Thác Bản Giốc Kỳ vĩ và thiêng liêng

Thác Bản Giốc Kỳ vĩ và thiêng liêng

(ĐTCK) Nếu ai đó từng một lần đến Cao Bằng mà chưa hề ghé thăm thác Bản Giốc thì thật là đáng tiếc. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của dòng thác uốn mình quanh khu rừng già với những tảng đá nhấp nhô, để được người Tày kể lại câu chuyện đượm màu huyền thoại về dòng thác này.

Hạnh phúc lang thang trên những cung đường Đông Bắc

Lý do chính thôi thúc tôi lên đường là những mùa hoa dẻ của thời kỳ đổi mới, của thời kỳ Cao Bằng xây dựng nông thôn mới trên vùng đất cách mạng. Nơi nhiều năm về trước, Bác Hồ đã cúi xuống nâng niu nắm đất quê hương sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Rong ruổi trên cung đường gần 300 km trong hành trình đến với Bản Giốc, Cao Bằng hiện lên trước mắt như bức thủy mặc xanh thẳm. Vừa dữ dội, vừa dịu dàng, vừa sâu lắng, vây quanh 3 phía là núi, sông, suối ngày đêm hòa tấu vũ khúc say mê. Những áng mây lững lờ ôm núi như chẳng muốn tỉnh cơn mơ.

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi băng qua những con đèo nhiều khúc cua hẹp để được chứng kiến vẻ đẹp nao lòng của núi non. Những dòng suối, con sông và những cánh rừng ngút ngàn vun vút qua tầm nhìn trong màn không khí trong lành, xanh nuột của một vùng Đông Bắc trù phú.

Tất cả nằm gọn gàng trong bát ngát ruộng nương. Bầu trời Cao Bằng thấp và bình yên, có lẽ với tay là đã chạm tới chút nắng đọng lại sau những áng mây.

Đường vào Bản Giốc là một vài bản làng trăm nóc nhà san sát nhau như một ngọn núi nhà. Những mái nhà lợp rơm vàng, lợp ngói đỏ xen kẽ những mái ngói cũ, mốc đen sừng sững giữa núi rừng. Những ngôi nhà im lặng trong cơn mưa phùn trùm lên bản làng.

Ngày thường, ở bản không thể nghe thấy một thứ âm thanh nào, bởi già trẻ, trai gái đều đã lên nương, chỉ còn mấy đứa nhỏ mặt mũi ngây thơ lem luốc nhìn khách lạ qua những khe cửa. Tuy nhiên, những ngày lễ hội, bản làng nhộn nhịp hẳn lên. Đàn ông, đàn bà, già trẻ trai gái đều xúm xít bên bếp lửa đượm hồng, bên chén rượu ngô, bên thức ăn thơm lành như một bữa tiệc nhỏ sau nhiều ngày vất vả đốt nương gieo mạ.

Sống trong khung cảnh này, người khô khan nhất cũng muốn trở thành thi sĩ.

Thác Bản Giốc thiên đường

Sau khi vượt qua xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, con thác trắng xóa xẻ dòng Quy Sơn thành 3 luồng nước khổng lồ, hai phụ một chính với đôi bờ mệt lả mùa hoa lau và những thảm cỏ xanh đã hiện ra trước mắt. Thật không hổ danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam.

Tôi thích gọi là Quy Sơn hơn là Quây Sơn như nhiều tài liệu vẫn tả, bởi “quy” có thể là “trở về”. Một dòng nước thơm ngon như sữa mẹ sau hàng vạn năm uốn lượn trên đỉnh núi, trong lòng núi cuối cùng cũng hiền hòa đổ về đây - nơi biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi làm thủ tục ở đồn biên phòng, chúng tôi lao về phía dòng nước như những mũi lao. Nó đẹp mê hồn khiến tôi không thể ngừng chụp ảnh, trong khi mọi người vẫn tiếp tục leo lên các đỉnh thác. Một tấm màn nước trắng xóa xoa dịu trưa hè, xoa dịu lòng người trước cảnh thiên nhiên kỳ thú. Đó là cảm giá vừa choáng ngợp vừa thích thú.

Hai dải nước nhỏ hơn tràn ra bên trái đan xen nhiều tầng cây cối chằng chịt như một bức rèm ngẫu hứng của thiên nhiên gọi là thác phụ. Phần thác chính to rộng nhất nên sức nước tuôn trào mãnh liệt hơn. Sông Quy Sơn ở quãng dưới lặng như tờ và nước xanh trong như gương. Dường như sự hung hãn của dòng nước phía trên cũng chỉ đủ làm miên man những vòng sóng nhẹ nhàng lan tỏa.

Như được khơi mở cho một mạch nguồn cảm xúc, tất cả nước ào ào từ 3 tầng thác ngày đêm cuộn trào. Nước vắt vào thành đá, vắt vào gốc rễ cây rừng mà lao vun vút xuống quyện hòa thành những đám mây trắng li ti ngang lưng chừng. Nước va vào đá tạo thành cơn mưa bụi khiến không gian mát lạnh, sảng khoái và thanh khiết.

