khí tương đối yên tĩnh ba năm qua, kể từ khi Israel và Palestine đạt thỏa thuận ngừng bắng, bị thay bằng một vòng xoáy bạo lực mới. Hàng loạt cuộc tuần hành phản đối, biểu tình bạo lực đã nổ ra tại Palestine và các quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới khiến ít nhất 8 người thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương.

Quan điểm của chính quyền Trump được đánh giá sẽ đẩy lùi tiến trình hòa bình, gia tăng xung đột ở Trung Đông. Giới chức Palestine tuần này kêu gọi một "ngày máu đỏ" để bày tỏ phẫn nộ. Hình ảnh lửa cháy, ném đá và đấu tên lửa giữa người Arab với người Israel trở lại trang nhất báo chí thế giới. Mỹ nhận một đòn ngoại giao nặng nề khi 128 nước bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phản đối quyết định của ông Trump.

"Jerusalem có ý nghĩa tôn giáo và tình cảm vô cùng thiêng liêng với tất cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo. Quyết định của Mỹ coi Israel sở hữu toàn bộ Jerusalem là sự khoét sâu hơn vết thương chưa lành và chắc chắn sẽ thổi bùng ngọn lửa bạo lực", tuyên bố của 170 học giả Do Thái của các trường đại học Mỹ viết.

Làn sóng bạo lực mới bùng lên này ở Trung Đông có thể bị các tàn dư khủng bố như al-Qaeda và IS lợi dụng để gieo rắc tư tưởng cực đoan, tuyển mộ chiến binh nhằm tấn công các mục tiêu thân Mỹ.

9. Khủng hoảng chính trị kinh tế Venezuela

Chiếc trực thăng trong vụ ném lựu đạn. Ảnh: Reuters.

Chiếc trực thăng trong vụ ném lựu đạn. Ảnh:Reuters.

Ngày 27/6, Oscar Perez, cựu sĩ quan Cơ quan điều tra và tình báo Venezuela, lái trực thăng bắn 15 phát đạn vào tòa nhà Bộ Nội vụ và thả 4 quả lựu đạn xuống tòa án tối cao Venezuela. Trên trực thăng có dòng chữ "Quyền tự do. Điều 350", quy định trong hiến pháp Venezuela cho phép công dân chống lại các chính phủ "vi phạm giá trị dân chủ hoặc nhân quyền".

Vụ việc là đỉnh điểm khủng hoảng âm ỉ tại Venezuela sau 4 năm Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, xuất thân từ một tài xế taxi, lên kế nhiệm cố lãnh đạo Hugo Chavez. Lạm phát năm 2017 tăng 800%, đẩy Venezuela vào tình trạng vỡ nợ. Thực phẩm, thuốc men khan hiếm, dịch vụ công bị đình trệ, tình trạng tội phạm gia tăng. Tổng thống Maduro và phe ủng hộ không tìm được giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Ông bị phe đối lập tố cáo tước quyền lực quốc hội và thay đổi hiến pháp để thâu tóm quyền lực.

Ông Maduro gọi hành động của Perez là "khủng bố", Ngoại trưởng Venezuela Samuel Moncada chỉ trích phương Tây vì không lên án vụ tấn công trong khi phe đối lập lại cho rằng vụ việc được dàn dựng để biện minh cho hành động trấn áp biểu tình phản đối chính phủ.

Tình hình Venezuela khó có thể cải thiện trong năm 2018, nhất là sau khi ông Maduro cấm phe đối lập tham gia bầu cử tổng thống.

Một người biểu tình trở thành đuốc sống khi quần áo của anh ta bắt lửa khi cuộc biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro biến thành bạo loạn và đụng độ với cảnh sát ngày 3-5 - Ảnh: AFP

Một người biểu tình trúngbom xăngkhi tham gia biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolás Madurongày 3/5.Ảnh:AFP.

10. Tổng thống Zimbabwe bị phế truất

Cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe chụp vào tháng 12/2015. Ảnh: AFP.

Cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe chụp vào tháng 12/2015. Ảnh:AFP.

Sớm ngày 15/11, quân đội Zimbabwe bất ngờ chốt giữ các vị trí trọng yếu ở thủ đô Harare và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe tại nhà, sau khi ông Mugabe sa thải phó tổng thống Emmanuel Mnangawa để dọn đường cho vợ mình kế nhiệm. Quân đội tìm cách đàm phán với Tổng thống 93 tuổi nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu. Sau nhiều áp lực, ông Mugabe ngày 21/11 chấp nhận từ chức.

Robert Mugabe được ca ngợi là anh hùng dân tộc khi giúp Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Zimbabwe đi từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới. Ông còn bị cáo buộc đàn áp những người bất đồng chính kiến và can thiệp bầu cử. Trong 37 năm cầm quyền, ông liên tiếp từ chối chỉ định người kế nhiệm, thậm chí từng tuyên bố sẽ ra tranh cử vào năm 2018 ở tuổi 94.

Người dân Zimbabweans ăn mừng ông Mugabe từ chức bên ngoài quốc hội ở thủ đô Harare. Ảnh: AP.

Người dân Zimbabweans ăn mừng ông Mugabe từ chức bên ngoài quốc hội ở thủ đô Harare. Ảnh:AP.

Sự ra đi của ông Mugabe được đánh giá là kết quả tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền ZANU-PF hơn là vì lợi ích của đất nước. Các chuyên gia lo ngại tân tổng thống Emmerson Mnangagwa, người từng trung thành phụng sự ông Mugabe, sẽ "đi vào vết xe cũ".

"Cách Mugabe ngã xuống từ đỉnh cao quyền lực có thể là lời cảnh báo cho tất cả những ai muốn học theo ông ấy", hãng tin AP bình luận.

Hành trình từ một anh hùng dân tộc tới Tổng thống suýt bị luận tội của ông Robert Mugabe.

Tin bài liên quan