Bánh trôi tàu 30 Hàng Giầy trở thành địa chỉ quen thuộc suốt gần 30 năm ở Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Bánh trôi tàu 30 Hàng Giầy trở thành địa chỉ quen thuộc suốt gần 30 năm ở Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

'Bánh trôi bác Phạm Bằng' - kỷ niệm đẹp của người Hà Nội

Hình ảnh người nghệ sĩ già bên quán nhỏ, với những món ăn ngày đông ngọt ngào và ấm sực đã trở thành ký ức không phai với dân thủ đô.

Mỗi khi mùa đông tới, người Hà Nội lại rủ nhau lên phố cổ thưởng thức những thứ chè ngọt, nóng, để xua đi cái rét run rẩy của những cơn gió lạnh đầu mùa. Một trong những địa chỉ mang bao nhung nhớ nhiều năm nay với những ai đi xa thành phố chính là quán bánh trôi tàu nổi danh ở phố Hàng Giầy, mà người ta quen thuộc với tên gọi "bánh trôi tàu bác Phạm Bằng".

Cố nghệ sĩ Phạm Bằng không chỉ quen thuộc qua những vai diễn hài hóm hỉnh trên sân khấu mà trong ký ức người Hà Nội, ông còn là chủ một quán ăn ấm lòng suốt 3 thập kỷ.

Là thức quà của mùa đông nhưng hầu như mùa nào trong năm, quán của nghệ sĩ cũng đông khách. Quán nhỏ chỉ bán đúng 3 loại là bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù - những món ăn mang phong cách ẩm thực của người Hoa.

Gia đình Phạm Bằng sống ở phố đã nhiều đời. Theo lời ông, ngày xưa, phố Hàng Giầy đa phần là người Hoa nên đầy ắp các món ăn bình dân của họ như bánh bao xíu mại, dimsum... Trong những năm tháng khó khăn khi đồng lương nghệ sĩ của Phạm Bằng còn ít ỏi, vợ ông đã đứng ra mở quán, học hỏi tìm tòi từ những người hàng xóm để biết cách làm. Dần dần, quán đứng vững và có tiếng tăm xa gần. Không những thế, những bát bánh trôi của ông làm ra được khen ngon hơn cả người Tàu làm.

Mở quán cũng không an nhàn, gia đình phải dậy từ sớm để đi xay bột rồi về nặn bánh, nấu đậu… tất tả chuẩn bị nấu nướng đến tầm 15h mới tạm xong phần chế biến. Gạo làm bánh phải là gạo mùa cũ, tức là gạo gặt từ năm trước thì làm bánh mới ngon, chủ yếu mua ở phố Hàng Bè. Thành phần trong các món đều có ít nhiều vị thuốc. Trong lục tào xá có hạt sen, đậu xanh, vỏ quýt... Bánh trôi tàu chan bằng nước gừng nóng. Chí mà phù lại chủ yếu là vừng đen. Cả ba loại đều ăn nóng mới ngon.

'Bánh trôi bác Phạm Bằng' - kỷ niệm đẹp của người Hà Nội ảnh 1

 Hình ảnh người nghệ sĩ già ngồi bên quán nhỏ đã trở thành ký ức không phai của nhiều thế hệ người Hà Nội. Ảnh: foodclick

Điều đặc biệt của món bánh trôi tàu nằm ở khâu chế biến nước gừng. Đường để nấu phải là đường phèn, đậm mùi mía, mang màu nâu đỏ đẹp mắt. Vị ngọt của đường tan trong những lát gừng nóng sực, sôi sình sịch trên bếp lò, đổ ngập cái bánh nóng và rắc thêm ít lạc rang bùi bùi béo béo là đủ làm ấm cơ thể vừa đi ngoài đường lạnh về. 

Hai viên bột nặn vừa to bằng quả trứng gà ta, một viên bằng nhân đậu xanh xay nhuyễn với đường cát, một nhân là vừng đen xay. Nước chan thì sóng sánh, thơm mùi gừng, ngọt như mật mía. Vỏ bánh dai nhưng không cứng, dẻo dẻo, ăn tới đâu trôi tới đó.

Sau này, khi kinh tế đã khá hơn, gia đình ông vẫn giữ nghề phụ đã nuôi sống gia đình qua thời khó khăn, và cũng nhờ đó mà ông mới gây dựng được sự nghiệp. Ngay cả khi người vợ tần tảo, người đầu bếp chính của quán bánh trôi tàu qua đời cách đây hơn chục năm, ông cũng không nỡ đóng cửa. Đó không đơn thuần là kỷ niệm của gia đình, là địa chỉ của nhiều khách quen, mà còn là ân tình của ông với người vợ song hành suốt cả cuộc đời.

Những năm gần đây, quán từng nghỉ bán vài lần do tình hình sức khỏe của ông có nhiều sa sút. Người đi xa có dịp trở về thường đi qua số nhà 30 Hàng Giầy với bao tiếc nuối về hình ảnh người nghệ sĩ gốc Hà thành hóm hỉnh đứng bán quán và còn về những món ăn mùa đông ấm áp.

Một bạn trẻ người Hà Nội đang sinh sống ở Hàn Quốc, chia sẻ: "Mấy năm nay bác đóng cửa hàng nhưng đông nào cũng rẽ qua, ngó nghiêng, mong nhỡ đâu một ngày cái ngõ nhỏ xíu lại nghi ngút hơi khói từ mấy cái nồi to tướng và những bộ bàn ghế gỗ nhỏ xinh. Biết bao người đến để thưởng thức món quen. Cám ơn bác đã mang đến một phần ký ức tươi đẹp cho biết bao nhiêu thế hệ".

Tin bài liên quan