Tốc độ tăng trưởng về số lượng khách hàng và dư nợ giải ngân của CTTC đã tăng lên đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng về số lượng khách hàng và dư nợ giải ngân của CTTC đã tăng lên đáng kể.

Tín dụng tiêu dùng được nhà đầu tư quan tâm

(ĐTCK) Thị trường Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng, với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới. Chưa kể, biên lợi nhuận cho vay tiêu dùng đang được xem là tốt nhất so với các phân khúc khác. Đây cũng chính là lý do vì sao khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, các nhà đầu tư đều xem xét đến mảng cho vay tiêu dùng.

Tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu LienVietPostBank (LPB) mới đây, đại diện Quỹ Dragon Capital cho rằng, so với một số nhà băng khác, chẳng hạn VPBank, mảng cho vay tiêu dùng của LPB hiện nay còn khá khiêm tốn, chưa kể VPBank đã có công ty tài chính (CTTC) trực thuộc, với thương hiệu FE Credit.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra ý kiến, để có thể gia tăng lợi nhuận và phân tán rủi ro thì cho vay tiêu dùng được xem là mảng hoạt động có biên lợi nhuận cao nhất của các ngân hàng hiện nay.

Thực tế đã chứng minh, kết quả kinh doanh đạt được của CTTC tiêu dùng cũng như mảng tín dụng tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng đang đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh của các nhà băng.

Đơn cử là FE Credit, với tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận chiếm đáng kể trong tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ là VPBank. Cụ thể, đến cuối 2016, FE Credit có 30.000 tỷ đồng khoản phải thu và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Bên cạnh đó, các chỉ số kinh doanh tính tới hết tháng 7/2017 của VPBank cũng đều khả quan, với thu nhập lãi thuần tăng 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 11.400 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 90%, đạt hơn 765 tỷ đồng; hoạt động khác đạt gần 857 tỷ đồng, tăng 34,4%.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của riêng VPBank trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 2.340 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, không thể không kể đến khoản đóng góp tích cực từ FE Credit. 

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết, tính đến nay, Công ty đã có thêm 2,7 triệu tài khoản mới, cùng cơ sở khách hàng hoạt động chạm mốc 3,3 triệu mang lại cho FE Credit lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường, trong đó thị phần dự kiến đạt gần 70% vào cuối năm 2016.

Đó là mức tăng trưởng chưa từng có tiền lệ, thậm chí ngay cả với các tổ chức đã trưởng thành ở các thị trường phát triển trên thế giới. Thị trường tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây đã đạt được những cú nhảy vọt đáng kinh ngạc, nhưng theo nhận định của các chuyên gia ngành tài chính, sẽ còn bùng nổ trong tương lai.

Không chỉ FE Credit, kết quả hoạt động của các CTTC trong và ngoài nước tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam những năm gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng về số lượng khách hàng, dư nợ giải ngân đều tăng lên đáng kể.

Chẳng hạn, mặc dù trong những năm qua, Home Credit không tiết lộ mức lợi nhuận đạt được, nhưng theo thông báo Công ty này, năm 2013, Home Credit đạt 711 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 5 lần lợi nhuận trước thuế năm 2012. Lãi sau thuế là 529 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận đạt được của Home Credit hay FE Credit là điều đáng mơ ước của không ít ngân hàng hiện nay, do chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra trong cho vay khách hàng doanh nghiệp giảm, cùng với đó là áp lực dự phòng tăng.

Nhận thấy được tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này, thời gian gần đây, không ít ngân hàng đã chạy đua mua lại CTTC để tái cơ cấu chuyển đổi sang mô hình đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Theo đó, Maritime Bank mua lại CTTC cổ phần Dệt may (TFC) của Tập đoàn Dệt may và đổi thành CTTC Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam. SHB mua lại CTTC Viettel Vinaconex, sau đó xin lập công ty tài chính SHB Finance.

Sau khi hoàn tất, Ngân hàng sẽ chuyển danh mục cho vay khách cá nhân thu nhập dưới 200 triệu đồng một năm sang công ty này. ACB cũng cho biết, HĐQT Ngân hàng đã họp về phương án mua lại công ty tài chính. Đối tượng mà nhà băng này nhắm tới là CTTC Bưu điện (PTFinance).

Một điểm chung của các thương vụ thâu tóm CTTC là sau khi các thương vụ hoàn tất, các ngân hàng đều lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược ngoại để chuyển nhượng 49% vốn, lập công ty liên doanh.

Tuy nhiên, một vấn đề được các thành viên thị trường quan tâm là mức lãi suất cao, khoảng 40 – 50%/năm của các CTTC tiêu dùng. TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng, cần xem xét để có mức lãi suất hợp lý hơn cho người vay bởi mức lợi nhuận “khủng” mà một số CTTC có được là nhờ mức lãi vay tiêu dùng cao nhất thị trường hiện nay.

Trong khi đó, lý giải cho việc áp dụng mức lãi suất đầu ra khá cao, theo các CTTC, rủi ro đối với khoản tín dụng tiêu dùng rất lớn do chủ yếu là vay tín chấp. Nguồn tiền cho vay của CTTC không phải huy động từ dân cư với lãi suất thấp mà phải vay từ các tổ chức tín dụng nên lãi suất cho vay đối với tín dụng tiêu cũng phải đáp ứng để bù đắp rủi ro.

Tin bài liên quan