Quý I, Hà Nội xử phạt gần 10 tỷ đồng vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong 3 tháng qua, Hà Nội phạt tiền 1.758 cơ sở với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP trị giá hơn 45 triệu đồng
Quý I, Hà Nội xử phạt gần 10 tỷ đồng vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng nay (27/4), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tại đầu cầu UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP đã đồng ý với báo cáo của Văn phòng Chính phủ đã đưa ra. Tuy nhiên, ông Chung cũng đưa ra một số vấn đề và đề xuất.

Theo ông Chung, trong 3 tháng đầu năm 2016, các đoàn thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm TP đã phát hiện được tới 6.894 cơ sở vi phạm.

Công tác ATTP trên địa bàn TP Hà Nội còn diễn biến rất phức tạp do số lượng các cơ sở thực phẩm lớn, lên đến gần 59.000 điểm. Đồng thời có đến 412 chợ, 90 siêu thị và 20 Trung tâm thương mại phân bổ tại các quận huyện.

Trong thời gian qua, TP cũng rất tích cực vào cuộc khi UBND đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo và triển khai công tác đảm bảo ATTP, tập trung chỉ đạo nhiệm vụ ATTP năm 2016. Thí điểm Thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện, 10 xã phường.
Kiểm soát gà nhập lậu, tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088). Thực hiện mô hình chuỗi thực phẩm an toàn (rau, quả, chè) với hơn 30 chuỗi các loại.

Trong 3 tháng đầu năm, đã có tổng số 742 đoàn thanh tra, kiểm tra được thực hiện, trong đó riêng về phía TP là 12 đoàn. Với tổng số 37.082 cơ sở được kiểm tra đã phát hiện hiện 6.894 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 5.249 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 488 cơ sở, phạt tiền 1.758 cơ sở với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP trị giá hơn 45 triệu đồng.

Công tác kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng được tiến hành chặt chẽ. TP đã lấy lấy 561 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, 547 mẫu đã có kết quả xét nhiệm, phát hiện 39 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh đạt 82.173/91.264 mẫu (90%), trong đó tuyến quận huyện đạt 78.149/87.097 mẫu (cùng kỳ năm 2015 đạt 69.929/77.261 mẫu), tuyến TP đạt 4.024/4.167 mẫu.

Ngoài ra, TP cũng đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm: Kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, chủ động, giám sát ATTP phục vụ các Hội nghị, sự kiện lớn của TƯ và TP, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII …

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá việc triển khai công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu phí, lệ phí, trong việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, đặc biệt ở 10 xã phường thí điểm thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên vẫn còn chưa kiên quyết, chủ yếu chỉ là nhắc nhở.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc … gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, nhân lực triển khai tại quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đều kiêm nghiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp mặt khác luôn thay đổi vị trí công tác. Vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cán bộ thú ý, bảo vệ thực vật.

Đề xuất lên Chính phủ, Chủ tịch UBND TP cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát. Bên cạnh đó các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm.

Đồng thời cũng cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về vệ sinh ATTP mới được kinh doanh. Cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm về ATTP trong quý 2/2016, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè.

Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với liên ngành và giữa các tuyến quận huyện, thị xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP. Tăng cường các hoạt động Tháng hành động vì ATTP năm 2016

“TP cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội về kiểm soát chặt chẽ đối với các chợ cóc, chợ tạm, các vi phạm về kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại…”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương Thanh Hóa, Hà Nam, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Cần Thơ  cũng góp ý các nội dung nhằm tăng cường quản lý VSATTP. 

Đó là cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm VSATTP; kiện toàn lại Ban chỉ đạo về VSATTP; quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm nhập khẩu; công khai thông tin các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm ATTP; xây dựng các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hình thành các vùng sản xuất thực phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm; tăng chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP;...

Đại diện thành phố Đà Nẵng bày tỏ thống nhất cao với nội dung, giải pháp nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ. Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ.

Đà Nẵng quan tâm đến 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, địa phương chủ trương thành lập Tổ công tác liên ngành (khoảng 10 người) trực thuộc Văn phòng Ủy ban có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND Thành phố quản lý ATTP; thứ hai cần bố trí ngân sách để đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan chuyên môn quản lý ATTP, chi cho hoạt động thường xuyên; thứ ba, cần rà soát thật kỹ những chế tài liên quan đến từng lĩnh vực, nếu chế tài chưa thỏa đáng cần ban hành những chế tài thực sự thích đáng…

* Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm VSATTP, trong đó xác định một số việc cụ thể trong từng năm để xử lý triệt để.

Ở cấp Trung ương cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo về VSATTP, quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm nhập khẩu... và phải xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm.

Tin bài liên quan