Chưa xuất hiện ngôi sao mới
Để khai phá tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng, gần chục năm trước, hàng loạt công ty tài chính đã ra đời, trong đó có một số công ty trực thuộc ngân hàng. Tuy nhiên, qua quá trình cạnh tranh, sàng lọc, khá nhiều công ty đã chấp nhận rời khỏi cuộc chơi, số đông còn lại hoạt động cầm chừng. Vài năm trở lại đây, thị trường nổi lên ba công ty tài chính và ba tên tuổi này đang chiếm hầu hết thị phần, đó là: FE Credit, Home Credit, HD Saison.
Trong đó, đứng đầu là FE Credit, công ty tài chính thuộc VPBank. Chỉ sau 7 năm gia nhập thị trường, 55% thị phần cho vay tiêu dùng đã rơi vào tay công ty này.
FE Credit được VPBank thành lập vào năm 2010 trên cơ sở của Khối tín dụng tiêu dùng cá nhân. Đến tháng 7/2014, VPBank thực hiện mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (VPBFC – FE Credit) và chuyển dần hoạt động của Khối Tín dụng tiêu dùng sang công ty này. 2015 là năm đầu tiên hoạt động tài chính tiêu dùng VPBank vận hành hoàn toàn theo mô hình công ty con của VPBank.
FE Credit hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank, khi đóng góp khoảng một nửa lợi nhuận của ngân hàng này. Năm 2016, FE Credit đạt hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và năm 2017 đóng góp hơn 51% vào con số 8.100 tỷ đồng tổng lợi nhuận của VPBank.
Theo lãnh đạo VPBank, để có hơn 50% thị phần và tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận như trên, FE Credit dám chấp nhận “khẩu vị rủi ro cao”. Trong khi các đối thủ khác còn rụt rè, thận trọng thì VPBank thông qua công ty con này tấn công vào các thị trường ngách như cho vay mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, cho vay tiền mặt không tài sản đảm bảo...
HD Saison cũng là cái tên quen thuộc với thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là từ 3 năm trở lại đây sau khi HDBank mua lại Công ty tài chính nước ngoài SGVF, rồi bán 49% vốn cho Tập đoàn tài chính Nhật và đổi tên thành HD Saison.
Tương tự FE Credit, HD Saison có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đóng góp một tỷ lệ lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng mẹ. Cụ thể, trong tổng lợi nhuận đạt được năm qua của HDBank là hơn 2.400 tỷ đồng trước thuế, HD Saison đóng góp khoảng 35%. Theo dự tính của HDBank, năm 2018, HD Saison sẽ mang về trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
HD Saison đã hiện diện tại nhiều điểm bán xe máy, ô tô, cửa hàng điện thoại và thiết bị gia dụng, cửa hàng nội thất, nhà hàng tiệc cưới đình đám như Thế giới di động, FPT Shop, Viễn thông A, Chợ Lớn, Big C, Honda, Yamaha, Piaggio và Nguyễn Kim. Sắp tới, HD Saison có kế hoạch tiếp tục thiết lập các kênh phân phối mới, bao gồm các sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu và sản phẩm cho vay trực tuyến mua vé máy bay Vietjet Air…
Với chiến lược phát triển này, cùng với vị thế đã đạt được và nền tảng tốt, HDSaison được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tốt và bền vững hơn so với các đối thủ.
Theo nhận xét của Công ty Chứng khoán HSC, năm qua, HDSaison đóng góp gần 39% vào lợi nhuận của HDBank hợp nhất. Được biết, kế hoạch của HDBank là sẽ không đẩy HD Saison tăng trưởng quá cao, mà hoạt động của Ngân hàng vẫn là cốt lõi, nhằm hướng tới sự an toàn.
Dự kiến trong vòng 3 năm tới, HD Saison duy trì mức đóng góp từ 30 – 35% vào lợi nhuận của ngân hàng mẹ. Với con số lợi nhuận dự kiến hơn 3.900 tỷ đồng trong năm 2018, HD Saison rõ ràng được dự liệu sẽ mang về lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng cho HDBank.
