Cho vay tiêu dùng đến gần hơn với người lao động

Cho vay tiêu dùng đến gần hơn với người lao động

(ĐTCK) An toàn và yên tâm khác với tín dụng đen, song thủ tục lại nhanh gọn và đơn giản hơn ngân hàng, có nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc người dân có thu nhập khiêm tốn, nên nhu cầu tín dụng tiêu dùng tại các công ty tài chính đang có sự phát triển mạnh mẽ.

Có nhu cầu vay vốn từ công ty tài chính gần 100 triệu đồng cho khóa học MBA về quản trị kinh doanh tại Việt Nam liên kết với một đại học của Mỹ, chị Thanh Nga (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị không thể tiếp cận nguồn tài chính từ ngân hàng. Bởi chị quyết định nghỉ việc ở công ty, học tiếp và tìm việc mới nên không thể có bảng lương và xác nhận thu nhập của cơ quan; trong khi chị không muốn phiền bố mẹ cho mượn sổ tiết kiệm. Bản thân chị hiện nghỉ việc nhưng vẫn tham gia dạy thêm và có thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng.

Tiếp cận dịch vụ của Công ty Tài chính tiêu dùng MB (Mcredit), đơn của chị được duyệt sau hai ngày. Ngoài các giấy tờ cần thiết như sổ hộ khẩu, công ty tài chính rất linh hoạt trong xác minh thu nhập sau khi trao đổi với trung tâm dạy thêm chị cộng tác lâu nay.

Dịch vụ của các công ty tài chính đang tỏ ra tiện lợi và phù hợp với nhu cầu của những người trẻ tuổi như chị Nga. Không chỉ vay tiền cho nhu cầu học hành, khá đông các khách hàng của công ty tài chính vay tiền để đáp ứng các nhu cầu cơ bản như mua xe máy, điện thoại, sửa sang nhà cửa…

Ông Đinh Quang Huy, Tổng giám đốc Mcredit nhận định, với quy mô dân số gần 100 triệu người, trong đó 51% dân số nước ta trong độ tuổi từ 20-59 tuổi (khoảng 50 triệu người) và 63% hộ gia đình Việt có thu nhập trong khoảng 3-7,5 triệu đồng/tháng, như vậy thị trường của các công ty tài chính tiêu dùng ít nhất là 30 triệu người.

Theo ông Huy, ước tính có khoảng 68 triệu người ở nông thôn chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu tài chính tiêu dùng, trong khi 22 triệu người sống ở thành thị chưa thực sự tiếp cận dịch vụ cho vay tài chính an toàn của các công ty tài chính.

Kênh tài chính này sẽ góp phần thu hẹp đất của tín dụng đen, vốn gây nhiều bất ổn cho trật tự xã hội, đưa nhiều gia đình đến cảnh tay trắng. Số liệu do chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tổng hợp cho thấy, ước tính tín dụng đen tại Việt Nam  bằng khoảng 30% tổng tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp, có thể lên tới 50 tỷ USD.

Hiện nay, các dịch vụ cho vay nhanh không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập với thủ tục đơn giản chỉ trong 1 ngày với giá trị vay lên tới hàng trăm triệu đồng được quảng cáo nhan nhản trên website, qua tin nhắn… thực chất đều là tín dụng đen.

Lãi suất cao, điều khoản mập mờ, thiếu hành lang pháp lý bảo vệ, đòi nợ thô bạo…là những điểm chết của tín dụng đen, nhưng do tiếp cận vốn ngân hàng quá khó khăn, đồng thời một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nên tín dụng đen vẫn tung hoành.

Theo giới chuyên gia, cho vay tiêu dùng được nhận định sẽ bùng nổ khi người dân nhận biết được những lợi ích thiết thực của hình thức này. Đây cũng là kênh tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển vì thị trường tiêu dùng là yếu tố quan trọng sống còn với các doanh nghiệp.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, quy định các hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đang giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển, minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, mức lãi suất của mỗi sản phẩm vay cần được niêm yết rõ ràng (để khách hàng có thể so sánh với sản phẩm của ngân hàng), hợp đồng cho vay của công ty tài chính  quy định các nội dung cụ thể như thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh, các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật, chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn, điều kiện trả nợ đúng hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại đối với trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng…

Trên thực tế, các công ty tài chính hoạt động bài bản, có bộ sản phẩm phong phú đều gặt hái nhiều thành công. Đơn cử, FE Credit tính đến cuối năm 2016, có dư nợ cho vay 30.000 tỷ đồng, với 3,3 triệu lượt khách hàng.

Còn tân binh Mcredit đã ghi nhận con số hơn một trăm ngàn khách hàng tiếp cận vay vốn sau chưa đầy 9 tháng giới thiệu dịch vụ ra thị trường (được thành lập tháng 12/2016). Hiện Mcredit đã có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành phố, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, nhanh chóng và minh bạch.

Một hạn chế của các công ty tài chính là lãi suất cho vay cao đang dần được hóa giải khi khung pháp lý mới đây mở ra nhiều cửa cho nguồn vốn đầu vào của các tổ chức này. Cụ thể, Thông tư 34/2013 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trong đó có công ty tài chính được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, chứng chỉ tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức cá nhân nước ngoài.

Ngoài ra, công ty tài chính còn có các kênh huy động vốn từ nước ngoài, ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư. Quy định này góp phần hỗ trợ cho các công ty tài chính tiếp cận đa dạng nguồn vốn, nhất là vốn trung dài hạn.

Thực tế thị trường cũng đang có nhiều chuyển biến. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2015, công ty tài chính đã huy động được 14.000 tỷ đồng thông qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi và lượng huy động đạt khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Tin bài liên quan