Xu hướng thích ứng nhanh với công nghệ của 
giới trẻ Việt là cơ hội cho tín dụng tiêu dùng

Xu hướng thích ứng nhanh với công nghệ của giới trẻ Việt là cơ hội cho tín dụng tiêu dùng

Thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn sơ khai

(ĐTCK) Tăng trưởng nhanh trong vài năm trở lại đây, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Quy mô hoạt động của các công ty tài chính mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong hệ thống tài chính Việt Nam.

Thị trường nhiều tiềm năng

Kinh tế càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của con người tăng lên thì xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng càng gia tăng. Cũng chính hoạt động tài chính tiêu dùng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, gián tiếp kích thích hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Một nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2012, tại thị trường châu Âu, cho vay tiêu dùng chiếm tới 12,5% tổng chi phí tiêu dùng của châu lục. Ngành tài chính tiêu dùng của lục địa già có sự tham gia của gần 1.500 nhà cung cấp dịch vụ, với hơn 1,2 triệu người làm việc vào năm 2012.

Nghiên cứu này cũng cho biết, Bắc Mỹ và Tây Âu là 2 thị trường cho vay tiêu dùng lớn nhất trên thế giới, với hơn 25.000 tỷ USD dư nợ cho vay ở 2 khu vực này vào năm 2012, lớn hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Sự phát triển tín dụng tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để hạn chế “tín dụng đen”, do vậy, cơ quan quản lý cần có cơ chế quản lý phù hợp để thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh và hiệu quả   

Sự tăng trưởng mạnh của hoạt động cho vay tiêu dùng tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả Mỹ La-tinh, châu Á - Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi đã tạo nên những lực đẩy quan trọng đối với thị trường cho vay tiêu dùng toàn cầu trong giai đoạn 2007 - 2012.

Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với dịch vụ cho vay tiêu dùng, với quy mô dân số hơn 90 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng lớn, vay tiêu dùng ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vài năm trở lại đây, thị trường cho vay tiêu dùng có sự góp mặt của hàng loạt công ty tài chính.

Trên thị trường đã diễn ra làn sóng mua bán, sáp nhập, thành lập mới công ty tài chính từ phía các ngân hàng, nhằm mục đích sắp xếp, ổn định hệ thống cho vay tiêu dùng của mình, khai thác dư địa thị trường rộng lớn và còn sơ khai.

Quy mô còn nhỏ

Sự có mặt của ngày càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng, được các chuyên gia tài chính đánh giá, giúp lãi suất cho vay tiêu dùng ngày càng cạnh tranh và chất lượng dịch vụ được nâng lên, có lợi cho khách hàng.

Trong khi các ngân hàng bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định thì các công ty tài chính với đặc thù riêng đã được tự do trong việc quyết định đối tượng, thời gian, lãi suất. Do vậy, các công ty tài chính có lợi thế hơn ngân hàng trong tiếp cận đối tượng người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, các công ty tài chính đã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh.

Tính tại thời điểm cuối năm 2016, Công ty Tài chính FE Credit có dư nợ cho vay 30.000 tỷ đồng. Thông tin từ FE Credit cho biết, tính đến nay, Công ty đã có thêm 2,7 triệu tài khoản mới cùng cơ sở khách hàng hoạt động chạm mốc 3,3 triệu lượt, với thị phần ước gần 70%.

Tại thị trường Việt Nam, Home Credit đã xây dựng được mạng lưới 5.700 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố 

Công ty cùng ngành là Home Credit đã ghi nhận con số 1,9 triệu khách hàng mới trong năm 2016, tăng 90% so với năm 2015. Lũy kế đến cuối năm 2016, Công ty cho vay với 4,9 triệu lượt khách hàng. Tăng trưởng doanh số cho vay của Công ty trong năm 2016 là 94%. Sau hơn 7 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Home Credit đã xây dựng được mạng lưới 5.700 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố.

Tăng trưởng nhanh, nhưng thực tế, quy mô hoạt động của các công ty tài chính mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong hệ thống tài chính Việt Nam.

