Ông Nguyễn Văn Lý

Ông Nguyễn Văn Lý

Các chủ đầu tư quảng bá gói 1.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là sai

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi đầu Xuân với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, chương trình cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ giao cho Ngân hàng thực hiện nhưng vẫn chưa triển khai.

Theo ông, đâu là điểm nhấn của Ngân hàng trong năm 2016, tạo tiền đề cho năm 2017?

Đầu năm 2016, Chính phủ giao mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng là 8%, sau đó giao thêm 2%. Như vậy, cả năm 2016, tăng trưởng tín dụng đạt 15.919 tỷ đồng. Đây là năm có nguồn tín dụng cho vay mới lớn nhất từ trước đến nay, tăng trên 6.000 tỷ đồng so với năm 2015.

Để thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng này, Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn và nổi bật nhất là việc mở ra kênh huy động vốn mới tại các điểm giao dịch xã. Dù mới triển khai vài tháng cuối năm nhưng kênh này đã thu được gần 350 tỷ đồng.

Tôi nhấn mạnh lại việc Ngân hàng chưa triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Còn về phía các chủ đầu tư, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc mình làm nếu có chuyện gì xảy ra.

- Ông Nguyễn Văn Lý.

Bên cạnh đó, Ngân hàng đã thực hiện tốt việc thu nợ với doanh số 40.127 tỷ đồng, tạo ra nguồn tín dụng cho vay mới đạt 55.150 tỷ đồng. Đồng thời, chất lượng tín dụng tiếp tục được củng cố và nâng lên với nợ quá hạn chỉ 0,34%, nợ khoanh 0,41%, tổng nợ xấu là 0,75%, giảm 0,03% so với năm trước.

Nợ xấu thấp đã thể hiện trình độ phục vụ tín dụng của Ngân hàng đối với người dân, cũng như ý thức sử dụng vốn và trả nợ của người vay vốn. Đồng thời cho thấy hiệu quả của tín dụng chính sách tác động đến xã hội. Hơn thế, việc thu hồi vốn tốt còn tạo nguồn vốn cho vay mới.

Các chủ đầu tư quảng bá gói 1.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là sai ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Lý

Trên nền tảng của năm 2016, năm 2017, Ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng 8%, tương đương 11.300 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ phấn đấu thu nợ khoảng 45.000 tỷ đồng, cộng với một số nguồn vốn chỉ định khác và của địa phương chuyển sang, giúp tổng vốn cho vay vào khoảng 58.300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, Ngân hàng có lượng tín dụng phát ra lớn so với các năm trước, cụ thể, tăng 5.100 tỷ đồng so với năm 2016. 

Một vấn đề đang được thị trường quan tâm đó là Ngân hàng được Chính phủ giao triển khai cho vay nhà ở xã hội. Vậy mức tăng trưởng tín dụng 8% trên đã có tính đến chương trình này?

Ngân hàng được Chính phủ giao triển khai chương trình này nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nên tăng trưởng tín dụng năm 2017 chưa tính đến cho vay nhà ở xã hội.

Theo đó, nguồn vốn để cho vay nhà ở xã hội cũng chưa có và dự kiến, nếu triển khai chương trình sẽ dựa vào nguồn vốn cấp để cho vay, giống như các chương trình nhà hộ nghèo, nhà lụt bão… là các chương trình chỉ định của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, đây là kế hoạch lớn, đặc trưng của giai đoạn mới trong chính sách an sinh xã hội, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, ban hành nghiệp vụ hướng dẫn, đi trước đón đầu trong việc xây dựng quy trình nghiệp vụ cho vay nhằm phát huy được kinh nghiệm quản lý tín dụng của các chương trình cũ, đồng thời có những đổi mới trong chương trình khi triển khai.

Điều này thể hiện sự sẵn sàng của Ngân hàng đối với chủ trương lớn của Chính phủ, có chỉ tiêu vốn là vận hành tốt, phục vụ nhu cầu của xã hội theo kế hoạch. 

Theo ông, có sự khác biệt nào giữa việc cho vay nhà ở xã hội giữa Ngân hàng Chính sách với các ngân hàng thương mại khác?

Chính phủ khuyến khích các ngân hàng cùng tham gia cho vay nhà ở xã hội, tuy nhiên, chương trình này do Chính phủ triển khai thực hiện trong phạm vi người hưởng lợi nhất định và giao Ngân hàng Chính sách thực hiện.

Các đối tượng cụ thể là cán bộ có thu nhập không phải chịu thuế thu nhập, công nhân viên quốc phòng, lực lượng vũ trang, người nghèo thành thị…

Ngân hàng sẽ xã hội hoá hoạt động này nhưng ngoài việc bình xét ban đầu dựa vào các tổ chức đoàn thể xã hội theo chỉ định, Ngân hàng còn tiếp tục xem xét theo nghiệp vụ ngân hàng. 

Có một vấn đề là gói cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng chưa triển khai nhưng một số chủ đầu tư đã quảng bá về chương trình này, Ban lãnh đạo Ngân hàng có quan ngại những vấn đề phát sinh phía sau?

Tôi nhấn mạnh lại việc Ngân hàng chưa triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Ngân hàng mới chủ động thực hiện các giải pháp chuẩn bị nhằm sẵn sàng đợi Chính phủ chỉ đạo là triển khai. Còn về phía các chủ đầu tư, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc mình làm nếu có chuyện gì xảy ra.

Khi chương trình chính thức được triển khai, Ngân hàng chỉ chấp nhận duyệt cho vay nhà ở xã hội tại các tỉnh, thành phố có nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng phê duyệt. 

Ông có thể cho biết kế hoạch nguồn vốn Ngân hàng dự tính sẽ triển khai chương trình này là bao nhiêu?

Theo tính toán của Ngân hàng Chính sách cùng với Bộ Xây dựng, chương trình này khi triển khai sẽ cần khoảng 10.000 tỷ đồng mới có thể phần nào đáp ứng được nhu cầu, nhưng giai đoạn đầu thực hiện dự kiến đề xuất với Chính phủ là 1.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan