Vườn cà phê xen canh tiêu theo phương pháp hữu cơ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh:NVCC

Vườn cà phê xen canh tiêu theo phương pháp hữu cơ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh:NVCC

Thu tiền tỷ từ vườn tiêu xen cà phê hữu cơ

Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích của chàng trai quê Gia Lai cho lợi nhuận gấp 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống.

Hơn 4 năm trước, nhận thấy vườn cà phê và hồ tiêu của gia đình canh tác suốt 30 năm nhưng năng suất không cao, thu nhập chỉ đủ lấy công làm lời nên Nguyễn Hữu Duy đã quyết định gác lại công việc ở Sài Gòn để trở về quê tại huyện Chư Pah lập nghiệp.

Từng ấp ủ ước mơ phát triển nông sản sạch mang thương hiệu của quê mình, Duy đã thuyết phục gia đình dành riêng 2 ha vườn trồng thử nghiệm theo phương pháp mới là xen canh cà phê và hồ tiêu, kết hợp sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, bã cà phê và men vi sinh để pha trộn phân bón hữu cơ.

Từ một người từng làm kinh doanh đủ mọi ngành nghề như buôn bán quần áo nhập khẩu, tiếp thị điện máy, nhà hàng... nay chuyển sang nghiên cứu về nông nghiệp nên chàng trai sinh năm 1987 gặp vô vàn khó khăn trong thời gian đầu. Duy phải tự mày mò công thức pha chế phân bón, thuốc trừ sâu bằng thảo dược được đăng chia sẻ trên mạng nhưng đến khi áp dụng vào thực tế thì vấn đề liên tiếp xảy ra. Điển hình như việc phân bón đáp ứng tốt về chất lượng, nhưng vì áp dụng tập quán bón phân truyền thống là càng nhiều càng tốt nên liều lượng vượt mức cho phép khiến quá trình tăng trưởng không như kỳ vọng, làm vi sinh vật gây hại phát triển mạnh thêm.

Duy cho biết, chỉ riêng việc duy trì sản lượng cà phê ổn định trên vùng đất khô cằn thì trung bình mỗi năm gia đình anh tiêu tốn hơn 70 triệu đồng cho 4 lần bón phân, nhưng chi phí này được tiết kiệm đáng kể từ khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ. Theo đó, hiện diện tích vườn áp dụng mô hình xen canh bằng phương pháp hữu cơ đã bước sang năm thứ 4 và số lượng phân bón cần cho mỗi gốc tiêu, cà phê chỉ khoảng 1kg trong suốt mùa vụ.

Ngoài tiết kiệm chi phí đầu tư, Duy cho biết giá trị kinh tế của mô hình này mang lại rất khả quan. Theo tính toán từ kết quả sản xuất trong vụ thu hoạch mới đây, với mức giá bình quân 180.000 đồng một kg tiêu và 45.000 một kg cà phê thì sau khi trừ tất cả chi phí, mô hình này vẫn đạt lợi nhuận cao xấp xỉ 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống dù sản lượng hợp nhất của hai loại cây trồng chưa đến 50% sản lượng chuyên canh trên mỗi ha.

“Bí quyết làm nên thành công cho mô hình này là tôi tận dụng triệt để diện tích đất để tăng số gốc cây trồng. Trung bình mỗi ha chuyên canh trồng khoảng 1.600 gốc cà phê, nhưng khi hai loại cây này kết hợp với nhau thì có thể trồng tối đa đến 2.000 gốc”, chàng trai sinh năm 1987 nói và cho biết thêm một ưu điểm khác của mô hình xen canh là tiêu và cà phê hỗ trợ nhau để hạn chế rủi ro sâu bệnh, tránh tình trạng mất trắng cả vườn như đã từng xảy ra thường xuyên.

Theo đánh giá của Duy, chất lượng cà phê thành phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ cũng được cải thiện hơn nhiều so với sản phẩm truyền thống. Đặc biệt là kích thước hạt đồng đều và hương vị đậm đà, thơm ngon hơn.

Nhận thấy mô hình mới còn nhiều tiềm năng phát triển - đặc biệt tại một trong những vùng chuyên canh lớn nhất của cả nước, Duy tích cực thuyết phục và hỗ trợ nông dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình mới. Chàng trai này còn cam kết thu mua cà phê chín của hàng xóm với giá cao hơn từ 200 đến 500 đồng so với thương lái nhằm từng bước thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê sạch và chất lượng mang tên quê hương mình.

Hiện, Duy còn ấp ủ dự định hoàn thiện một quy trình sản xuất cà phê khép kín từ trồng trọt, thu hái, chế biến và cung ứng cho các đại lý trên khắp cả nước với cam kết không sử dụng bất cứ hóa chất hay phụ gia, phẩm màu. Đồng thời, chàng trai 8x này đang quản lý chuỗi cửa hàng cà phê mang tên mình và hoạt động theo hình thức nhượng quyền với doanh thu trung bình khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng.

Tin bài liên quan