Theo EY, tổng tài sản của các công ty cho thuê tài chính tính đến cuối năm 2016 ước đạt 114.370 tỷ đồng, chiếm 1,34% tổng tài sản toàn hệ thống tín dụng (số liệu này đối với khối ngân hàng là 8.272.703 tỷ đồng).

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Tổng huy động vốn của các công ty tài chính vào khoảng 40.000 tỷ đồng, chưa bằng số dư huy động của một ngân hàng nhỏ và chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng số dư huy động từ các tổ chức kinh tế của toàn hệ thống (xấp xỉ 2.500.000 tỷ đồng).

Còn nhiều hạn chế

Các công ty tài chính luôn bị người tiêu dùng ấn tượng về việc áp dụng mức lãi suất cho vay cao. Lãi suất cho vay cao, theo giải thích của công ty tài chính xuất phát từ đặc thù là khoản vay không có tài sản thế chấp, chi phí quản lý các khoản vay nhỏ lẻ là không nhỏ, bên cạnh đó là các công ty này bị hạn chế về nguồn vốn.

Từ cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trong đó có công ty tài chính được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Đối tượng mua giấy tờ có giá là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Quy định này được xem là đã “cởi trói” cho các công ty tài chính trong việc huy động vốn, nhất là vốn trung và dài hạn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2015, các công ty tài chính đã huy động được 14.000 tỷ đồng thông qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi và lượng huy động đã đạt 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Nguồn lực tài chính tăng lên, song lãi suất cho vay của công ty tài chính vẫn chưa giảm, bởi lãi suất đầu vào vẫn được các công ty tài chính áp dụng ở mức cao để thu hút vốn từ các tổ chức.

Việc các công ty tài chính đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi, trong đó có cả công ty tài chính có vốn nước ngoài như Home Credit Việt Nam đang khiến việc huy động vốn của các công ty tài chính trong nước gặp không ít trở ngại.

Thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn sơ khai ảnh 2

Các công ty tài chính còn một kênh huy động vốn khác là từ các công ty nước ngoài. Vay vốn từ nước ngoài mặc dù lãi suất thấp, nhưng công ty tài chính phải chịu các chi phí như phí hoán đổi tiền tệ và phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đẩy tổng chi phí vốn từ nguồn này tăng lên. Một số công ty tài chính đã cải thiện nguồn vốn thông qua các dịch vụ hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư, nhưng hiệu quả không cao.

Hơn thế, quy định không được huy động vốn từ khu vực dân cư đã khiến nguồn vốn của các công ty tài chính bị hạn chế rất lớn. Trong khi đó, muốn phát hành trái phiếu, các công ty tài chính phải đăng ký và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về số lượng phát hành, trường hợp lượng đăng ký mua thấp hơn lượng phát hành phải báo cáo lại chi tiết về số lượng đã phát hành cho Ngân hàng Nhà nước.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến tháng 8/2016, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của các công ty tài chính vượt 277,72%, cho thấy nguồn vốn huy động của các công ty tài chính không đáp ứng được nhu cầu vốn để phục vụ cho vay tiêu dùng của họ.

Ngoài ra, Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100% và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Những quy định này đang đặt các công ty tài chính trước áp lực phải tăng cường huy động vốn để cân đối cơ cấu tài sản.

Một hạn chế đáng kể trong hoạt động của các công ty tài chính hiện nay là thiếu dữ liệu khách hàng một cách đầy đủ và chính thống. Thực tế, các công ty tài chính bị áp lực cạnh tranh phải đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ khách hàng để quyết định việc cho vay, thủ tục phải đơn giản, thuận lợi cho khách hàng, lãi suất phải phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Sức ép tăng trưởng do không tự chủ được nguồn vốn, phải tạo lợi nhuận đôi khi khiến các công ty tài chính chạy theo quy mô về dư nợ và số lượng khách hàng

Sự phát triển tín dụng tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để hạn chế “tín dụng đen”, do vậy, cơ quan quản lý cần có cơ chế quản lý phù hợp để thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh và hiệu quả, từ đó sẽ góp phần phát triển bền vững thị trường tài chính, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân hiểu về lợi ích của tài chính tiêu dùng và biết cách quản lý hiệu quả tình hình tài chính cá nhân nói chung và hoạt động vay tiêu dùng nói riêng.

Tin bài liên quan