Trồng chanh VietGAP, xây nhà lầu bạc tỷ

Trồng chanh VietGAP, xây nhà lầu bạc tỷ

Nhờ làm tốt việc quản lý sản xuất theo đúng quy trình mà sản phẩm chanh không hạt của Hợp tác xã chanh Thạnh Hòa luôn nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của khách hàng.

Huyện Bến Lức (Long An) có khoảng trên 4.000 ha chanh tập trung ở các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình… Trước nhu cầu đưa chanh ra thị trường quốc tế, Hợp tác xã chanh Thạnh Hòa ra đời và trở thành mô hình cho nhiều nơi học tập. 

Chúng tôi về thăm Hợp tác xã chanh Thạnh Hòa giữa những ngày cuối tháng 5, thời điểm hạn, mặn đang xâm nhập mạnh đe dọa diện tích sản xuất chanh của người dân. Tuy nhiên, ở hợp tác xã Chanh Thạnh Hòa, việc trồng, chăm sóc và thu hoạch chanh vẫn nhộn nhịp.

Anh Vũ Ngọc Báo, Giám đốc Hợp tác xã chanh Thạnh Hòa, người đầu tiên trồng chanh không hạt ở xã, cũng là người năng nổ đưa cây chanh ra thị trường, cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ tháng 4/2013 với 20 xã viên, canh tác 80 ha chanh. Trong đó, diện tích đạt chuẩn VietGAP là 35 ha, Global GAP là 25 ha.

Theo anh Báo, huyện Bến Lức là vùng chuyên canh cây chanh lớn của tỉnh Long An. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, để được ổn định về giá cả thì sản phẩm làm ra đòi hỏi phải đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, sản xuất theo chuẩn VietGAP là điều kiện bắt buộc đối với nông dân. 

Hiện toàn bộ diện tích chanh của Hợp tác xã được sản xuất theo quy trình, quản lý nghiêm ngặt theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP bởi Cty TFR (The Fruit Republic) Cần Thơ.

Trồng chanh VietGAP, xây nhà lầu bạc tỷ ảnh 1

 Nhờ chuyên canh trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP xuất khẩu, nhiều xã viên Hợp tác xã xây nhà lầu bạc tỷ 

Tham gia mô hình nông dân được hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật của chương trình, trong đó tập trung vào 4 tiêu chí lớn gồm kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc.

Đặc biệt, mỗi nhà phải có hố xử lý chất thải, hố đốt rác để trong mỗi khu vườn; phân, thuốc bón cho cây phải cách ly từ 15 ngày trở lên mới được thu hoạch, nhằm tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tủ thuốc gia đình, an toàn và bảo hộ lao động, đào tạo kiểm tra viên nội bộ cho Hợp tác xã, trực tiếp hướng dẫn vẽ sơ đồ vườn cây, từ đó người tiêu dùng không còn lo ngại về chất lượng.

Đến thăm vườn chanh của anh Đỗ Quang Huế, Phó giám đốc Hợp tác xã mới thấy hết được sự quyết tâm, cần cù lao động trên chính mảnh đất của người trồng chanh và sự lao động miệt mài ấy đã được đền bù xứng đáng. Nhìn những cây chanh sum xuê, xanh mượt đang trĩu quả sẽ không tìm thấy vết tích của sâu bệnh, cành vượt, cành khô, thậm chí trái hư, trái thối.

Theo anh Huế, trồng chanh không hạt không phải đầu tư chi phí quá cao, quá trình chăm sóc cũng không khó, khoảng cách trồng cây tốt nhất từ 3,5 - 4m/cây, mỗi ngày tưới hai cữ nước, khoảng 20 ngày bón 20kg phân NPK + DAP/công chanh. Quản lý sâu bệnh trong vườn tốt để ít phun thuốc, khi vườn chanh bị sâu bệnh 15% trở lên mới phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc này phải nằm trong danh mục cho phép của châu Âu. Đặc biệt, 70 - 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Hợp tác xã sử dụng là thuốc sinh học.

Nhờ làm tốt việc quản lý sản xuất theo đúng quy trình mà sản phẩm chanh không hạt của Hợp tác xã chanh Thạnh Hòa luôn nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của khách hàng. Hằng năm Hợp tác xã đưa ra thị trường gần 2.000 tấn chanh các loại, trong đó hơn 60% sản lượng được xuất khẩu sang các nước châu Âu tiêu thụ. Các hộ sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP, Công ty TFR mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg, chanh VietGAP cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. 

Từ hộ gia đình nhiều khó khăn trước đây, đến nay nhiều thành viên trong Hợp tác xã đã vươn lên làm giàu, làm kinh tế giỏi của huyện Bến Lức. Trung bình mỗi xã viên trong Hợp tác xã canh tác 4 ha chanh, mỗi ha cho sinh lợi từ 180 - 200 triệu đồng/năm.

Tin bài liên quan