Trên thị trường tài chính tiêu dùng, bên cạnh FE Credit, HD Saison, một cái tên nữa cũng được nhắc đến khá nhiều là Home Credit - công ty 100% vốn nước ngoài. Home Credit hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009. Sau 9 năm hoạt động, Công ty đã xây dựng được mạng lưới gần 9.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Với hơn 11.000 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đang phục vụ 7 triệu khách hàng với 3 sản phẩm chính: Cho vay trả góp xe gắn máy; cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử, cho vay tiền mặt.
Năm qua, HD Saison đóng góp khoảng 35% vào lợi nhuận của HDBank hợp nhất.
Ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit cho biết, những năm gần đây, Công ty quyết liệt đặt mục tiêu bắt kịp nhu cầu thay đổi cực nhanh của thị trường tài chính. Việc thay đổi thương hiệu mới là một phần quan trọng trong việc chuyển đổi của Công ty.
“Chúng tôi tin tưởng vào tương tác giữa người với người, điều giúp chúng tôi khác biệt với đối thủ cạnh tranh”, ông Dmitry nói. Thế nhưng, trước đối thủ mạnh như FE Credit, thị phần của Home Credit đang bị thu hẹp.
Sự nổi lên của ba công ty tài chính trên trong những năm vừa qua cũng đồng nghĩa với thị phần của một số công ty ngày càng teo tóp. Prudential Finance sau 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam đã phải bán lại cho Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc với giá gần 151 triệu USD.
Mảnh đất tỷ USD đang chờ khai phá
Năm 2017, doanh số cho vay tiêu dùng đạt mức tăng trưởng đến gần 60%. Dự báo được đưa ra từ một số chuyên gia, trong vòng 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29 - 30%/năm. Từ quy mô 600.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, cho vay tiêu dùng dự báo sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng trong năm 2019.
Nhận định đó được đưa ra trên cơ sở thực tế thu nhập của người dân Việt Nam đang được cải thiện, số người giàu và trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh, với dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 - 20 năm tới.
Thông tin được đưa ra từ ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, giai đoạn 2012 - 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20 - 22%. Nếu như năm 2012, chỉ có 4% trong tổng dư nợ trên địa bàn là tín dụng tiêu dùng thì đến năm 2015, tỷ trọng này tăng lên 6%, đến năm 2016 là 8%, cuối năm 2017 đạt 12,2%.
Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng 59% so với cuối năm 2016; trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%); cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%...
Báo cáo cũng đánh giá, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn nhiều tiềm năng khai thác.
Thực tế cho thấy, người Việt, nhất là người trẻ, đang vay nhiều hơn để phục vụ các nhu cầu chi tiêu cá nhân. Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE Credit cho rằng, trong khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn và đòi hỏi tài sản đảm bảo, thì các công ty tài chính lại cho vay tín chấp, thủ tục giải ngân nhanh chóng nên nhiều người trẻ tìm đến để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, thậm chí đi du lịch.
Ông Hùng xác nhận, biểu lãi suất của các công ty tài chính dao động từ 20 - 60%/năm do chi phí vốn lớn, vì công ty tài chính không được huy động vốn từ dân cư, mà thường vay ngân hàng. Lãi suất cũng tỷ lệ thuận với rủi ro, khi thủ tục cho vay đơn giản.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng đánh giá, tỷ trọng cho vay tiêu dùng sẽ tăng lên bởi dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ chi cho tiêu dùng cá nhân/GDP của Việt Nam cũng cao, khoảng 67%.
Cuộc chạy đua thâu tóm công ty tài chính của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết. Vietcombank cũng dự kiến sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. ACB, Sacombank, OCB có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính cho vay tiêu dùng… Nhà đầu tư nước ngoài cũng “thèm khát” miếng bánh tài chính tiêu dùng Việt Nam và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Khảo sát cho thấy, kênh tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, với 90 - 95% khách hàng là những người lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân. Vì thế, thị trường cần thêm những tân binh để khai phá mảnh đất tỷ USD này và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành công trong các tổ chức tín dụng trong cho vay tiêu dùng.