Những ngày nước lên, em nhớ anh!

Những ngày nước lên, em nhớ anh!

(ĐTCK) Không phải chuyện yêu đương mùi mẫn gì đâu. Con hẻm ấy, nước triều cường cứ dâng lên hoài. Và cứ mỗi lần nhìn bức hình liên quan, tôi lại đột nhiên nhớ tới câu chuyện của anh bạn đã từng kể…

1. Anh bạn ấy là 1 giảng viên của trường cao đẳng tại Sài Gòn. Một bữa, coi facebook của anh, tôi thấy anh chụp một biển nước đang dâng lên rất cao trong hẻm nơi nhà anh đang ở. Và ngập trong biển nước ấy, 1 người đàn ông chắc vừa đón con đi học về (hoặc cũng có thể đón “bồ” tan sở), đang loay hoay với chiếc xe gắn máy trước cửa nhà. Ống quần nhúng trong nước, không còn nhìn thấy giày dép đâu nữa. Hẳn anh đang phải xài dép xỏ ngón, trong trường hợp cần chỉn chu trước mặt người đẹp mà mang giày da, thì rất nên bỏ ngay đôi giày ấy vô trong thùng rác ngay lập tức.

Đó là  con hẻm 8 mét nằm ở quận Gò Vập, nghĩa là trên lý thuyết, hẻm xe hơi. Tuy nhiên, không mấy khi xe hơi chạy vô được, bởi nhiều chướng ngại vật trong con hẻm này. Nhà thì để xe ngoài hẻm, người thì để chậu kiểng trước cổng nhà. Vì vậy, đôi khi muốn kêu taxi 7 chỗ xẹt vô những lúc như triều cường, cũng là vấn đề nan giải.

Anh bạn kể chuyện, cứ đều đặn như sự hò hẹn, mỗi tháng 2 lần nước tràn lên mặt hẻm. Mỗi lần thì kéo dài có khi cũng 3-4 ngày. Hỏi lý do sao, dù biết là triều cường rồi, thì cũng vẫn thấy là sự không thoải mái lắm. Tất nhiên, chẳng ai có thể cưỡng lại được sự vận động của tự nhiên.

Ở châu Âu, nhiều thành phố người ta sống chung với nước. Các cây cầu di động và bán tự động được thực hiện. Nước vòng quanh trong thành phố, đôi khi tạo được nét riêng cho du lịch. Nhưng triều cường ở Việt Nam, thông qua hệ thống cống đã quá lâu đời, nhỏ bé và xập xệ. Bùn rác đôi khi còn nhiều hơn cả nước, thì chẳng lấy gì làm thi vị.

“Tại người ta mở cống thôi mà em. Nếu cứ đóng lại thì chẳng sao hết. Cống hoạt động theo nguyên tắc tự động mà. Trời mưa nước theo mương đẩy cửa cống thoát ra. Triều cường nước ở sông lớn đẩy cửa cống đóng lại. Nhưng nghẹt nỗi, người dân mở nắp cống ra rồi hồn nhiên chèn cục đá vô làm cống bị vô hiệu hóa sự tự động. Bởi vậy mà nước tràn tới thôi. Nếu có ai đó chịu khó ra đóng cống lại, thì nước không vô được nữa”, người trong cuộc giải thích.

2. Lúc rảnh rỗi, tôi ngồi ngắm tấm hình mà anh bạn chụp hoài và nhận ra rằng, ở Việt Nam, muốn không bị nước vô nhà khi trời mưa hay khi triều cường, thì tốt nhất cứ xây tầng trệt thiệt là cao. Xin xỏ chút, biến hóa chút bản vẽ, để nền nhà cao, là yên tâm. Rồi ngày nước lên, nhìn thấy nước chẳng tràn được nhà mình, lòng có đôi chút liêng biêng. Thậm chí, có mấy ông bắc ghế đẩu mang mồi ra nhậu chung, cười nói rổn rảng, tiểu bậy một cách điềm nhiên không lo bị phạt phải xin nước dội sạch!

Nhưng, nước tứ bề như thế nội bất xuất, ngoại bất nhập thì cũng rầu lắm. Lại tiếc đôi giày da mới mua, lẽ ra có thể diện cuối tuần cùng với em yêu bát phố Sài Gòn được, mà đành chia tay.

Sài Gòn nhiều sông và kênh. Anh bạn trong hẻm 8 mét ấy kể, triều cường xuất phát từ sông Vàm Thuật đó. Dân ca cải lương mà lướt ghe những ngày có trăng, thả chân xuống sông ngồi ca cũng hết mấy câu vọng cổ rồi.

Thương lắm đó! Nhưng, vì cái nắp cống thực dụng kia mà cả rác rến, cả bùn đất cứ đều như vắt chanh dồn nước vô hẻm theo tháng, thì tình yêu cũng có khi bị mài mòn cùng với tuổi tác già nua của con người.

Nhưng tôi luôn là người lạc quan. Những ngày nước lên, em đều nhớ đến anh! Chính xác hơn, đến lời kể về con hẻm ngập trong nước của bà con Sài Gòn…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan