1.001 lý do thất hẹn cổ tức

1.001 lý do thất hẹn cổ tức

(ĐTCK) Không ít DN xin gia hạn trả cổ tức do chưa thu xếp được nguồn tài chính; thậm chí có DN tính đến việc giảm cổ tức.

DN lỗi hẹn trả cổ tức do tình hình kinh tế khó khăn, nhưng niềm tin vào DN ít nhiều bị ảnh hưởng. Thu nhập giảm sút, giá cổ phiếu giảm, nhiều NĐT kỳ vọng vào những DN chuẩn bị chi trả cổ tức.

1.001 lý do thất hẹn cổ tức  ảnh 1 

FPT dự kiến trả cổ tức năm 2013 ở mức 20%

Những doanh nghiệp chuẩn bị trả cổ tức

CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) vừa quyết định, ngày 6/10 là ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2013, tỷ lệ 13% bằng tiền và dự kiến ngày 14/11 sẽ thực hiện chi trả. Ngày 11/9 tới, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) sẽ tạm ứng cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt, với tỷ lệ 20%. Đối với CTCP Đường Ninh Hòa (NHS), ngày 18/10 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 15%, chi trả trong tháng 11. CTCP Đường Biên Hòa (BHS) đang thực hiện chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 1/2013 bằng tiền, tỷ lệ 5%, tổng mức chi trả cổ tức dự kiến trong cả năm 2013 là 20%. Ngày 30/10, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (DPM) sẽ thực hiện trả cổ tức đợt 1/2013, với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.

Trước đó, trong năm 2013, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thực hiện tạm ứng cổ tức cho cổ đông 3 đợt, với tổng mức tạm ứng là 25%. Việc các DN thực hiện đúng “cam kết” về trả cổ tức đang chứng minh DN đứng vững trong khó khăn và có tiềm năng tăng trưởng, được nhiều NĐT quan tâm.

Bên cạnh những DN thông báo tạm ứng cổ tức năm 2013 thì một số DN chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức năm 2012 như CTCP Y dược phẩm Vimedimex (VMD) dự kiến trả cổ tức bằng tiền năm 2012, tỷ lệ 17% vào cuối tháng 10; Công ty đặt kế hoạch trả cổ tức năm 2013 ở mức 20%. CTCP Sông Đà 11 Thăng Long (SEL) đang hoàn tất các thủ tục để trả cổ tức tiền mặt năm 2012, tỷ lệ 10% trong tháng 10 này.

Những DN lớn như VNM, FPT, GAS duy trì trả cổ tức đều đặn qua các năm. Đơn cử, FPT vẫn đang áp dụng việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt và để lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư. Do vậy, nếu kết quả kinh doanh năm 2013 của Công ty khả quan, FPT có thể tăng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn mức 20% dự kiến trước đó.

Các ngân hàng cũng làm “ấm lòng” cổ đông khi quyết định bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức. Chẳng hạn, Vietinbank (CTG) quyết định dành 4.200 tỷ đồng trả tức năm 2012 cho cổ đông với tỷ lệ 16%; Vietcombank (VCB) bỏ ra 2.760 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ 12%.

 

Thất hẹn trả cổ tức

Tình trạng sai hẹn cổ tức vẫn tiếp diễn. Không ít DN xin gia hạn trả cổ tức do chưa thu xếp được nguồn tài chính; thậm chí có DN tính đến việc giảm cổ tức.

CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) xin gia hạn trả cổ tức năm 2011 từ tháng 9/2013 sang đầu tháng 11/2013. Bên cạnh đó, PTL, SMA, CDC… là các DN đã vài lần khất hẹn cổ tức cho cổ đông.

Dù chưa công bố chính thức, nhưng một số DN có ý định giảm mức chi trả cổ tức năm 2013, do hoạt động kinh doanh khó khăn ngoài dự đoán. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN thuộc “họ” Sông Đà cho biết, Công ty dự kiến điều chỉnh giảm cổ tức năm 2013 từ mức 8% xuống còn khoảng 5%.

Nhìn chung, những DN có ý tưởng cắt giảm cổ tức đều rơi vào tình trạng cạn nguồn tiền trước thời điểm định trả cổ tức. Một số DN mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh có lãi, nhưng vẫn không có đủ nguồn tiền mặt để chia cổ tức.

Đáng chú ý, một DN lớn là CTCP Tập đoàn Masan (MSN) có 3 - 4 năm liền không chia cổ tức. Theo giải thích của MSN, năm 2012, MSN có khoản lợi nhuận “khủng” chưa phân phối lên đến 6.000 tỷ đồng, nhưng Công ty không chia cổ tức, mà để đầu tư vào tài sản cố định, Công ty đã tuyên bố từ đầu là sẽ không chia cổ tức. MSN không phải là trường hợp sai hẹn trả cổ tức, song trong bối cảnh hiện nay, chủ trương về cổ tức nêu trên không hấp dẫn nhiều NĐT nhỏ lẻ.

Không chỉ gia hạn cổ tức, cổ đông của CTCP Sông Đà 7 (SD7) cho biết, SD7 đã thực hiện chốt danh sách nhận cổ tức năm 2010 từ tháng 2/2012, nhưng đến đầu năm 2014 mới tiến hành chi trả. Trong trường hợp này, cổ đông bị “thiệt kép”, vì giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh tại ngày chốt quyền.

Tính đến thời điểm hiện tại, dù chưa nhiều DN công bố gia hạn hay giảm tỷ lệ cổ tức năm 2013, nhưng cổ đông cũng chưa vội mừng, bởi những quyết định cuối cùng thường được DN đưa ra vào dịp kết thúc năm tài chính, hoặc trong mùa đại hội đồng cổ đông năm sau.