Đối với những ai nghiện hoàng hôn thì một buổi chiều tà mùa Hè đứng trước dòng thác này quả là một trải nghiệm hoàn hảo. Chỉ có thời điểm này trong năm, Bản Giốc mới có cơ hội phô bày ra hết cái đẹp kiêu kỳ của mình qua “năm màu bảy sắc” của những chiếc cầu vồng. Còn những ngày mùa Đông, dòng nước ào ào bung xõa tung mình rơi xuống từ trên cao, nổi bật bên những ngọn núi đá vôi phủ kín cây xanh nhờ những cơn mưa chuyển mùa.

Không giàu có như 3 cái tên cùng được xếp vào danh sách những thác nước nằm trên đường biên lớn nhất thế giới là Niagara giữa Canada và Mỹ; thác Victoria nằm giữa Zambia - Zimbabwe và thác Iguazu giữa Brasil - Argentina, nhưng Bản Giốc hiểu được sự nổi tiếng của mình mà rất biết sống phong lưu. Màu xanh trong vắt quyến rũ của nước chính là lý do khiến Bản Giốc luôn đông nghẹt du khách mỗi mùa cao điểm.

Bản Giốc bước ra từ chuyện tình đầy ngang trái của người con gái đẹp tuyệt trần tiến vua. Không chấp nhận số phận, nàng đã liều mình trốn thoát cùng người yêu. Những dải nước trắng xóa mềm như lụa là mái tóc của nàng tiên bị bỏ quên nơi đỉnh núi.

Có một giây phút nào đó thẩn thơ bên bờ Quy Sơn, tôi thấy thương thay cho đôi tình nhân trẻ yêu mà chẳng đến được với nhau, phải chịu sự đày đọa của ông Trời tới đây làm con thác đổ...

Ngay dưới chân thác chính là cột mốc biên giới 836 của Tổ quốc. Hai bên bờ đều là những thuyền bè nhỏ mái đỏ chở khách du lịch tham quan ngày đêm vẫn đều đặn xuôi dòng.

Chiều nhuộm vàng cả cánh rừng xung quanh và chỉ đơn giản là ngồi đó ngắm nhìn từng dòng thác đổ, ngắm nhìn hoàng hôn miền đồng rừng đang dần buông cũng đủ tìm chút bình yên hiếm hoi tại một trong những thác nước đẹp nhất khu vực và trên thế giới này.

Thiên nhiên hùng vĩ và ấn tượng biết bao!

Cao Bằng không chỉ có thác Bản Giốc

Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, Cao Bằng đã phát triển được một quần thể du lịch đầy hấp dẫn.

Một số tiểu thiên đường khác cũng ấn tượng không kém là động Ngườm Ngao tình tự với đá ở ngay bên cạnh thác, dài khoảng 3 km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam. Hai bên đường vào động là phong cảnh nên thơ với những cơn gió đồng hào phóng, với những đàn bò, đàn trâu thong dong gặm cỏ.

Men theo con đường đá rêu phong dọc suối Lê-Nin là Khu di tích Pác Pó, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Trải qua bao tháng năm xây dựng và phát triển, Pác Pó giờ đây tươi tắn từ lòng người. Tôi có linh cảm, Pác Pó là đất thiêng mang ký ức văn hóa, tâm thức, lịch sử của Cao Bằng, bởi giải mã được Pác Pó là giải mã được sức sống kỳ diệu, giải mã được chiều sâu tinh hoa côi nguồn của một vùng đất.

Tôi mừng cho nhân dân Cao Bằng vì vẫn mang trong mình tinh thần lịch sử thấm đẫm nhân văn. Mừng vì lãnh đạo ở đây đã biết chớp lấy thời cơ, thời điểm, thời vận của một vùng đất, biết tập hợp, nhân lên, biết khơi dậy những nội chất mà chúng ta luôn khao khát trong tiếng chuông hòa bình. Từ đó, những khát khao và mong muốn của nhân dân ắt sẽ thành hiện thực.

Chắc chắn sau này, các thế hệ con cháu lại được thấy một Cao Bằng đầy thơ mộng trong dáng đứng văn minh, hiện đại của thế kỷ 21, nhuần nhuyễn giữa kinh tế, văn hóa, kiến trúc, du lịch đầy sức hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể về một vùng Đông Bắc đầy sức sống.

Trước khi tạm biệt Cao Bằng, chúng tôi nghỉ chân ở thung lũng nhỏ ngay dưới chân đèo, nơi có chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc và khu nghỉ dưỡng 4 sao vừa được khánh thành. Một chuyến đi vô cùng đáng nhớ cùng nhiều bức ảnh đẹp đủ để lưu lại trong tim những cảm xúc bất ngờ, thảnh thơi và thú vị. Chắc hẳn giờ này, Hà Nội đang chờ chúng tôi về với bữa cơm chiều ấm lòng đã được dọn sẵn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan