Tại sao bảo hiểm không “đắt khách” dịp Tết?

Tại sao bảo hiểm không “đắt khách” dịp Tết?

(ĐTCK) Một điều bất hợp lý tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, so với các thị trường phát triển trên toàn cầu, đó là thời điểm Tết Nguyên đán và trong quý I thường ghi nhận doanh số bán hàng giảm sút, trong khi đây là khoảng thời gian mà các hộ gia đình khá “dư dả”.

Tâm lý trữ tiền dịp Tết

Thông thường, doanh thu quý I của các doanh nghiệp bảo hiểm thường thấp hơn so với các quý còn lại của năm. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một nhân viên công ty bảo hiểm cho biết: “nhiều lãnh đạo nước ngoài khi tới Việt Nam luôn cảm thấy lạ khi cứ đến dịp Tết, các khâu tư vấn/bán hàng chậm lại, số lượng khách hàng lẫn hợp đồng bảo hiểm được ký đều thua các tháng khác trong năm. Trong khi theo lẽ thường, dịp Tết là thời điểm dòng tiền về nhiều nhất với các cá nhân, hộ gia đình, đáng ra việc bán hàng phải tốt hơn”.

Thực tế, tại các thị trường bảo hiểm phát triển, nhu cầu sử dụng các dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm thường liên tục, ít gián đoạn. Việc triển khai tư vấn bán hàng cũng chuyên nghiệp hơn nên số lượng khách hàng, hợp đồng bảo hiểm bán ra hiếm khi bị ảnh hưởng bởi các dịp nghỉ lễ, Tết.

Trong khi đó, tại các  quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, với những kỳ nghỉ lễ dài, người dân thường có thói quen giữ tiền mặt hay tích trữ ngoại tệ, vàng. Chưa kể, tâm lý của người dân đa phần chưa coi bảo hiểm là sản phẩm thiết thực cần ngay.

Bên cạnh đó, nhiều tư vấn viên tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm có suy nghĩ “cả năm làm lụng vất vả, Tết chính là thời điểm xả hơi”, nên không mấy mặn mà với việc gặp gỡ khách hàng để tư vấn dịp nghỉ lễ.

Thay đổi thói quen

“Tết Nguyên đán là thời điểm các cá nhân, hộ gia đình thường dư dả. Nếu mua bảo hiểm vào dịp Tết, với kỳ hạn đóng phí 1 lần mỗi năm thì một năm sau, khách hàng sẽ lại đóng phí vào thời điểm Tết, thuận tiện và không tạo áp lực tài chính cho mọi người”, bà Mai Nguyễn Thiên Hương, Giám đốc Công ty First Step nói và cho biết thêm, bảo hiểm nhân thọ khác với sản phẩm tài chính khác đó là vừa mang giá trị bảo vệ an toàn tài chính, sức khỏe, vừa có giá trị đầu tư sinh lời lâu dài. Do đó, đây là sản phẩm mà người dân nên cân nhắc mỗi dịp Tết đến.

Chưa kể, điểm khác biệt so với các sản phẩm bảo hiểm khác, đó là trong khi các sản phẩm khác chỉ chi trả khi xảy ra rủi ro thì bảo hiểm nhân thọ chi trả cho cả trường hợp rủi ro và ngay cả khi không xảy ra rủi ro nên đáp ứng được nhiều nhu cầu trong cuộc sống.

Đặc biệt, trong dịp Tết, khoản tiền lì xì của con trẻ, nhất là ở khu vực thành thị, có thể tạo nên cơ hội mua hợp đồng bảo hiểm cho con, giúp khoản tiền này có thêm nhiều ý nghĩa.

Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ: “Cách đây gần 30 năm, tôi vẫn thường bảo với các con sẽ dùng tiền lì xì để gửi tiết kiệm ngân hàng bằng ngoại tệ. Khi đó, ít có các sản phẩm bảo hiểm phù hợp và việc gửi bằng ngoại tệ vẫn có lãi.

Mỗi năm, các con tôi đều rất vui vẻ khi chứng kiến số tiền trong sổ tiết kiệm tăng thêm. Hiện tại, bảo hiểm nhân thọ đã phát triển, có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Thiết nghĩ, tại sao ta không dùng tiền mừng tuổi của con theo đúng tâm ý của người mừng tuổi nhằm đem lại điều tốt đẹp hơn cho con trẻ?”.

Tiền mừng tuổi vào dịp tết cho trẻ, dù nhiều hay ít, nếu được mang đi đầu tư đúng chỗ đều đem lại ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của nhiều người và có ý nghĩa cả cho những đứa trẻ khi chúng lớn lên.  

Tin bài liên quan