Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB

Khởi nghiệp không chỉ là start-up

(ĐTCK) Trước hết phải khẳng định phong trào khởi nghiệp là một trào lưu đáng hoan nghênh và cần được ủng hộ. Cá nhân tôi luôn mong ước Việt Nam có nhưng doanh nghiệp như Ebay hay Facebook,… nhưng tôi cho rằng khởi nghiệp không chỉ là start up. 

Bài viết này tôi xin phép được nêu một số suy nghĩ cá nhân những mong đóng góp thêm với các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp. Với tôi, khởi nghiệp đơn giản có nghĩa là bắt đầu (khởi) một công việc hay nghề nghiệp gì đó (nghiệp).  

Đôi điều về tinh thần khởi nghiệp

Chưa bao giờ tôi được chứng kiến tinh thần khởi nghiệp mạnh như bây giờ, trên khắp các diễn đàn, báo chí…Rồi hội thảo, diễn thuyết được tổ chức liên tục tại 2 đầu Bắc, Nam. Đây là một điều đáng mừng cho các bạn trẻ và cho đất nước. Nhưng chúng ta nên hiểu chữ khởi nghiệp cho đúng để lựa chọn phương pháp bắt đầu cho đúng, nếu không thì bạn lại rơi vào trường hợp vì quá tham vọng rồi bạn lại đánh mất niềm tin, không những của bạn mà của cả người thân ngay từ cú vấp đầu tiên.

Tôi hiểu khởi nghiệp có nghĩa là bắt đầu (khởi) một công việc hay nghề nghiệp gì đó (nghiệp). Điều đó có nghĩa là khởi nghiệp không nhất thiết cứ phải là mở một công ty hay làm một cái gì đó thật to tát. Nếu hiểu theo cách này thì khởi nghiệp đơn giản chỉ là bắt đầu cuộc đời đi làm, bắt đầu một công việc thay vì cuộc đời đi học. Còn chữ start-up chúng ta nên dùng theo nghĩa là khởi nghiệp kinh doanh và theo tôi đó chỉ là một trong ba lựa chọn trên con đường khởi nghiệp.

Nếu chưa có ý tưởng đột phá, đừng vội khởi nghiệp kinh doanh

Trong số hơn 7 tỷ dân trên thế giới ít người xuất chúng được như Bill Gates (Microsoft), Mark Zuckerberg (Facebook), Lary Ellison (Oracle) hay Richard Branson (Virgin Group) có thể mở một công ty và phát triển lên hàng tóp các công ty trên thế giới ngay từ khi mới ra trường, thậm chí chưa ra trường đâu các bạn.

Hay ngay tại Việt Nam, các anh “đại gia” mà các bạn ngưỡng mộ ấy có lẽ cũng đã bắt đầu quá trình khởi nghiệp như các bạn đang làm bây giờ thôi. Nhiều người trong số họ cũng bắt đầu sự nghiệp với những việc làm rất đơn giản, từ những việc đi làm công ăn lương, nhưng có lẽ họ luôn nuôi dưỡng một khát khao lớn…

Vậy nên nếu bạn không có tài xuất chúng hoặc một ý tưởng đắt giá có thể giúp bạn trở thành ông chủ, hay nếu bạn chưa hội tụ đủ được các yếu tố để trở thành ông chủ thì hãy tạm gác lại ước mơ khởi nghiệp kinh doanh mà thay vào đó bạn nên khởi nghiệp tốt (làm tốt) các công việc bạn đang thực hiện.

Đây là giai đoạn bạn tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ cấp trên, đồng nghiệp, phát triển các mối quan hệ, gây dựng uy tín trong lĩnh vực bạn làm việc để tạo đà cho chặng đường tiếp theo. Do vậy, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng cho sự nghiệp của bạn vì cũng giống như các vận động viên thi đấu, nếu bạn khởi động (khởi nghiệp) không tốt, bạn sẽ không tiến xa được.

Khởi nghiệp không chỉ là start-up ảnh 1

Nếu chúng ta không liên tục bồi bổ kiến thức, liệu chúng ta có thể tồn tại và phát triển? 

Ba con đường lập nghiệp

Nói như vậy tôi không có ý muốn ru ngủ hay làm nhụt ý chí của các bạn. Đã là đàn ông, tôi rất thích quan điểm của cụ Nguyễn Công Trứ: "Chí làm trai đứng trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông" và tôi nghĩ có ba con đường đều có thể thỏa cái chí làm trai đó. Bạn có thể đi làm cho tổ chức (kể cả làm thuê cho doanh nghiệp hay làm trong cơ quan quản lý nhà nước) và phấn đấu lên một vị trí nhất định; làm thuê cho chính mình; hay làm chủ một doanh nghiệp.

Trên từng con đường đó, đều có những tấm gương thành công và thất bại và không thể đánh giá rằng một chủ doanh nghiệp có nghĩa là thành công hơn một người nắm chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, một ngân hàng hay một tổ chức nào đó. Vấn đề là bạn dựa trên hệ quy chiếu nào để đánh giá.

Mỗi công việc đều có những giá trị và ưu nhược điểm riêng. Vậy hãy chọn cho mình một con đường mà bạn thấy hài lòng nhất, bạn có thể phát huy nhiều nhất tiềm năng cá nhân của mình và sẵn sàng cống hiến nhiều nhất cho con đường đó.

Đừng quên giai đoạn khởi động chạy đà

Và dù bạn đang khởi nghiệp như thế nào, xin hãy đừng quên giai đoạn khởi động chạy đà là vô cùng quan trọng. Vậy bạn cần phải làm tốt từng việc bạn đang làm, dù là nhỏ nhất, giống như Ngài Alex Feguson dạy các học trò buộc từng chiếc dây giày vậy. Như vậy, bạn mới có thể xây dựng được nền móng vững chắc để bước lên từng nấc thang tiếp theo trong con đường sự nghiệp của mình.

Cần học tập liên tục, phát triển và tối ưu tiềm năng cá nhân

Trong khi bằng cấp và thành tích học tập khá quan trọng để bạn khởi động khi bạn mới ra trường, nhưng những yếu tố này là chưa đủ để đảm bảo cho bạn thành công trong thời đại ngày nay vì thế giới luôn thay đổi và quá trình học tập là liên tục. Khi đi làm bạn sẽ phát hiện thấy nhiều điều bạn học ở trường không còn phù hợp với thực tế công việc.

Thập kỷ qua chứng kiến sự xuất hiện của 30% số ngành nghề, sản phẩm và dịch vụ không hề tồn tại khoảng 10 năm về trước. Vậy nếu chúng ta không liên tục bồi bổ, liệu chúng ta có thể tồn tại và phát triển?

Một điểm quan trọng khác để bạn khởi nghiệp thành công là bạn cần phát hiện tiềm năng cá nhân của chính bạn, vun đắp, quản lý và thể hiện khả năng đó. Đó là khả năng làm chủ tư duy để thiết kế lộ trình nghề nghiệp cho bạn. Đó là khả năng học hỏi liên tục, khả năng thích nghi nhanh với những thay đổi để điều chỉnh mình trên con đường sự nghiệp bạn đã chọn.

Cuối cùng, tôi luôn mong ước một ngày nào đó Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp tầm cỡ như Microsoft, Facebook, E-bay hay Alibaba và xin chúc các bạn trẻ thành công trên con đường sự nghiệp bạn đã chọn.

Đàm Nhân Đức

Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB (*)

--------------- 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tổ chức mà người viết đang công tác.

Tin bài liên quan