Tà Chì Nhù mùa 'săn mây'

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây'

Là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam, Tà Chì Nhù được coi như thiên đường mây lý tưởng cho mỗi mùa “đi săn” của giới mê phượt. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết và hiểm trở của đường đi, bạn sẽ “chạm” tới những đám mây bồng bềnh kỳ ảo.
“Đại dương trắng” lơ lửng giữa trời
Tà Chì Nhù (thuộc địa phận huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), nằm trong khối núi Pú Luông của dãy Hoàng Liên Sơn nổi tiếng là điểm đến yêu thích của những ai đam mê mạo hiểm, phiêu lưu và các tay săn ảnh.
Cái thú của chuyến đi xuyên rừng, men theo những đường mòn độc đạo dẫn lên đỉnh núi kỳ vĩ là cảm xúc vỡ òa khi được “cưỡi gió”, ngắm những sóng mây phiêu lãng đan, hòa vào nhau tạo thành “đại dương trắng” lơ lửng giữa trời Tây Bắc.

Đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam này có rất nhiều tên gọi. Ngoài tên Tà Chì Nhù phổ biến, nó còn được biết đến như Phu Song Sung (cách gọi của người Thái) hay Chung Chua Nhà (cách gọi của người Mông).

Thời gian lý tưởng nhất để “săn mây” Tà Chì Nhù là từ tháng 11 đến tháng 3. Đặc biệt, tiết trời thích hợp cho hành trình chinh phục đỉnh núi cao 2.979m ấy là ngày nắng đông hoặc đầu xuân.

Lúc này, trời quang mây tạnh, thời tiết ổn định sẽ tạo điều kiện để bạn ngắm nhìn khung cảnh tuyệt sắc của thiên nhiên cũng như giúp tiết kiệm sức khi leo.

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 1

 "Biển mây" Tà Chì Nhù trong ánh bình minh. Ảnh: Kaze Hoa

Theo kinh nghiệm của nhiều "thợ săn mây" thì mây Tà Chì Nhù đẹp nhất là lúc hoàng hôn và bình minh. Thời điểm đó, nhiều sắc màu cùng đan cài với nhau, tạo ra sự chuyển hóa qua lại giữa tranh sáng và tranh tối, những quầng sáng cùng chiếu rọi và nổi bật trên nền trắng xóa bồng bềnh của mây…

Sau đó, khi mặt trời đã lên cao, cả không gian chỉ còn một màu xanh bạt ngàn của núi non hùng vĩ, là màu xanh ngắt của trời cao vời vợi và trắng xóa tinh khôi của biển mây êm ái.

Mây cứ lững lờ trôi lơ lửng giữa trời tưởng như chỉ cần với tay là có thể chạm vào “biển bông” khổng lồ trước mặt. Đứng trước vẻ đẹp choáng ngợp ấy, khó ai có thể cầm lòng mà không rung động, xuyến xao.

Cái lạnh từ những cơn gió núi hun hút sẽ chẳng còn ý nghĩa và tác động nhiều đến bạn nữa vì lúc này mọi giác quan đều hướng sự chú ý đến mây. Và sau một chặng đường dài vượt dốc, vượt đèo, vượt núi, không khí lành lạnh, sự trong lành còn khiến bạn dễ chịu hơn.

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 2

 Mùa "săn mây", Tà Chì Nhù trở thành đích đến vừa thử thách vừa thơ mộng của các phượt thủ. Ảnh: Nắng Tháng Tư

Mây - sẽ là nguồn cảm hứng để bạn phát huy trí tưởng tượng của mình. Mây - cũng là món quà vô giá thiên nhiên trao tặng cho những ai dám mạo hiểm, dám chinh phục độ cao 2,979m, vượt qua cung đường hiểm trở và những khó khăn tưởng chừng kéo dài vô tận.

Gian nan hành trình “vượt gió, cưỡi mây”

Hành trình lý tưởng nhất để “săn mây” Tà Chì Nhù là trong 3 ngày. Khoảng thời gian này đủ để bạn leo trèo, ngắm cảnh, cảm nhận sự biến chuyển của thiên nhiên, cảnh sắc vùng núi Tây Bắc ở các thời điểm trong ngày cũng như bảo toàn sức khỏe.

So với “Nóc nhà Đông Dương” Fansipan, đỉnh Tà Chì Nhù thấp hơn nhưng lại khó chinh phục gấp bội vì gần như chỉ có con đường mòn độc đạo và dốc dựng dứng dẫn lối bạn vượt qua các sườn núi đá đặc trưng của vùng núi Yên Bái.

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 3

 Sóng mây xô vào nhau tầng tầng lớp lớp như "đại dương trắng" lơ lửng giữa trời. Ảnh: vietq 

Cách trung tâm xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khoảng 6-7km là nơi bạn bắt đầu hành trình đi bộ chinh phục ngọn núi đầy thử thách nhưng cũng vô cùng quyến rũ này.

Bản thân con đường mòn nhỏ, trơn dẫn qua những vách núi dựng đứng để lên tới đỉnh đã là một thử thách đáng gờm với những kẻ ngao du. Đôi lúc men theo con đường ấy, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đi trên sống núi.

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 4

Con đường độc đạo dẫn lên đỉnh Tà Chì Nhù thực sự là một thử thách đầy gian nan. Ảnh: Nolio Nam Ngạn 

Núi trọc, không có điểm bám, càng lên cao gió càng giật mạnh đến rát mặt. Vì thế ở nhiều đoạn đường, bạn phải bò để tiến lên hay ngồi thụp xuống mà tránh những cơn gió dữ đang rít lên như chờ chực đẩy bạn ngã.

Theo kinh nghiệm của những người dẫn đường, muốn giữ sức để chinh phục thành công đỉnh Tà Chì Nhù, người leo cần hạ trọng tâm và trang bị gậy chống để hỗ trợ leo núi.

Thêm nữa, mây thường bao phủ dày đặc ngay từ chân núi nên bạn sẽ bắt gặp những đoàn người nối nhau xuyên qua đám mây dày đặc mà leo lên cao. Bởi nếu không làm vậy, họ sẽ khó nhìn thấy nhau và có thể bị lạc đoàn vì đám mây trắng mờ đó.

Nếu không kiên trì, bạn sẽ dễ nản lòng và bỏ cuộc vì cái mệt đã thấm sâu, mỗi bước chân trở nên nặng trịch và hơi thở dốc đã khiến lồng ngực đau nhói.

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 5

 "Biển mây" rực rỡ sắc màu dưới ánh bình minh. Ảnh: Thanhnien

Trong khi đó, những con dốc ngược lên tận đỉnh vẫn cứ nối nhau dài như vô tận, không nhìn thấy điểm dừng khi 2 bên là cánh rừng già hun hút.

Nhưng chỉ cố chút nữa, khi đặt chân lên độ cao trên 2.000m để cắm trại nghỉ đêm, bạn sẽ có được những trải nghiệm vô giá mà không tiền bạc nào mua được.

Cái lạnh đột ngột của buổi đêm sẽ được xua tan bởi ánh lửa trại bập bùng, những câu chuyện hành trình kể nhau nghe, trong ánh sao đêm lung linh và niềm háo hức được chạm vào “giấc mơ mây” lúc bình minh nắng sớm. 

Tà Chì Nhù mùa 'săn mây' ảnh 6

 Trên đường đi bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng. Ảnh: Nolio Nam Ngạn

Mọi hành trình đều kết thúc dù nhanh hay chậm. Nhưng xúc cảm còn đọng lại sẽ kết tinh thành ký ức, thành dấu ấn tuổi trẻ để đi theo đến trọn đời. Tà Chì Nhù mùa “săn mây” không chỉ có những áng mây trời.

Nơi này còn có nhiều đỉnh núi hoang sơ lấp ló trong mây, những con suối mát lạnh, rừng trúc thẳng tắp xanh óng ả, đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ hay tung vó hí vang trời, bầu trời đầy sao hay cái rét ngọt giữa những cơn gió rít nhưng cũng rất bình yên khi mọi người cùng quây quần bên nhau…

Tin bài liên quan