Dạo chơi ở “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc” khiến khách Tây mê tít

Dạo chơi ở “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc” khiến khách Tây mê tít

Đến Sa Pa, nếu bạn dành trọn kỳ nghỉ của mình chỉ để quanh quẩn ở trung tâm thị trấn thì thực sự là một điều đáng tiếc. Không cần đi quá xa, du khách cũng có thể dễ dàng thăm thú bản Cát Cát - nơi được ưu ái đặt cho cái tên là “ngôi làng đẹp nhất vùng Tây Bắc”.

Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, là nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Mông. Từ trung tâm thị trấn, du khách chỉ cần đi theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng gần 3km là sẽ đến bản Cát Cát. Bạn có thể đi bộ hoặc đi xe ôm với giá 40.000 – 50.000 đồng.

Ảnh: habi149
Ảnh: hannahh.clairee

Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát được bao bọc bởi mẹ thiên nhiên. Cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, thấp thoáng đâu đó là những ngôi nhà nhỏ bé của người dân sinh sống. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc mà cũng không kém phần thơ mộng.

Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lựa chọn nơi này làm địa điểm nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Trên đường đi xuống, bạn sẽ tha hồ mê mẩn với những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những bụi giang, trúc, vầu, cao vút xanh tốt. Thi thoảng, du khách còn bắt gặp phụ nữ H’Mông hoặc đám trẻ con đi dọc các nẻo đường.

Ảnh: hoangnguyen.93

Bản có gần 80 hộ dân, hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản hoặc rải rác trên các sườn núi. Du khách đến trung tâm bản làng Cát Cát có thể dạo chơi thỏa thích ở ba dòng suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Ảnh: ppcvannahong

Ngoài ra, nơi đây cũng có ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) chảy ầm ầm, ngày đêm tung bọt trắng xoá. Bên cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ thu hút rất đông du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.

Ảnh: azmee1113

Đến với Cát Cát vào khoảng tháng 9, tháng 10, khách du lịch còn có cơ hội chiêm ngưỡng vườn hồng ri đúng độ nở rộ khoe sắc rực rỡ. Hoa hồng ri còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: hoa đuôi công, màn màn cảnh, hoa chiêu quân hay hoa túy điệp,…

Vừa bước đến bản là bạn có thể bắt gặp ngay sắc hồng hồng, tim tím của loài hoa này, tô đậm cả một góc trời Sapa.

Ảnh: quynhnh

Hồng ri không sở hữu vẻ đẹp kiêu kỳ, chói lọi mà nó quyến rũ bởi sự mỏng manh, thanh tao. Loài hoa này được ví như một nàng tiên xinh xắn đang e ấp giữa đất trời Tây Bắc. Hồng ri thường mọc thành chùm, có màu hồng phấn điểm thêm màu tím và trắng.

Ảnh: maitrang

Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh, dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt và rèn nông cụ.

Ngoài ra, ở bản Cát Cát còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… Để tìm hiểu về các nghề này, du khách có thể tới tham quan làng nghề với các khu tranh thêu tay, khu giới thiệu nghề… vô cùng độc đáo.

Ảnh: sirorosi

Những sản phẩm tinh xảo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người bản địa không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Ảnh: anthoneyduong

Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, du khách tìm đến Cát Cát còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông.

Tạm rời xa bao bộn bề của công việc, hãy thử hòa mình với nếp sống của người dân nơi đây bằng cách nhảy những điệu múa sạp với chàng trai, cô gái người Mông, ngắm nhìn điệu múa uyển chuyển của các nàng thiếu nữ hay đắm mình trong điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người….

Thêm vào đó, cũng đừng quên thưởng thức những món đặc sản như: rượu ngô, thắng cố, bánh ngô,…

Ảnh: amet_oz
Ảnh: hoangngoc

Với những nét độc đáo, mang đậm sắc màu của một bản làng vùng cao Tây Bắc, Cát Cát từ lâu đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi du lịch Sapa. Nơi đây chính là chốn bình yên, là vùng đất thanh bình mà nhiều người quyến luyến không muốn rời xa.

Tin bài liên quan