Hướng tới nhu cầu tài chính siêu nhỏ là “món ăn” phù hợp với một bộ phận lớn người dân

Hướng tới nhu cầu tài chính siêu nhỏ là “món ăn” phù hợp với một bộ phận lớn người dân

Gương mặt mới của tài chính tiêu dùng

(ĐTCK) Ngày 13/12/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản chấp thuận việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Được biết, VFF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, còn SHB có vốn điều lệ hơn 9.485 tỷ đồng. Như vậy, sau khi tiến hành sáp nhập, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên 10.485 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, việc sáp nhập một công ty tài chính thay vì lập mới xuất phát từ những lý do sau: Thứ nhất, xét về mục đích, SHB muốn phát triển thêm mảng bán lẻ tiêu dùng. Với SHB, bán lẻ ngân hàng và tài chính tiêu dùng là khác nhau.

Bán lẻ ngân hàng là do ngân hàng thực hiện, quy mô mỗi khoản vay khá lớn, từ hàng chục, hàng trăm triệu đồng/món trở lên. Trong khi đó, quy mô mỗi món vay của công ty tài chính tiêu dùng thường nhỏ hơn, chỉ từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, tập trung vào khác hàng có thu nhập thấp, hoặc nhân lực mới đi làm.

Thứ hai, VVF đã có sẵn bộ máy và mạng lưới hoạt động, nên việc sáp nhập sẽ có lợi hơn về chi phí cơ hội, cũng như chi phí đầu tư. Tuy nhiên, khi sáp nhập xong, SHB sẽ thành lập mới pháp nhân, với tên gọi đầy đủ là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (viết tắt là Công ty Tài chính tiêu dùng SHB).

Cũng theo ông Lê, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB chỉ nhắm tới phân khúc khách hàng duy nhất là tài chính tiêu dùng như mua điện thoại, máy tính, chi trả hàng hoá - dịch vụ khác..., với quy mô mỗi món vay nhỏ, từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Điều này khác với những công ty tài chính tiêu dùng khác, bởi có nơi cho vay đến tiền tỷ.

Nói chung, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB hướng tới nhu cầu tài chính siêu nhỏ của một bộ phận người dân như sinh viên, nhân viên vừa đi làm, hộ gia đình có thu nhập thấp.

“Như vậy, ngoài việc phát triển mảng dịch vụ tài chính tiêu dùng, việc thành lập công ty tài chính của SHB cũng góp phần giảm cho vay nặng lãi, ‘tín dụng đen’ của một bộ phận người dân thu nhập thấp và trung bình”, ông Lê nhấn mạnh.

Tiếp đó, đến ngày 14/12/2016, tại Hà Nội, Công ty Tài chính TNHH MTV MB (MCredit), công ty thành viên 100% vốn của Tập đoàn MB, với sự tư vấn chuyên môn của đối tác Shinsei Bank (Nhật Bản) đã chính thức ra mắt.

Trong năm 2017, dự kiến sẽ có thêm một số công ty tài chính nữa ra đời. Chẳng hạn, báo cáo quản trị năm 2016 của ACB cho thấy, HĐQT ACB đã lên phương án mua lại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) hồi đầu tháng 8/2016, để dự kiến có thể đưa ra thị trường công ty tài chính tiêu dùng mới trong thời gian tới.

Những đối thủ tiềm năng trong tương lai

Mặc dù số lượng công ty tài chính trên thị trường còn khá khiêm tốn, nhưng hình thức cung cấp sản phẩm tài chính đã bắt đầu phát triển trên các kênh phi truyền thống ngày càng mạnh mẽ.

Điển hình là sản phẩm cho vay mua hàng trả góp lãi suất 0%/năm của Công ty Mobivi (một loại hình của công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ - Fintech) đang được hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng công nhân ở các doanh nghiệp phía Nam và thu hút lượng vốn lớn từ 4 quỹ đầu tư nước ngoài, bao gồm: Công ty Experian châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Kusto Tiger tại Việt Nam, Công ty Unitus Impact của Mỹ và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản.

Được biết, các công ty Fintech cũng cho vay các khoản vay nhỏ, việc cho vay thực hiện online, quy trình đơn giản và giải ngân nhanh chóng. Quy trình cho vay này thường thông qua 4 bước: Đầu tiên, khách vay chọn khoản vay và kỳ hạn vay mong muốn, sau đó điền thông tin vào đơn đăng ký trên website đã được thiết kế theo mẫu có sẵn.

Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký vay, nhân viên công ty sẽ liên hệ với khách hàng vay (qua điện thoại) để kiểm tra lại thông tin và hoàn tất hợp đồng vay.

Tiếp theo, hai bên thực hiện việc ký kết hợp đồng và nhận thông tin xét duyệt. Cuối cùng, khách hàng nhận tiền vay qua tài khoản, hoặc tại các điểm giao dịch đối tác của công ty Fintech.

Đặc biệt, bằng việc tận dụng lợi thế về công nghệ, cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn, mạng lưới dày đặc, các công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến như MoMo, Payoo, BankPlus... có nhiều động lực để gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng một cách mạnh mẽ hơn.

“Trước sự trỗi dậy của các công ty Fintech, các công ty tài chính tiêu dùng truyền thống nếu không cập nhật công nghệ tiên tiến, rất có thể sẽ tụt lại phía sau trong vài năm tới”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế lớn, với hệ thống trung tâm mua sắm quy mô và rộng khắp, khi việc dùng thẻ tín dụng, thẻ khuyến mại trong mua sắm, tiêu dùng đang tăng cao như hiện nay, sẽ có được bộ số liệu khổng lồ về thông tin khách hàng. Do vậy, đây cũng có thể là đối thủ tiềm tàng trong tiếp cận các hoạt động cho vay tiêu dùng trong tương lai.

Tin bài liên quan