Tết Huế

Tết Huế

(ĐTCK) Huế là vùng đất cố đô một thuở, còn giữ được những nét đẹp của thuần phong mỹ tục. Và Tết Âm lịch ở Huế chính là nét văn hóa truyền thống bản sắc cần được bảo tồn.

Đến Huế vui Xuân đón Tết

Là kinh đô xưa, Huế còn lưu giữ nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Tết Huế vừa mang đậm bản sắc của ngày Tết cổ truyền dân tộc, vừa mang dấu ấn riêng của văn hóa Huế, con người Huế.

Ngày xưa, Huế có hai hình thức lễ Tết, đó là Tết dân gian và Tết cung đình. Nay hình thức lễ Tết cung đình không còn tồn tại nhưng hình thức đón Tết và ăn Tết dân gian vẫn được người dân cố đô giữ gìn.

Chính vì vậy, những lễ nghi trong tết Huế thường được người Huế chú trọng, duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản và có phần cầu kỳ như cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, lễ lên nêu, rước ông bà về ăn tết, cúng giao thừa…

Bên cạnh đó, cũng có những nét văn hóa truyền thống Tết đặc trưng của Huế không thể tìm thấy ở bất cứ vùng miền nào như hoa giấy Thanh Tiên và chợ Gia Lạc ba ngày Tết.

Tết Âm lịch ở Huế do đó thú vui chơi cũng lắm, địa điểm du xuân cũng nhiều. Vào những ngày Tết, vạn vật đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộ đủ sắc màu làm cho những ngôi chùa Huế như chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách ngoài việc đi chùa để cầu sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng còn có thể tham quan cảnh trí của chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, xin chữ đầu năm. Một số ngôi chùa du khách nên đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng…

Ngoài ra, từ mồng Một Tết cho đến Rằm tháng Giêng, ở Thừa Thiên - Huế có hàng loạt lễ hội như: lễ hội đu tiên ở Điền Hòa (huyện Phong Điền) và thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền); lễ hội cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và ở Thuận An (huyện Phú Vang); hội vật làng Sình (huyện Phú Vang) và lễ hội vật làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa; lễ hội đền Huyền Trân ở phường An Tây, TP. Huế…

Pháo hoa trong đêm Ba mươi Tết ở khu vực Kỳ Đài, Ngọ Môn, Huế trong một dịp Tết Nguyên đán 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng đưa ra bốn nhận xét về du lịch Huế: độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Đó chính là thế mạnh của du lịch Huế, nét hấp dẫn du khách thập phương. Đến Huế du Xuân đón Tết, du khách sẽ thấu hiểu được sự “kỳ lạ” này.

Tại sao Tết Âm lịch thường kéo dài?

Vào mùa Xuân, điểm nhấn quan trọng nhất là vào dịp Tết Âm lịch. Tết là thời gian rất thiêng liêng trong lòng mỗi chúng ta. Đây là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, là thời gian mọi người có thể thoải mái vui chơi, giải trí, thăm hỏi lẫn nhau, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Đó là những nét đẹp truyền thống của tết cổ truyền dân tộc ta.

Tết Âm lịch là sự đoàn viên. Chính tâm lý “trọng tình” đã hun đúc nên một cái Tết Âm lịch kéo dài nhưng hợp lý. Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ.

Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian dài để gặp lại người thân, tâm sự những tháng ngày đã qua? Bởi vậy mới có câu: “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy”.

Tết Âm lịch sẽ còn ý nghĩa gì nữa khi vì không có thời gian (chứ không phải không có tiền bạc) mà thiếu đi việc tảo mộ, thiếu đi một cành mai vàng, một nụ tầm xuân, hay thiếu đi món bánh chưng, bánh tét, món ăn đặc trưng trong ngày Tết đã có từ thời Văn Lang - Âu Lạc?

Bởi thế, Tết Âm lịch không chỉ gói gọn trong ba ngày mà còn kéo dài đến mồng 10 tháng Giêng. Dân gian gọi là “Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân”.

Phải thừa nhận hiện nay, một bộ phận không nhỏ cư dân thành thị nước ta ăn Tết “Tây” theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng đa phần 90 triệu dân Việt Nam vẫn hướng về cái Tết Âm lịch của dân tộc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan