10 thói quen cải thiện chất lượng cuộc sống mà bạn cần biết

10 thói quen cải thiện chất lượng cuộc sống mà bạn cần biết

(ĐTCK) Đừng cho rằng những thứ mà bạn không có ở hiện tại mới giúp bạn hạnh phúc trong tương lai. Bình yên, hạnh phúc hoàn toàn do bạn tự quyết định và những thói quen sống tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng có được chúng. 

Trong truyện cổ tích Đôi giầy đỏ của Andersen, một cô gái trẻ nhà nghèo ước ao có một đôi giày đỏ. Cuối cùng, cô được một phụ nữ mù tốt bụng tặng một đôi giày như mong ước. Đôi giày khiến cô gái mê mẩn và quên đi tất thảy những điều quan trọng lẫn những cấm kị trong cuộc sống.

Cái kết của câu chuyện cũng giống như mọi truyện cổ tích khác, cô phải trả giá cho hành động không vâng lời bằng việc bị đôi giày bám chặt lấy chân và khiến cô nhảy múa không ngừng đến gần như chết đi vì đói và kiệt sức.

Chúng ta có thể chế giễu sự ngu ngốc của cô gái, nhưng thực tế trong cuộc sống có nhiều người cũng thường làm điều tương tự vậy khi theo đuổi những thứ mà bản thân nghĩ sẽ hạnh phúc mà không nhận ra đang đâm đầu vào nguy hiểm.

TS. Travis Bradberry - Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm) dẫn một thống kê cho thấy những nhân viên hạnh phúc nhất với công việc lại không phải những người làm cho những công ty lớn mà đa phần là những nhân viên tại các công ty nhỏ, những người có ý thức tự giác trong công việc, thậm chí là những người lao động chân tay.

Một nghiên cứu khác phát hiện ra sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn nhanh đang khiến con người ngày càng nóng vội. Nguyên nhân không nằm ở bản chất nóng hổi của món ăn mà là những hình ảnh logo của chúng, như giao hàng chỉ trong 15 phút, người dùng vừa đi vừa ăn, bận rộn tới mức không đủ thời gian thưởng thức một bữa ăn lành mạnh. Chính những hình ảnh đó tạo nên tính thiếu kiên nhẫn của chúng ta.

Bradberry khuyên mọi người cần phải thật cẩn thận trong việc chọn lựa hành động, vì gieo hành động sẽ gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Việc nuôi dưỡng thói quen tốt sẽ cho bạn hướng đi đúng đắn. Chúng giúp bạn sống thực tế hơn, ý nghĩa hơn, nhờ đó hình thành những điều tốt đẹp trong tâm hồn.

Sau đây là 10 thói quen tốt giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống, theo Bradberry:

1. Tránh xa người ảnh hưởng xấu đến bạn

Ông ví von, nếu một logo của hãng đồ ăn nhanh đã đủ làm bạn mất kiên nhẫn thì thử nghĩ một người tồi tệ có thể tác động xấu đến cuộc sống của bạn thế nào. Việc bạn tránh xa họ có thể khiến họ không vui, hoặc nhận sự chỉ trích từ những người không hiểu chuyện, nhưng đó là điều cần thiết nếu bạn muốn bản thân tốt đẹp hơn, thoát khỏi những tác động tiêu cực lâu dài.

Khi gặp ai đó châm chọc bạn, hay một người bạn, đồng nghiệp khiến bạn tức sôi máu thì thay vì nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ tới những người mà bạn cần biết ơn trong cuộc sống - những người tốt xứng đáng được bạn quan tâm hơn.

2. Không sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay laptop trước khi ngủ

Thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng, laptop trước khi đi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ và năng suất làm việc của con người. Dù vậy, nhiều người không bỏ được thói quen này. 

Bradberry lý giải, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tâm trạng con người, mức năng lượng hoạt động và chất lượng giấc ngủ.

Vào sáng sớm, ánh mặt trời tập hợp nhiều ánh sáng xanh này. Khi mắt bạn tiếp xúc trực tiếp với chúng, chúng sẽ khiến cơ thể tạm dừng sản xuất melatonin - một loại hormone gây buồn ngủ, giúp con người tỉnh táo.

Vào buổi trưa, ánh nắng mặt trời mất đi các ánh sáng xanh này, nhờ đó cơ thể có thể sản sinh ra melatonin khiến bạn dễ buồn ngủ.

Lúc chiều tối, não bộ không muốn xảy ra bất kỳ hoạt động tiếp xúc nào với ánh sáng xanh đồng thời trở nên cực kỳ nhạy cảm với chúng.

Tuy nhiên, đa phần các thiết bị điện tử yêu thích của chúng ta lại được sử dụng nhiều vào buổi tối. Laptop, máy tính bảng, điện thoại di động... sẽ phát ra ánh sáng màu xanh rực rỡ chiếu thẳng vào mắt. Sự tiếp xúc này làm suy giảm khả năng sản xuất melatonin của cơ thể và cản trở khả năng chìm vào giấc ngủ cũng như giảm chất lượng giấc ngủ sau đó. 

Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là tránh xa các thiết bị này sau bữa tối (xem ti vi vẫn được nhưng bạn phải ngồi đủ xa so với màn hình).

3. Biết ơn hiện tại

Biết ơn là nền tảng cơ bản tạo nên hòa bình và hạnh phúc chứ không phải sự giàu có, quyến rũ hay các món đồ xa xỉ. Hãy biết ơn từ những điều đơn giản mà chúng ta đang có.

Việc bạn không đủ tiền mua rượu vang và trứng cá hồi không có nghĩa bạn không có được một bữa ăn ngon. Một đĩa bánh chưng, dưa món cùng ly bia nhâm nhi với bạn bè ngày Tết cũng ngon lành vậy.

Đừng nghĩ rằng chỉ những thứ bạn không có ở hiện tại mới đủ khiến bạn hạnh phúc trong tương lai. Sự thật là nếu bạn không trân trọng những gì mình đang có thì bạn sẽ chẳng thể nào trân trọng được thứ mà bạn cho là tốt đẹp nếu có được nó sau này. 

4. Sẵn sàng học hỏi

Những người có cuộc sống hoàn hảo mà bạn hằng ganh tị hóa ra có thể đang phải đối mặt với những rắc rối đằng sau cánh cửa đóng kín. Cái mác "hoàn hảo" kia có thể chỉ là hư danh.

Đừng đánh giá sự việc qua vẻ ngoài mà hãy nhìn thẳng vào bản chất vấn đề. Bạn không phải là "giáo sư biết tuốt", cũng không phải là thầy bói có thể nhìn trước được tương lai nên hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi.

Cuộc sống luôn chứa đầy những bất ngờ. Những thứ bạn thấy chưa hẳn đã là sự thật, những điều bạn thấy tốt nhưng chưa hẳn đã tốt và có những điều bạn cho là xấu nhưng chưa hẳn đã là xấu.

5. Làm thử dù có thể thất bại

Rất nhiều nhà văn vắt óc xây dựng những nhân vật, cốt chuyện mà họ biết chúng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên trang sách. Tuy vậy, họ vẫn làm vì biết đó là cách để nuôi dưỡng ý tưởng và thứ họ cần chính là thời gian phát triển.

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng từ bỏ ngay khi mới bắt đầu vì cho rằng những ý tưởng của mình không hoàn hảo kéo theo kết quả sẽ không được tốt đẹp như mong muốn

"Nhưng làm sao bạn tạo ra những thứ tuyệt vời nếu không bắt đầu và cho ý tưởng có thời gian trau chuốt?", Bradberry nói. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult - tác giả của nhiều cuốn sách best-seller nổi tiếng như My Sister's Keeper, The Storyteller, Lone Wolf,... đã tóm tắt tầm quan trọng của việc tránh sự cầu toàn bằng câu nói: "Bạn có thể biên tập một trang viết dở, nhưng bạn không thể biên tập một trang giấy trắng".

6. Sống có tổ chức

Mọi người thường than phiền về những thiếu thốn của họ trong cuộc sống nhưng Bradberry cho rằng, thứ duy nhất chúng ta thực sự thiếu chính là thời gian rảnh. Làm gì có ai được ưu ái nhiều thời gian rảnh hơn người khác, điều khác biệt giữa chúng ta và những người đó là chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian do không biết sắp xếp công việc. 

Ví dụ, bạn thường chạm vào một thứ tới 2 - 3 lần trước khi thực sự làm gì đó với chúng (giống như bạn đặt bó rau lên bàn sau đó đem vào bếp rồi để lên kệ trước khi nấu bữa tối). Một khi bạn đặt chúng xa tầm với, bạn sẽ tốn nhiều thời gian tìm kiếm chúng hơn.

Thứ bạn cần làm là tổ chức lại cuộc sống. Hãy phân chia khu vực, thời gian biểu hợp lý để khi cần cất một món đồ hay dành thời gian trượt tuyết với con, bạn sẽ biết ngay cần phải làm gì thay vì "ngụp lặn" trong việc tìm kiếm. 

7. Cất giữ những thứ quan trọng trong đời

Có một câu nói nổi tiếng khiến bạn tâm đắc đến mức viết ra giấy để làm tôn chỉ trong cuộc sống, nhưng sau 5 năm bạn không tài nào nhớ nổi đó là câu gì và được cất ở đâu dù biết rằng nó đã được nhét vào trong một trong số áo khoác cũ. Và bạn thực sự hy vọng đó không phải là chiếc áo đã đem quyên góp cho từ thiện. 

Khi tìm ra những thứ có sức ảnh hưởng lớn tới cuộc đời, dù cho đó là thứ thể hiện bạn là ai hay người bạn muốn trở thành, thì hãy dành cho chúng một vị trí quan trọng để cất giữ. Đó có thể là laptop, cuốn vở, hay một thư mục trên điện thoại - thứ mà bạn có thể mở ra xem lại thường xuyên. 

8. Làm những thứ nhắc nhở bạn là ai

Chúng ta hay nói đùa nhiều về "cái tôi", nhưng đó thực sự là gì? Theo Bradberry, đó là thứ khiến chúng ta cảm thấy được là chính mình nhất, được làm thứ mình thích, sống đúng với bản chất bên trong.

Bạn có thể hò hét loạn xạ cùng đám bạn, nhảy disco dưới nền nhạc dân ca, hay chơi cầu tuột với đám cháu. Dù là điều gì đi chăng nữa thì hãy dành thời gian tận hưởng những khoảnh khắc nhắc nhở bạn là ai, chúng sẽ giúp bạn trẻ lại.

9. Học cách nói "không"

Nghiên cứu được tiến hành tại đại học California (San Francisco) cho thấy, càng khó khăn trong việc từ chối, bạn càng dễ bị căng thẳng, kiệt sức, thậm chí trầm cảm - tất cả những thứ có thể hủy hoại khả năng tự chủ.

Đối với nhiều người, nói "không" thực sự là một thách thức lớn. "Không" là một từ mạnh mẽ thể hiện rằng bạn không ngại tỏ rõ chính kiến. Khi đến thời điểm cần nói "không", người thông minh sẽ dứt khoát và tránh những câu ỡm ờ đại loại: "tôi không nghĩ mình có thể" hoặc "tôi không chắc lắm".

Việc nói lời từ chối với một cam kết mới đảm bảo rằng bạn đang ưu tiên thực hiện cam kết hiện tại và cố gắng đạt thành công. Chỉ cần nhắc nhở bản thân rằng, nói "không" là một hành động thể hiện bạn là người biết kiểm soát bản thân ở hiện tại và cả trong tương lai bằng cách tránh các tác động tiêu cực khỏi những cam kết quá lố.

10. Đặt ra những mục tiêu thực tế

Có bao nhiêu người ngay từ tháng Giêng đã tuyên bố "Tôi sẽ giảm được 30 ký trong vòng 2 tháng tới?". Những mục tiêu lớn, vĩ đại, thậm chí điên rồ có thể là một cách truyền cảm hứng tuyệt vời cho bạn, cho tới lúc bạn vỡ mộng, dẹp chúng qua một bên với nỗi thất vọng và cảm giác tội lỗi.

Bradberry không có ý khuyên bạn ngừng đặt ra những mục tiêu lớn có khả năng thúc đẩy bạn, ông chỉ khuyên bạn nên cố gắng theo đuổi những mục tiêu có một lộ trình thực hiện cụ thể, những mục tiêu có tính khả thi cao. 

Đừng theo đuổi những thứ mà bạn cho rằng chúng sẽ khiến mình được hạnh phúc. Bình yên và hạnh phúc hoàn toàn do bạn tự quyết định và những thói quen sống tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng có được điều đó. 

Tin bài liên quan