Trái phiếu doanh nghiệp: sẽ từng  bước xây thị trường

Trái phiếu doanh nghiệp: sẽ từng bước xây thị trường

(ĐTCK) Điểm nhấn đáng chú ý trong quan điểm xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Sở GDCK Hà Nội (HNX) sắp tới là sẽ tổ chức thị trường tập trung thống nhất, gắn kết giữa hoạt động chào bán/ phát hành trái phiếu (riêng lẻ và đại chúng) trên thị trường sơ cấp với việc đăng ký lưu ký, đăng ký thông tin và đăng ký/niêm yết giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp. 

Trên thị trường thứ cấp, tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên nền cơ sở hạ tầng ưu việt của thị trường trái phiếu chính phủ.

Hiện trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến nay, thông qua đấu thầu tại HNX, đã có 280.000 tỷ đồng vốn được huy động từ nền kinh tế thông qua công cụ trái phiếu chính phủ. Kết quả tích cực này một lần nữa cho thấy, thị trường trái phiếu chính phủ đã và đang làm tốt nhiệm vụ chính trị trong việc tạo không gian huy động vốn cho khu vực công. Tuy nhiên, kết quả này có phần tương phản với không gian huy động vốn cho khu vực tư nhân, khi tại đây, cả công cụ huy động vốn bằng cổ phiếu và trái phiếu còn rất hạn chế. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, từ đầu năm đến nay, lượng vốn mà khối doanh nghiệp huy động được thông qua chào bán chứng khoán trên HNX đạt khoảng gần 11.000 tỷ đồng.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 3,5% GDP, mức này nhỏ hơn rất nhiều so với mục tiêu Chính phủ hướng đến vào năm 2020 và cũng rất nhỏ bé nếu so sánh với thị trường trái phiếu tại các nước có tính tương đồng trong ASEAN. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trung bình tại các quốc gia ASEAN+3 hiện khoảng 21,7% GDP. Trong khi đó, tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp phát hành hàng năm hầu hết thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, chiếm tới 99%, tập trung ở các kỳ hạn 3 – 5 năm và trên 5 năm. Theo quy định, phát hành riêng lẻ không được quảng bá trên phương tiện đại chúng như internet để kêu gọi nhà đầu tư.

Trong việc xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu, các quốc gia đặc biệt đề cao tính minh bạch. Trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa hấp dẫn dòng tiền đại chúng, một phần do chưa có các quy chuẩn về đăng ký thông tin phát hành và công bố thông tin liên quan đến nghĩa vụ thực hiện quyền. Các hoạt động thống kê và cung cấp ra thị trường  thông tin  sau phát hành còn vấp phải nhiều khó khăn. Vì thế tại Việt Nam, hầu hết dòng tiền chảy vào trái phiếu doanh nghiệp đến từ ngân hàng, hoặc từ đối tác của doanh nghiệp, muốn tham gia cung ứng vốn cho doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp.

Thực tế, một số doanh nghiệp đã đưa trái phiếu vào niêm yết, nhưng thống kê từ 2 Sở GDCK cho thấy, quy mô niêm yết hàng hóa này chỉ có chưa đầy 5.000 tỷ đồng. Vậy làm thế nào để xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam xứng tầm quy mô như các nước ASEAN và nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp? Câu hỏi này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra trong cuộc làm việc với ngành chứng khoán, thậm chí Phó Thủ tướng còn mong rằng, trong tương lai, thị trường này sẽ hỗ trợ cả khối doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) huy động vốn. Tuy nhiên, xây dựng thị trường này như thế nào là câu chuyện không đơn giản, khi văn hóa minh bạch, năng lực kinh doanh, tiềm lực tài chính của chính các doanh nghiệp còn khiêm tốn so với mặt bằng chung trong ASEAN.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: sẽ xây từng bước

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành HNX cho biết, ngay khi Bộ Tài chính có văn bản giao nhiệm vụ, UBCK đã phối hợp với HNX chủ trì xây dựng Đề án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đề án được xây dựng với nguyên tắc cốt lõi là tổ chức một thị trường mà ở đó, trái phiếu phát hành đại chúng hay riêng lẻ đều phải minh bạch thông tin, đều được đăng ký, lưu ký, đăng ký thông tin và đăng ký/niêm yết giao dịch trên sàn. Cùng với việc tạo lập hệ thống gắn kết thị trường sơ cấp với hoạt động đăng ký thông tin và giao dịch, Đề án cũng đặt mục tiêu hình thành trung tâm thông tin trái phiếu, hướng đến việc hình thành Cổng thông tin chung về trái phiếu.

Cũng theo bà Lan, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp là công việc rất phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố phải hoàn thiện, nên Sở sẽ làm từng bước trên cơ sở tận dụng hệ thống hạ tầng hiện có của thị trường trái phiếu chính phủ đang vận hành tại HNX. Dự kiến, cuối năm 2016, mô hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được hoàn tất, công bố ra công chúng để cùng nắm bắt và xây dựng thị trường này.

Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã chỉ rõ, Việt Nam cần xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp thống nhất, hướng đến mục tiêu năm 2020, quy mô thị trường này tương đương 7% GDP. Đặt viên gạch nền xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo HNX cho biết, sẽ rất khó để kỳ vọng Việt Nam sớm có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuẩn mực, với quy mô tương đương các nước trong ASEAN bởi nền tảng thị trường còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng, chẳng hạn như tổ chức định mức tín nhiệm hay các tổ chức tài chính trung gian sẵn sàng bảo lãnh/làm nhà tạo lập thị trường cho hàng hóa trái phiếu.

Tuy nhiên, ngay từ bước đi đầu tiên, thị trường sẽ được xây dựng theo mô hình cung cấp thông tin đầy đủ, tức là các doanh nghiệp, các chủ thể phát hành phải minh bạch tối đa cả mặt tích cực và tiêu cực, trên cơ sở đó nhà đầu tư có đủ thông tin ra quyết định mua – bán.

Thị trường cũng sẽ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong tổ chức giao dịch, thanh toán, rút ngắn khoảng cách với các thị trường khu vực, hướng tới việc kết nối với thị trường trái phiếu khu vực ASEAN + 3 vào khoảng cuối năm 2020.

Sẽ có cơ chế khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết

Chia sẻ với báo chí trong cuộc họp tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, một trong những mục tiêu trong phát triển thị trường trái phiếu là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo cơ chế khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết và hoàn thiện phương thức tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2017.

Cũng theo Chủ tịch UBCK, việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc vận hành TTCK phái sinh, sẽ hoàn thiện đầy đủ các cấu phần của thị trường vốn Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực của Sở trong việc hoàn chỉnh hạ tầng thị trường giao dịch, thông tin, thanh toán cho sản phẩm trái phiếu, UBCK sẽ phối hợp xây dựng khung pháp lý mới, mở đường cho tương lai có thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả tại Việt Nam.  

Tin bài liên quan