Để Huế hết buồn...

Để Huế hết buồn...

(ĐTCK) Được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Huế hội đủ nhiều yếu tố để phát triển du lịch, nhưng du lịch Huế vẫn chưa thể bứt phá.

Cách đây 4 năm, tại cuộc tọa đàm khoa học “Văn hóa nghệ thuật miền Trung: Vấn đề nghiên cứu và đào tạo” nhân 15 năm thành lập Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở Huế (1994-2014), có ý kiến đưa ra nên tổ chức Festival Huế trong 4 mùa để tránh sự dựa dẫm quá nhiều vào đoàn nước ngoài và để nhân dân Huế trở thành chủ thể sáng tạo ra văn hóa, tránh sự lập lại, tạo ra sự nhàm chán cho du khách. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với chủ đề “Hạ - an lạc giữa mùa sen”, vì nó gần gũi nhất về mặt thời gian diễn ra Festival Huế hiện nay.

Theo số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế, tín đồ Phật giáo chiếm 60% dân số toàn tỉnh, trong đó có 1.035 tu sĩ, 563 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường. Do đó, vào mùa Hạ, nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế biết cách khai thác du lịch tâm linh, đặc biệt là đưa vào chương trình Festival Huế, thì Cố đô Huế sẽ hấp dẫn du khách thập phương hơn.

Một việc cần làm nữa để thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với Huế, là cần phục dựng và quảng bá “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp Huế xưa) do vua Thiệu Trị nhà Nguyễn chọn đến với du khách thập phương.

“Thần kinh nhị thập cảnh” gồm Trung Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành Huế), Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm Thành Huế), Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong Kinh Thành Huế), Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang trong Kinh Thành Huế), Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự trong Tử Cấm Thành Huế), Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng Thành Huế), Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh trong Hoàng Thành Huế), Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu trong Kinh Thành Huế), Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân), Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An), Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương), Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình), Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu trong Kinh Thành Huế), Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ), Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương), Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung), Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Giác Hoàng trong Kinh Thành Huế), Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Giám), Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm huyện Hương Thủy), Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng huyện Hương Trà).

Ngoài ra, cần nỗ lực để cứu lấy hệ thống nhà vườn và hệ thống phủ đệ của Huế, bởi với những số liệu sau, chúng ta chắc hẳn sẽ cảm thấy tiếc nuối.

Năm 1998, Cục Bảo tồn Bảo tàng và Trường Đại học Nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) đã có một cuộc điều tra và xác định được toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 690 ngôi nhà có niên đại từ năm 1900 trở về trước, trong đó TP. Huế có 330 nhà. Còn theo số liệu khảo sát năm 2002 của UBND TP. Huế, toàn Thành phố có 4.228 nhà vườn có diện tích từ 600 - 1.500 m2 trở lên, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt. Tuy nhiên, sau đó ít năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, chỉ còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong TP. Huế. Đến năm 2017, theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện còn lại trên 150 nhà vườn Huế…

Do đó, cần phải cứu lấy hệ thống nhà vườn và hệ thống phủ đệ của Huế như một nét văn hóa lịch sử mà chỉ riêng Huế mới có, để thu hút du khách thấp phương đến với Huế. Như nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê đã từng thừa nhận rằng: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”.

Một điểm đáng lưu ý với các nhà làm du lịch Huế, là cần chấm dứt dịch vụ để du khách mặc trang phục vua chúa Việt Nam. Bởi cứ để tình trạng như thế, hình tượng vua chúa Việt Nam sẽ trở nên rẻ rúng trong mắt du khách. Thay vào đó, nên có diễn viên đóng vai vua chúa và “ban thưởng” cho du khách trong vai trò sứ giả (đối với du khách nước ngoài) hay vai trò quan lại (du khách trong nước) trang phục truyền thống của người Việt, cũng như các dịch vụ đi kèm như cơm vua, đi thuyền rồng cùng vua... Như thế, vừa thể hiện sự tôn trọng du khách, nhưng không làm hổ thẹn với tiền nhân.

Bên cạnh đó, ở phía Đông Kinh thành Huế, tại khu vực phòng lộ và hộ thành hào có hơn 100 hộ đang dân sinh sống chen chúc. Trên mặt tường thành khu vực cửa Nhà Đồ và cửa Hữu còn có những thửa ruộng trồng hoa màu trải dài hàng trăm mét. Chính quyền cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng nỗ lực giải quyết tình trạng này, nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân vẫn thản nhiên cư trú trên di sản thế giới. Do đó, cần có dự án di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.

Một điểm nữa là công tác phục hồi 2 khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra từ rất lâu, nhiều giải pháp đã được đề xuất và áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến nay, 2 khu phố cổ vẫn lụi tàn nhanh chóng đến mức người dân Huế lẫn khách du lịch cũng phải… giật mình.

Còn nhớ, vào năm 2008, Đại học Huế đã trao cho các sinh viên Quách Đạo Quang, Phạm Xuân Quỳnh Giao giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống” về đề tài “Phố Huế xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới”. Tuy nhiên khi đó, theo đánh giá của một vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, ý tưởng này “tuy mới, nhưng khó có thể khả thi”.

Thật ra, việc phục hồi phố cổ và biến dãy phố này thành một khu phố ẩm thực, một làng nghề thủ công truyền thống, một phim trường, một khu phố với các trò chơi dân gian xứ Huế, một khu phố với những tửu quán, rạp hát, các gánh xiếc, các lớp học xưa, các nhà thuốc y học cổ truyền, lò võ cổ truyền, một khu chợ xưa… để phục vụ du lịch, điện ảnh, vui chơi giải trí cho người dân xứ Huế và du khách thập phương, trên thực tiễn không phải là không thể thực hiện được. Bởi hiện thực đã chứng minh được điều đó: Ở ngôi làng giàu nhất Trung Quốc, người ta còn tạo ra cả một thế giới thu nhỏ, chứ không phải chỉ là một khu phố cổ.

Cuối cùng, Huế cần phát triển theo mô hình “thành phố xanh”, “kinh tế không khói”, chứ không nên xây thêm khu công nghiệp.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 3 triệu người thiệt mạng do các chứng bệnh liên quan đến không khí ngoài trời bị ô nhiễm. Do đó, theo tính toán, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP. Huế, mật đô cây xanh (công viên, đường phố, thảm cỏ) đạt 12,9 m2/người vào năm 2016. Đó là chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan.

Thống kê cũng cho biết, Trung tâm công viên cây xanh Huế hiện đang quản lý hơn 62.000 cây xanh đường phố. Dự án trồng cây xanh đường phố giai đoạn 2012 - 2017 cũng đặt mục tiêu 18.000 cây xanh. Nếu tính cả tổng thể tỉnh Thừa Thiên - Huế, thì điều này càng thể hiện rõ.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được ưu đãi khi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là Vườn Quốc gia Bạch Mã. Các chuyên gia nước ngoài đã đánh giá, Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ ở vùng núi Đông Dương. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Nếu thực hiện được những việc trên, Huế sẽ thành điểm đến khó chối từ của du khách cả trong nước và nước ngoài, khi đó du lịch Huế sẽ cất cánh phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan