Hồ Ea H'Rar 1 (xã Ea Tul, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk) cạn trơ đáy. Ảnh Tuổi trẻ

Hồ Ea H'Rar 1 (xã Ea Tul, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk) cạn trơ đáy. Ảnh Tuổi trẻ

Quyết liệt chống hạn hán và xâm nhập mặn

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Tình hình hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Không để người dân bị thiếu nước

Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và chăm lo ổn định đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh.

Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan thông tin kịp thời tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó ưu tiên nước uống, nước sinh hoạt cho Nhân dân và nước cho chăn nuôi; chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hạn hán trên địa bàn; rà soát xác định các hộ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách để chủ động hỗ trợ kịp thời; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước; chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan rà soát, xác định số kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chính sách, chế độ quy định; tạm ứng 70% kinh phí cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình chống hạn, xâm nhập mặn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giao ban với các địa phương vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn; tổ chức, chỉ đạo các địa phương đắp đập tạm, khoanh vùng giữ nước để chống xâm nhập mặn và tích trữ nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước; rà soát, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực, cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách phục vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và sạt lở ven biển, trong đó ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành các công trình, dự án dở dang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi, dự báo, thông tin kịp thời về nguồn nước; đánh giá cụ thể tác động của các dự án làm thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Tin bài liên quan