Hàng triệu người mất việc, phải đi tìm việc làm mới do Covid-19. 2020 là năm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm qua.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện để phục vụ yêu cầu thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2020, chuẩn bị cho kỳ họp 10 của Quốc hội, sẽ bắt đầu trong tháng tới.
Báo cáo được gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nêu những con số thể hiện sức tàn phá của đại dịch Covid-19 một cách rõ ràng, chân xác.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2020 tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
Tính toán sơ bộ trong 8 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực có quan hệ lao động là hơn 1 triệu lao động.
Bộ trưởng cũng dẫn số liệu thống kê của Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên (28,7 triệu người có việc làm, 897,7 nghìn người thất nghiệp, 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động).
Ảnh hưởng giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17,6 triệu người (chiếm 57,3%); khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 25,1%.
Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ giảm 7,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1% và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm 2,8%.
Tổng thu nhập bình quân 1 tháng của lao động làm công hưởng lương quý 2/2020 là 6,45 triệu đồng, giảm 950 nghìn đồng so với quý 1.
Ngoài ra, hiện nay cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo; với tác động của dịch Covid-19 đến lao động, việc làm và thu nhập thì nguy cơ số hộ nghèo, cận nghèo sẽ gia tăng, Bộ trưởng Dung nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cũng là một trong 4/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch Quốc hội giao (chỉ tiêu giao là khống chế tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, đến thời điểm này, ước thực hiện cả năm là 4,39%).
Dù không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng trong bối cảnh năm 2020, kết quả này vẫn được xem là hết sức tích cực khi tăng trưởng GDP thực tế chỉ đạt khoảng 2%.
Tại phiên họp thẩm tra của UB Kinh tế vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh bày tỏ băn khoăn khi tốc độ tăngtrưởng thấp, gói hỗ trợ an sinh lần thứ nhất được đề xuất lên đến 62.000 tỷ, tới đây dự đinh đề xuất gói thứ hai 18.600 tỷ nữa, vậy mà tỷ lệ thất nghiệp không cao hơn năm trước là mấy.
Bên cạnh việc làm, đại biểu Quốc hội và các chuyên giacũng rất quan tâm đến gói hỗ trợ an sinh xã hội được Quốc hội quyết định lên đến 62.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Bộ trưởng dẫn nhiều con số chứng minh, như tính đến 15/9/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách trên 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, kho bạc đã giải ngân 12.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 12,5 triệu người và 23.500 hộ kinh doanh, trong đó: nhóm đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ 774.000 người với kinh phí là 783 tỷ đồng; hỗ trợ 23.500 hộ kinh doanh, kinh phí gần 24 tỷ đồng.
Vẫn có những ý kiến yêu cầu phải đánh giá kỹ hơn về gói hỗ trợ này khi tỷ lệ giải ngân thực tế tính ra mới được khoảng30%, giải pháp gì phải tính để chi trả 70% còn lại?
Dù vậy, các ý kiến vẫn thống nhất cho rằng cần có gói hỗ trợ thứ hai, kéo dài đến hết 2021, bởi sức chịu đựng của doanh nghiệp đã cạn và dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chắc chắn cần gói hỗ trợ đợt hai vì cả doanh nghiệp và người dân đều đang rất khó khăn.
Nhưng cần thiết kế để đảm bảo khả thi. Ngân hàng Nhà nước cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đề nghị, chủ động đánh giá nguy cơ nợ xấu, điều hành lãi suất linh hoạt.