Một góc thủ đô London (Anh) - trung tâm tài chính của châu Âu. Ảnh: Reuters

Một góc thủ đô London (Anh) - trung tâm tài chính của châu Âu. Ảnh: Reuters

1.000 tỷ USD đã rời khỏi nước Anh

Brexit vẫn chưa diễn ra, nhưng quy mô ngành dịch vụ tài chính tại Anh đã co lại.

Các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 800 tỷ bảng (1.000 tỷ USD) tài sản ra khỏi Anh, theo báo cáo công bố hôm qua của EY.

Rất nhiều ngân hàng đã mở văn phòng mới tại địa điểm khác ở Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo hoạt động trong khu vực này sau khi Anh rời EU. Một số công ty khác thì chuyển tài sản đi để bảo vệ khách hàng khỏi biến động thị trường và quy định đột ngột thay đổi.

EY cho biết con số trên chỉ tương đương 10% tổng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của Anh và là "ước tính thận trọng" do một số ngân hàng vẫn chưa công bố kế hoạch dự phòng.

"Các con số của chúng tôi chỉ phản ánh những động thái công khai", Omar Ali – Giám đốc các dịch vụ tài chính tại EY cho biết, "Chúng tôi biết rằng còn nhiều công ty khác cũng đang lên kế hoạch cho khả năng Anh rời đi mà không đạt được một thỏa thuận nào với EU".

EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất tại Anh, từ sau cuộc trưng cầu dân ý khiến Anh rời EU năm 2016.

Theo kế hoạch, Anh sẽ phải rời EU sau 80 ngày nữa. Nhưng Thủ tướng Anh – Theresa May vẫn cần Quốc hội thông qua thỏa thuận rời đi mà bà đã đạt được với các nước còn lại trong EU.

Tuần tới, Quốc hội Anh mới bỏ phiếu với thỏa thuận này. Nếu không được thông qua, khả năng Anh phải rời EU mà không có thỏa thuận nào sẽ tăng vọt. Ngân hàng trung ương Anh đã cho biết kịch bản này sẽ khiến họ rơi vào tình cảnh còn tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính 2008.

Còn với các tổ chức tài chính, Brexit không thỏa thuận sẽ là một cơn ác mộng.

Sau khi Anh rời đi, các thỏa thuận vốn có của nước này với EU sẽ không còn hiệu lực, các ngân hàng sẽ rơi vào vùng trống pháp lý, có nghĩa họ không thể thực hiện một số hoạt động kinh doanh trên toàn EU.

Dù EU cho biết đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn hậu quả nghiêm trọng, đây chỉ là các biện pháp khẩn cấp, ngắn hạn nhằm bảo vệ lợi ích của chính họ mà thôi. "Các công ty tài chính vì thế không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận", Ali giải thích.

EY cho biết các công ty họ theo dõi đã tạo thêm 2.000 việc làm mới tại các địa điểm khác ở EU, vì Brexit. Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đã chuyển một số mảng kinh doanh ra khỏi Anh. Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là các điểm đến phổ biến nhất.

London đã là trung tâm tài chính của châu Âu hàng thập kỷ qua, đồng thời là nơi đặt trụ sở quốc tế của hàng chục ngân hàng. Ngành dịch vụ tài chính của nước này tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động cả nước, đóng góp 12,5% GDP cho Anh. Mỗi năm, ngành này nộp thuế 72 tỷ bảng (100 tỷ USD).

Tin bài liên quan