Duyên có thể đi, nhưng… nợ cần ở lại

Duyên có thể đi, nhưng… nợ cần ở lại

(ĐTCK) Dường như tình yêu là thứ xa xỉ khi đã bước chân vào cuộc sống hôn nhân? Và tài sản luôn là điều mà người ta phải lao tâm khổ tứ. Duyên đi, thì dễ, nhưng nợ (nần) thì không thể đùa được!

1. Vợ chồng bạn là hình mẫu của cuộc sống hôn nhân lý tưởng trong con mắt thiên hạ. Anh chị đều là dược sĩ giỏi giang, mỗi người gầy dựng sự nghiệp vững vàng ở công ty riêng của mình. Họ có chung cậu con trai học giỏi, thi đạt điểm cao vào trường chuyên của thành phố.

Mỗi khi thấy họ sánh bước cùng nhau tại các bữa tiệc vui vẻ cuối năm, thậm chí còn ôm eo nhau để nhảy đầm điệu nghệ, bạn bè lại nhìn với ánh mắt vừa ghen tị, vừa cảm phục. Chỉ có nhóm bạn gái thân thì hiểu rõ hơn về mối quan hệ khi tình đã đi, nhưng nghĩa còn ở lại của cặp vợ chồng này.

Theo tâm sự của chị, họ tổ chức đám cưới vì tình yêu thật sự, vượt qua những cấm cản và phản đối của cha mẹ cô dâu. Các bậc phụ huynh bên nhà gái đã từng lo ngại cho con khi thấy chàng rể nổi danh thiên hạ về sự đào hoa. Nhưng trước quyết tâm theo người yêu đến chân trời góc bể, thì mọi sự đều không thể dừng lại được.

Đúng như tiên đoán của cha mẹ vợ, anh con rể chỉ sống chung thủy được 1 năm sau cưới. Bản tính đào hoa đã khiến anh không màng tới nước mắt của người vợ trẻ. Khi con trai còn đỏ hỏn, chị vợ đã phải đêm hôm dắt theo người giúp việc để đi xuống tận miền Tây đánh ghen. Và những mâu thuẫn vợ chồng chưa khi nào lắng xuống, bởi chuyện tình ái lăng nhăng bên ngoài của người chồng.

Dù vậy, đã gần 30 năm trôi qua, họ vẫn sống cùng nhau. Sau này, khi tuổi đã lớn, anh phải thừa nhận rằng trò “vui qua đường” của mình khiến bà xã bị tổn thương và cũng lấy đi của anh vô số tiền bạc cùng thời gian. Người ngoài thường nói anh may mắn, có người vợ kiên nhẫn và dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng đều yêu thương và đón anh quay lại ngôi nhà.

2. Nhưng, chuyện đời đâu có giản đơn như sáng sáng ngồi uống ly cà phê vỉa hè. Cậu con trai của anh chị mới đây đã kể ra nhiều thâm cung bí sử trong gia đình, khi bắt đầu muốn ba mẹ rõ ràng trong việc chia chác tài sản.

Theo cậu, ba mẹ dù đã “anh đường anh, tôi đường tôi” từ lâu lắm rồi, hết cảnh ghen tuông từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn không thể chia tay, vì những tài sản quá lớn chung nhau. Nhà cửa không chỉ có ở đủ mấy thành phố lớn trong nước, mà còn vươn ra cả nước ngoài. Năm công ty thì cứ thay phiên nhau nơi này ông là giám đốc, bà là phó giám đốc và ngược lại. Nhiều mối quan hệ làm ăn chung, cả 2 bên đều phải gắn bó với nhau, không rời được.

Chưa kể, dòng họ nội ngoại, ông anh, bà chị mỗi người đều có con cháu gửi vào công ty làm việc, tạo nên một mạng lưới xung quanh dày đặc. Cháu vợ làm kế toán trưởng công ty của chồng, con chị gái chồng làm kế toán trưởng công ty của vợ, nên việc chia tay không hề dễ. Chỉ có điều cơ bản nhất là tình cảm yêu thương vợ chồng đã hết.

Người thân quen nhất đều biết anh đã có vợ bé và có con chung. Còn chị, sau suốt quãng thời gian tuổi trẻ mệt mỏi với sự ghen tuông, thì đã biết buông bỏ, để vui “tới cuối đời” với người bạn trai quen biết nhau từ thời còn đại học.

Nghe chuyện, tôi có hỏi chị về mọi suy tính cho tương lai thế nào, chị chỉ cười, nói ai mà biết được ngày mai ra sao, chứ đừng nói tới vài năm sau đó. Giờ các công ty đang làm ăn, mà hầu hết doanh nghiệp đều phải đi vay nợ cả. Nhà cửa, bất động sản dù cho có mặt ở khắp nơi trên cả nước, nhưng cũng đều thế chấp trong ngân hàng rồi. Vậy nên, làm sao mà ly dị nhau được!

Người ta nói, nếu như vợ chồng vượt qua được 5 năm đầu chung sống thì cuộc hôn nhân sẽ dễ gắn kết suốt đời. Bởi vì, thực lòng đôi khi người ta không phải chỉ đến với nhau vì chữ duyên, người ta còn bị chữ nợ níu kéo. Chán nhất, lại không phải nợ tình!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan