1,08 tỷ USD vốn FDI đăng ký tại TP. HCM trong 6 tháng

1,08 tỷ USD vốn FDI đăng ký tại TP. HCM trong 6 tháng

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 967 triệu USD, đạt 423% so với cùng kỳ năm 2013; 53 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 110 triệu USD. 

Như vậy, tính chung trong 6 tháng, TP.HCM đã tiếp nhận gần 1,08 tỷ USD vốn FDI, bằng 202% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư (Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM - Hepza) nhận xét, trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI tại Hepza có điểm mới là, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Cụ thể, Dự án Khu kỹ nghệ Việt Nhật (KCN Hiệp Phước) với tổng mức đầu tư 31 triệu USD. Đây là khu chuyên ngành đầu tiên của thành phố trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sau hơn 3 tháng khởi công, Khu kỹ nghệ Việt Nhật đã có khoảng 40 doanh nghiệp đang ở giai đoạn bàn thảo nội bộ và 8 doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đã quyết định đầu tư với diện tích thuê là 4.000 m2 và đều là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Các dự án trong lĩnh thương mại – dịch vụ ở ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có tín hiệu khả quan. Trong đó, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) mới được cấp phép dự án trung tâm mua sắm lớn trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La (Bình Tân) với tổng mức đầu tư hơn 128 triệu USD. Cùng với đó, Tập đoàn này đã tăng vốn thêm hơn 43 triệu USD cho Trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú Celadon (Tân Phú), chính thức khai trương đầu năm nay, nâng tổng vốn đầu tư cho dự án này lên hơn 235 triệu USD.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, chưa có các dự án FDI mới được cấp phép tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), hay Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc.  Tại SHTP, dự án của một số nhà đầu tư đang được thẩm định để có thể cấp phép, trong đó dự án của Samsung đầu tư trong lĩnh vực vi điện tử có tổng mức đầu tư khá lớn đã được Thành phố chấp thuận chủ trương. Trường hợp tương tự đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đang có dự án hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản để phát triển dự án khu phức hợp thông minh với vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, và chung cư,… Dự án này cũng đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Huỳnh Minh Cường, Phó trưởng ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM cho biết, sau khi quy hoạch 1/2.000 các phân khu được Thành phố phê duyệt, Ban đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, trong đó, ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án về nhà ở thương mại, khu dân cư, tổ hợp bệnh viện, trường học...  

Tin bài liên quan