Eo Gió, ​bình yên ở nơi sóng vờn chân núi

Eo Gió, ​bình yên ở nơi sóng vờn chân núi

(ĐTCK) Hoang sơ, giản dị với nhiều cảnh đẹp tuyệt mỹ, Eo Gió (TP. Quy Nhơn, Bình Đình), nơi có những con sóng ngày đêm thay nhau vờn chân núi ấy đẹp như một bản tình ca của gió, đá và nước khi lần đầu tiên tôi ghé chơi.

Tìm về hoang sơ nơi biển Eo Gió

Thực ra, chuyến đi ban đầu của tôi là ghé đảo Bình Ba - Nha Trang ăn tôm hùm. Nhưng ở đây, cô bạn đi cùng lại trót “quen” một anh chàng cao ráo, da rám nắng, quê gốc Quy Nhơn. Sau vài giờ chuyện trò đã trở nên thân thiết, tôi mới lân la hỏi anh: “Quy Nhơn nơi nào đẹp nhất, nơi nào làm anh tự hào nhất để lên kế hoạch cho chuyến đi sau”?

Anh bảo rằng: “Ở Quy Nhơn, chúng mình không so sánh, lại càng không cạnh tranh trong du lịch. Chúng mình chỉ ước có thêm thật nhiều điểm du lịch thu hút như Eo Gió, như Kỳ Co, Hang Khô… Bởi suy cho cùng, điều đó đem lại lợi ích cho tất cả. Khi đơn độc, chúng ta làm được rất ít, nhưng cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra vô vàn những phát kiến, những kết quả sáng tạo đầy tự hào”.

Anh hứa sẽ dẫn chúng tôi vào Eo Gió để ngắm hoàng hôn trên biển. Màu chiều, màu của hoàng hôn, màu của bình yên đến lạ lùng ở đây chắc chắn tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Lời mời gọi như vậy sao tôi có thể chối từ cho được. Vậy là chúng tôi lên đường.

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi ngang qua Quy Nhơn là hơn 10 năm trước. Nơi tôi dừng chân khi đó chưa phải là một bờ biển sạch đẹp với những chiếc dù tranh như bây giờ, mà chỉ toàn thuyền với thúng. Vòng quanh làng chài, chỉ thấy người dân đang ngồi đan lưới, hay các khoảng sân ngập nắng phơi đầy các mẹt cá, mực.

Sau 10 năm không gặp, Quy Nhơn bây giờ đã là một bãi biển hiện đại, đủ đầy khách thập phương và quay mặt ôm lấy các dãy hotel, resort cao cấp hướng biển như đôi tình nhân. Khung cảnh lãng mạn, nên thơ đã thành công trong việc mời gọi chúng tôi tháo giày, thả chân trần trên cát, hay hòa mình vào làn nước xanh ngắt, cho dù hành trình vào Eo Gió chỉ còn 40 phút nữa là bắt đầu.

Từ sảnh Quần thể du lịch FLC, chỉ mất 100.000 đồng tiền taxi để đến chân Eo Gió. Nằm cách TP. Quy Nhơn chỉ 7 km, Eo Gió là một trong những eo biển tuyệt đẹp nhờ được 2 dãy núi có hình cánh cung kỳ vĩ bao bọc. Vì đặc thù địa hình hõm như yên ngựa, lại nằm giữa 2 mỏm núi cao sát biển, nên người ta mới gọi nơi này là Eo Gió, có nghĩa là "eo biển hút gió".

Những bậc thang với tay vịn được thiết kế phù hợp với khung cảnh trời biển xanh ngát đưa tôi lên tới tận đỉnh, để nhìn ngắm trọn vẹn cảnh biển hoang sơ tuyệt đẹp của Eo Gió.

Từ đây nhìn xuống, tôi có thể dễ dàng quan sát toàn bộ cuộc sống sinh hoạt bận rộn của ngư dân vùng đảo Như Lý phía dưới. Hàng bao đời nay, người dân Eo Gió đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với những con thuyền gỗ đầy vẻ khắc khổ. Xa hơn là tượng Phật Bà Quan Âm đang cô độc đứng trông ra biển. Người dân ở đây bảo rằng, Phật Bà là người phù hộ cho tất cả tàu thuyền đi qua đây đều được bình an trở về.

Khi chân tôi bước đến điểm dừng cuối cùng, cũng là lúc Mặt Trời sắp chạm biển. Bầu trời mở ra mênh mông vô hạn và xanh y như khoảng không phía trên của vùng Địa Trung Hải. Vừa như mời gọi một cách mơ màng, vừa như một sự đe dọa nào đó trước sự nhỏ bé của con người đơn độc phía dưới. Và biển ùa ra phía trước trong một màu xanh bất tận.

Trong ánh hoàng hôn, Eo Gió miệt mài phô diễn vẻ đẹp nguyên sơ của mình một cách hồn nhiên, chẳng bận tâm đến việc có hay không sự chứng kiến của con người. Trong chốc lát, tôi nhắm mắt lại và thấy mình như đang trong một giấc mơ. Một cảm giác vừa háo hức, vừa tiếc nuối ập vội ập đến. Và hình như tôi cũng đã phải lòng cái nơi bạt ngàn nắng gió này.

Bên dưới những tảng đá, một đôi trái gái đang hôn nhau trong ánh Mặt Trời cuối cùng của ngày. Sau đó, chàng trai ghé môi vào tai cô gái nói điều gì đó. Cô cười trong gió lạnh, khi nắng nhạt dần ở cuối chân trời. Họ vừa nói điều gì? Lời yêu, lời cầu nguyện, lời cầu hôn? Không một ai biết. Có lẽ chỉ có biển và những cơn gió mới lắng nghe được lời tự tình của đôi tình nhân.

Lời tự tình của đá và gió

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, tạo nên nét đẹp riêng của Eo Gió chính là đá và nước. Dưới chân núi là những con đường đầy đá với hình thù, kích thước, màu sắc đa dạng mà người ta hay gọi là bãi đá đẻ.

Đá trên cao, đá dưới bờ, đá nhấp nhô theo ngọn sóng giữa biển khơi… Có tảng đá tựa như một vị vua đang ngồi tựa gối nhìn ra mặt biển; có tảng xếp chồng nhau như một chiến binh cao lớn đang mặc áo giáp xung trận; có tảng như chú cá sấu khổng lồ đang từ từ lao ra biển…

Thật kỳ lạ, bởi con người có lấy đi bao nhiêu đá thì chúng cũng chẳng bị vơi đi tẹo nào, có khi còn nhiều hơn trước, cứ như đá cũng biết đẻ, mất rồi lại hồi sinh. Sức sống chính là sức mạnh bất diệt của tạo hóa.

Sự miệt mài bào mòn của nước và gió không chỉ tạo nên một bãi biển độc đáo, mà 19 hang chim yến với những cái tên lạ: hang Kỳ Co, hang Ba Nghé, hang sức Khỏe, hang Dơi…, biến bán đảo Phương Mai thành vùng có chim yến đảo nhiều thứ 2 ở nước ta sau Nha Trang.

Ngả lưng nghỉ ngơi trên một phiến đá mát lạnh, để da thịt tự do cảm nhận những cơn gió nhởn nhơ rong chơi bên những rặng núi hùng vĩ. Chút nắng gió cùng chút cảnh vật do đá vá nước vẽ lên thôi mà sao làm người ta dễ mềm lòng đến thế.

Ở Eo Gió, du lịch mới manh nha phát triển vài năm gần đây. Nếu bạn đòi hỏi nhiều dịch vụ đẳng cấp, hay tiện nghi hoành tráng thì hơi sớm với nơi đây. Thế nhưng, bù lại, du khách sẽ có dịp hòa vào cuộc sống sinh hoạt bình dị của người dân địa phương. Đặc biệt là cơ hội thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản của eo biển.

Vị chua chua, ngọt ngọt, mềm mềm từ gia vị, dai dai từ gân bò, lại giòn rụm từ bánh tráng, đi kèm với nhau tựa như một “khúc nhạc xuân” tươi vui, rộn rã khi cho vào miệng. Bún riêu là đặc sản của Quy Nhơn cũng góp mặt, đặc biệt là được ăn kèm với sứa tươi, món quà của biển.

“Bánh canh chửi”, cái tên nghe đến là chẳng muốn ghé, nhưng ghé rồi thì chẳng ai muốn đi. Bánh tráng kẹp, món ăn vặt được du nhập từ sứ sở sương mù Đà Lạt, nhưng khi đến với Quy Nhơn, nó lại lấy lòng du khách một cách vô cùng ngọt ngào và bền bỉ.

Đến đây, du khách rất dễ bị vùng biển biệt lập và hoang sơ này “gây thương nhớ”, bởi cảm giác an toàn, bình dị và yên tĩnh do nó mang lại. Sự mộc mạc, hiếu khách của con người nơi đây, cộng với sự hoang sơ của núi, biển Eo Gió đang là điểm sáng thu hút du lịch và luôn khiến lữ khách lạc lối. Chẳng thế mà mỗi khi cái nóng của mùa hè bủa vây, không cần mở lời, du khách thập phương vẫn ầm ầm kéo đến.

Tôi cũng thế, tôi cũng yêu Eo Gió bằng một tình yêu lạ thường. Không phải bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó, mà từ những điều bình dị, gần gũi nhất.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan