Từ trái sang: Phó chủ tịch UBND, Giám đốc Sở TTTT, Chủ tịch UBND và Giám đốc dự án Zalo 4.0 tại lễ kí kết .

Từ trái sang: Phó chủ tịch UBND, Giám đốc Sở TTTT, Chủ tịch UBND và Giám đốc dự án Zalo 4.0 tại lễ kí kết .

Người dân Bình Thuận nhận kết quả đăng ký kết hôn qua Zalo

Bình Thuận ký kết hợp tác với Zalo xây dựng mô hình chính quyền 4.0, đem đến sự thuận lợi, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hành chính.

Từ nay, người dân có thể tra cứu và nhận kết quả 2.212 thủ tục hành chính của tỉnh Bình Thuận ngay trên Zalo, kể cả các dịch vụ như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, bổ sung hộ tịch, hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh vận tải, đăng ký biển số xe máy chuyên dùng, nhập quốc tịch Việt Nam, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, thẩm định xếp hạng cho cơ sở lưu trú du lịch…

Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến công bố mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử, do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức vào sáng ngày 2/7. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết chính quyền điện tử là một chương trình quan trọng trong thời đại 4.0, và tỉnh Bình Thuận cũng không nằm ngoài xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ máy Nhà nước.

Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân, và ký kết ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc nhắn tin, trả kết quả hồ sơ giúp mọi người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn, đồng thời minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Khi đến nộp hồ sơ tại trung tâm, người dân sẽ nhận được biên nhận điện tử ngay trên Zalo, hoặc quét mã QR được in trực tiếp trên biên nhận giấy để dễ dàng tra cứu tiến độ xử lý, kết quả hồ sơ ngay tại nhà. Ngoài ra, những chính sách, thông tin, thông báo cũng nhanh chóng cập nhật đến từng người dân trên Zalo bất kể trong hay ngoài giờ làm việc.

Tỉnh Bình Thuận đánh giá việc triển khai qua Zalo có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình truyền thống, giúp chính quyền chủ động hơn trong việc tương tác với người dân. Tỉnh cũng đưa ra ví dụ trường hợp nếu có kết quả hồ sơ sớm hơn dự kiến, người dân cũng ngay lập tức được cập nhật trạng thái mới nhất.

Trong thời gian tới, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ được những tiện ích được thụ hưởng thông qua Zalo và thúc đẩy hiệu quả trong việc ứng dụng Zalo vào xây dựng chính quyền 4.0, ông Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh, cần đầu tư quảng bá tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và xem đó là mục tiêu trọng tâm sau lễ ký kết hợp tác với Zalo.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp sau khi hoàn tất quy trình làm thủ tục hành chính, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đồng thời tăng chỉ số hài lòng của người dân.

Chia sẻ tại sự kiện, Bình Thuận cho biết tỉnh đang phấn đấu chuyển dần từ Chính quyền quản lý sang Chính quyền phục vụ nhân dân. Việc ký kết đưa thủ tục hành chính, tính năng tra cứu lên Zalo chính là giải pháp của tỉnh để thực hiện mục tiêu nói trên.

Đề án này nằm trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động nhằm hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động hội nhập, từ đó trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Trước Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai cũng đã ký kết hợp tác chính thức với Zalo nhằm xây dựng chính quyền điện tử. Ngoài ra, Zalo cũng đang triển khai đồng bộ cùng hơn 24 tỉnh/thành khác và sẽ sớm công bố rộng rãi.

Tin bài liên quan