Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (ngoài cùng bên trái) thăm quan gian trưng bày báo chí của Báo Đầu tư

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (ngoài cùng bên trái) thăm quan gian trưng bày báo chí của Báo Đầu tư

Tiếp sinh khí cho báo in bằng cách làm mới

(ĐTCK) Trao đổi với báo Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, công nghệ, mạng xã hội, báo in bị thu hẹp dần thị phần. Trong bối cảnh này, Báo Đầu tư vẫn có cách làm sáng tạo để phát triển trở thành một trong những tờ báo kinh tế hàng đầu Việt Nam. 

Câu chuyện của báo in

Thưa ông, trong dòng chảy của thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình báo chí hiện nay, ông nhận định thế nào về thị trường báo chí nói chung và báo in nói riêng?

Sự phát triển của các thiết bị thông minh khiến thói quen đọc báo, nghe đài, xem ti vi của người dân thay đổi. Từ đó, một phần thị phần tiếp nhận thông tin đã chuyển dần sang mạng xã hội. Các thông tin trên mạng xã hội tuy không phải là báo chí, nhưng có ưu điểm về tốc độ đưa tin, đáp ứng được nhu cầu của người đọc về sự tò mò, nhanh, hấp dẫn, giật gân.

Đây là sự phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện tại, nhưng khiến thị trường báo chí nói chung ngày càng nhiều khó khăn, khi báo chí truyền thống và báo chí hiện đại chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội.

Thực tế, chính sự bùng nổ của mạng xã hội đang làm thu hẹp bớt thị phần của báo chí, bởi trong khi quỹ thời gian của công chúng - người dân vẫn vậy, họ lại dành một khoảng thời gian nhất định trên Facebook, Twitter cho việc tiếp nhận thông tin… Sự thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin này làm báo chí khó bán hơn, đòi hỏi các tòa soạn phải cải tiến nội dung, mẫu mã, cải tiến phương thức tiếp cận khách hàng.

Ông Trần Bá Dung 

Trong các loại hình báo chí, báo in gặp khó khăn hơn cả, với thị phần bị thu hẹp nhiều nhất. Thậm chí, có nhà khoa học bi quan cho rằng, năm 2040 sẽ là đỉnh điểm khó khăn, chấm dứt báo in. Thống kê hàng năm cho thấy, số lượng quảng cáo trên báo in ngày càng giảm, đây là thực trang khó khăn chung.

Hiện nay, tại Việt Nam, tôi biết có một số cơ quan báo chí chỉ tồn tại về mặt danh nghĩa, tức là vẫn ra báo nhưng chắp vá chỗ nọ bù chỗ kia, sống lay lắt.

Vừa qua, ngành báo chí chứng kiến một tờ báo in đóng cửa, đó là tờ Thể thao Sài Gòn Giải phóng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là kết cục tất yếu và tương lai sẽ còn nhiều tờ báo phải đóng cửa. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Sự đóng cửa của tờ Thể thao Sài Gòn Giải phóng là một tin buồn đối với làng báo nhưng không có gì ngạc nhiên, bởi đây là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

Thực tế, một số ấn phẩm báo in tự thân không thể nuôi được mình, chỉ đang duy trì về mặt hình thức. Không ít tờ báo không thể cạnh tranh được với báo điện tử, bị mạng xã hội lấn át và trong thời gian tới, sẽ còn những tờ báo chung số phận với Thể thao Sài Gòn Giải phóng. Tại nhiều hội nghị diễn ra gần đây, tổng biên tập các tờ báo đều tỏ ra băn khoăn, lo lắng về tình trạng khó khăn chung của báo in và có xu hướng chuyển dần sang báo điện tử.

Vừa qua, tôi có tham dự một sự kiện tại Tạp chí Nhiếp ảnh và được biết, tờ tạp chí có uy tín này đã bắt đầu dừng bản in, chỉ xuất bản online. Đây là tờ tạp chí có chất lượng rất cao về ảnh và ảnh báo chí, do đó, chất lượng mực, giấy in phải tốt, chi phí cao, trong khi số lượng phát hành giảm, quảng cáo không có, khiến việc tồn tại trở nên khó khăn. Tôi nghĩ, có thể còn nhiều tờ báo khác cũng đang lao đao trong vòng xoáy này nhưng chưa được chỉ rõ tên.

Một số tờ báo in biết cách đi vào thị trường ngách, đưa thông tin đúng khẩu vị của doanh nghiệp và vẫn sống khỏe. Điều này cho thấy, không phải cục diện chung của báo in là khó khăn. Từ góc nhìn thực tế của người nghiên cứu về nghiệp vụ báo chí, ông có bình luận gì về câu chuyện này?

Một số tờ báo in đã có chiến lược phát triển để đối phó với sự cạnh tranh của mạng xã hội, báo điện tử bằng cách làm báo chí đa phương tiện. Nhiều tờ đi vào thị trường ngách, nói theo ngôn ngữ của báo chí là đi vào phục vụ đối tượng chuyên biệt, thay vì lâu nay tương đối dàn trải, nên vẫn sống được.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, nếu vẫn giữ phong cách làm báo in như cũ, không có thay đổi, chắc chắn sẽ ít người đọc. Bởi hiện nay độc giả dành thời gian ít cho báo in, ngại đọc những trang giấy kín đặc chữ, trong khi có nhiều trang tin điện tử tổng hợp thông tin nhanh, ngắn gọn, trình bày đẹp mắt. Sự lợi hại này của công nghệ truyền thông mới buộc các cơ quan báo chí phải chuyển mình mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.

Thích nghi và tồn tại

Trong 26 năm hình thành và phát triển, ông đánh giá thế nào về con đường mà Báo Đầu tư đang đi với hành trình đổi mới vì doanh nghiệp, xác định đồng hành hợp tác win-win “Doanh nghiệp - Báo chí”?

Trong số các tờ báo chuyên ngành về kinh tế, tôi cho rằng, Báo Đầu tư đang phát triển rất tốt cả về hướng đi, cách làm, xác định vị thế và mối quan hệ của Báo với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tại tất cả các ấn phẩm như tờ Đầu tư, Vietnam Investment Review, Đầu tư Chứng khoán, Đầu tư Bất động sản.

Tôi cho rằng, Báo Đầu tư là một trong những tờ báo kinh tế hàng đầu, phản ánh rất sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, đầu tư. Trong vòng xoáy đầy áp lực của thị trường báo chí hiện nay, Báo Đầu tư chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn chung, nhưng Báo đã có cách làm tốt để trụ lại, lách vào thị trường ngách và sống khỏe với quan niệm đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Đó là hướng đi đúng đắn, duy trì mối quan hệ, phát triển thông tin có lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng hành hai bên doanh nghiệp - báo chí cùng có lợi.

Bên cạnh đó, hầu hết các bài viết đăng tải bởi Báo Đầu tư có thông tin đa chiều, khách quan với những bình luận kinh tế sâu sắc, phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, thu hút sự quan tâm của dư luận. Các thông tin này đáp ứng được yêu cầu khắt khe của bạn đọc, tạo lợi thế chiều sâu cho Báo trong phân tích kinh tế. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, Báo Đầu tư vẫn phải đầu tư phát triển hơn nữa cho mảng điện tử.

Trong thời gian tới, cùng với sự đổi mới mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, theo ông, báo chí cần phải phát triển theo hướng nào để thích nghi và tồn tại?

Tôi cho rằng, báo in cần nghiên cứu vừa đi vào thị trường ngách vừa cải tiến cách trình bày, thay đổi cách viết tin bài để truyền tải thông tin trên mặt báo một cách ngắn gọn, giản tiện, giàu thông tin hơn, kết nối tốt bản in và bản điện tử. Có những bình luận trên báo in, báo điện tử không bao giờ thay thế được và đây là giá trị của báo in. Những phân tích chuyên sâu về kinh tế chắc chắn sẽ giúp độc giả có nhu cầu tìm đến các ấn phẩm này.

Ngoài ra, song song với việc duy trì chất lượng thông tin, báo in cần tiến hành những hoạt động đằng sau mặt báo để có những đối tượng phục vụ riêng biệt cho mình, duy trì những bạn đọc truyền thống để bán báo. Phải có chiến lược sử dụng phương tiện truyền thông, các tọa đàm, sự kiện… để lan tỏa thương hiệu.

Một điểm đáng lưu ý là Tòa soạn cần tập trung cải tiến, phát triển phiên bản điện tử, bám sát đối tượng độc giả mục tiêu, khai thác thói quen và tâm lý tiếp cận thông tin mới, dùng mạng xã hội như cánh tay nối dài cho báo in, quảng bá giới thiệu báo, lập fanpage quảng bá, tiếp nhận thông tin phản biện…

Theo tôi, việc khai thác được thế mạnh của mạng xã hội sẽ giúp các cơ quan báo chí quảng bá tốt hơn sản phẩm của mình tới độc giả. Tuy nhiên, đừng để mạng xã hội dẫn dắt nhà báo, thông tin số đông chưa hẳn là chân lý, cần phải được kiểm chứng.

Tin bài liên quan