“Bỏ quên con tim” trên đỉnh Chiêu Lầu Thi xinh đẹp

“Bỏ quên con tim” trên đỉnh Chiêu Lầu Thi xinh đẹp

(ĐTCK) Có câu ca nào đó về núi Chiêu Lầu Thi đã được các nghệ sĩ phổ nhạc rằng: “Ai đã mở đường lên đỉnh núi, ngắm nhìn mây như dải lụa hồng. Ngọt ngào nghe điệu Páo dung, thông reo gió ngàn nhìn ruộng bậc thang...”.

Dẫu biết rằng, mùa này mà lên đỉnh Chiêu Lầu Thi - ngọn núi hùng vĩ cao thứ 2 của tỉnh Hà Giang thì chỉ toàn đèo dốc chênh vênh, sương giăng kín lối và gió buốt cắt da cắt thịt. Song chúng tôi vẫn háo hức lên đường. Vì để biết được mùa Xuân đúng nghĩa là như thế nào, chỉ còn cách nhằm tiết trời đang Xuân ngược lên miền Đông Bắc mà thôi.

Gian nan chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi

Theo lời người dân địa phương, Chiêu Lầu Thi trong tiếng Việt có nghĩa là “chín tần thang”, còn trong tiếng Hán “Chiêu Lầu” nghĩa là chín bậc, “thi” là tảng đá to. Tên chín tầng thang nghĩa là đoạn đường leo lên đỉnh.

Một ngày đầu Xuân, thời tiết dập dìu lạnh, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội hướng thẳng đến thị trấn Vinh Quang, Hà Giang. Từ đây, cả đoàn men theo con đường Sán Sìn Hồ – Pờ Ly Ngài – Nàng Đôn, đi đến địa phận thôn Hoàng Lao Chải. Nơi đây không chỉ có rừng mận, rừng đào rực rỡ sắc Xuân mà còn có khu rừng Tống Quán Sủ đẹp như rừng ôn đới ở châu Âu với những bãi cỏ êm đềm.

Để khám phá và chiêm ngưỡng cho trọn vẻ đẹp thiên nhiên suốt cung đường, cách duy nhất là đi bằng xe máy. Nhưng thời tiết lạnh và buốt giá hơn tôi tưởng. Lần đầu tiên tôi biết cảm giác lạnh buốt da, thấu thịt là như thế nào.

Suốt quãng đường lên Hoàng Su Phì mùa đông như còn vùi trong giấc ngủ nên bầu trời xám xịt. Sương mù từng thúng đổ xuống, thoắt cái bóng người phía trước đã nhạt nhòa và biến mất sau làn sương mỏng mảnh. Bản làng, thung lũng hay cao nguyên đá đều bị hòa trong sương.

Lạnh như thế, buốt như thế mà vẫn không ngăn nổi những hàng cây háo hức chờ xuân đâm chồi nảy lộc. Ngang qua mấy khu dân cư đông đúc, nhiều gian hàng vẫn đang bày bán hoa đào trong hợp âm háo hức của vài ba cánh chim rừng. Chiếc xe của chúng tôi cứ lao đi hun hút ngược chiều gió thổi, quyện vào gió vào sương của miền đồng rừng. Cảm giác như đang lạc vào cõi mộng nào đó xa xôi mà lại vừa hư vừa thực.

Sau chặng đường này, cả nhóm quyết định dừng chân nghỉ lấy sức trước khi tìm vào Hoàng Su Phì chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi bằng cả xe máy và đôi chân.

Đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402 m so với mực nước biển, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, là ngọn núi cao thứ hai của tỉnh Hà Giang. Quanh năm Chiêu Lầu Thi chủ yếu là sương mù giăng lối và gió buốt rít lên từng cơn. Đường lên chinh phục đỉnh cao này thì toàn đèo dốc chênh vênh bên những dãy núi đá hiểm trở. Nhưng bù lại, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng những khung cảnh phóng khoáng và trữ tình. Đặc biệt, biển mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi vốn nổi tiếng là “cõi thiên đường” của những người ưa thích du lịch mạo hiểm.

Đoạn đường đến với Chiêu Lầu Thi chỉ dài khoảng12 km nhưng cũng là một thách thức thật sự với dân leo trèo nghiệp dư như chúng tôi. Chặng đường này được chia làm 2 đoạn. Từ xã Hồ Thầu vào xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) có thể di chuyển bằng xe máy. Con đường này chưa được lát bê tông, đất đá lởm chởm lại ngoằn nghèo quanh núi nên rất khó di chuyển. Tôi phải dùng cả cơ thể gồng mình lên để điều khiển chiếc xe đang loạng choạng như sắp rơi xuống vực. Lúc thì nó bật ngửa lên, lúc chúi người xuống, lúc thì đung đưa theo từng đoạn rích rắc của sỏi đá.

Xuống xe trong cái lạnh buốt của núi rừng, cả đoàn phải gửi xe lại nhà dân rồi tiếp tục đi bộ thêm 500m nữa. Hai bên đường hoa mận, hoa đào vẫn đang bung sắc đón xuân. Nhiều cành đã thấy nụ hoa chúm chím, làm nhen lên trong lòng người cảm giác ấm áp xen lẫn hồi hộp lạ thường. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh còn nhiều loài động thực vật quý hiếm của nước ta.

Hái mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi

Đi mãi đi mãi trong gió rít, sương mờ rồi cũng lên được đến đỉnh Chiêu Lầu Thi. Trái với không khí ồn ào nơi phố thị, khung cảnh ở đây hoang sơ và rất bình yên. Hiếm có nhà hay người ở đây, cùng lắm là vài ba chiếc lán tạm của người dân lên đây chăn dê.

Trời quang, mây tạnh, những ánh mắt trời le lói như đang rót mật vàng vào từng vạt núi. Mặt trời như cái mâm đỏ ối, còn cách đỉnh núi xanh thẫm phía xa chừng một con sào. Ánh nắng ban mai nhè nhẹ trải vàng trên từng nhành cây. Những áng mây hững hờ trôi, vướng vít như chẳng muốn rời. Từ đây, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần xung quanh.

Không khí buổi chiều miền sơn cước trở nên mát mẻ, dễ chịu lạ thường khiến tôi liên tưởng đến một tiểu Đà Lạt âm thầm. Nơi đây dường như không chỉ có sức sống của những loài cây dược liệu quý hiếm mà vùng đất thiên đường này còn ẩn chứa một tiềm năng du lịch rất cần được khai thác và đẩy mạnh.

Hơn 2 giờ chiều, trời bắt đầu nắng nhiều hơn, gió từ đâu thổi mây quần tụ lại. Tôi dùng tay khẽ với ra xa, cố nhoài người để chạm vào mây mà không được. Cảm xúc thật khó tả khi đứng trước một biển mây trên đỉnh núi cao. Lâng lâng, phiêu diêu và lơ lửng, ngỡ như mình vừa được nhấc bổng lên cao hòa mình cùng biển mây mềm mịn, từng bước lạc vào thế giới tiên cảnh.

Cũng bởi nét thơ mộng, lãng mạn này mà nhiều năm qua, biển mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi được rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa thích. Với những người đam mê nhiếp ảnh, Chiêu Lầu Thi còn là một địa chỉ săn ảnh quen thuộc. Khi trời quang, nắng nhẹ, biển mây cuồn cuộn xuất hiện cũng là lúc các “tay máy” hóa thân thành những “gã thợ săn” khổng lồ.

Đang đứng nghĩ vẩn nghĩ vơ thì một tiếng be be của dê con từ đâu đó vẳng ra làm tôi giật mình. Ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy vài đứa trẻ nhỏ xíu, ăn mặc qua loa đang chui tọt vào bụi cây rậm rồi biến mất. Chúng đi chân đất lên rừng, chân dẫm vào đủ thứ sắc nhọn vẫn chẳng làm sao.

Đời người, được làm trẻ con là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Cho dù nghèo, rất nghèo, ăn chẳng đủ, mặc cũng chẳng đủ nhưng nhớ lại thì ngày nào cũng là ngày vui. Buồn gì cũng là thoảng qua thôi.

Tôi nhìn bọn trẻ đang chui lủi trong đám cây rồi vẩn vơ nghĩ về những đứa đã quyết định rời quê hương đến một vùng đất phồn hoa hơn. Đám “trẻ con” ấy, chắc giờ cũng đang âm thầm gặm nhấm nỗi khắc khoải về một mảng trời biếc xanh, thinh lặng, yên bình ở quê hương mình. Trăm năm, vạn năm, vật đổi sao dời, chỉ cần núi vẫn ở nguyên chỗ núi, sông vẫn chảy nguyên trên sông, thì người đi xa vẫn còn nơi để thuộc về.

Hà Giang- mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc tuy cách xa trung tâm kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở nhưng ẩn giấu bên trong thật nhiều giá trị riêng biệt. Đỉnh Chiêu Lầu Thi cũng là một phần rất quan trọng đưa tỉnh Hà Giang đến gần hơn với những tâm hồn ưa mạo hiểm và nổi tiếng hơn trong cộng đồng những người thích đi du lịch.

Từ những giá trị riêng biệt đó, tỉnh Hà Giang cũng đang nỗ lực hết mình để biến những cái khó, cái độc đáo thành lợi thế cạnh tranh. Và dần vươn xa hơn trên bản đồ Việt Nam, trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia và là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan