Trái phiếu chính phủ có tiếp tục đắt hàng?

(ĐTCK) “Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) trong 6 tháng đầu năm nay diễn biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình nửa cuối năm có nhiều ẩn số, trong đó có tác động của Brexit”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

6 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước huy động đạt gần 83% kế hoạch phát hành TPCP năm 2016. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ngân sách huy động được lượng vốn lớn do nhà phát hành đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, từ đó tạo ra sự cạnh tranh không cân sức với các DN tư nhân trong cuộc đua tìm kiếm nguồn vốn qua thị trường vốn. Đâu là góc nhìn của ông về hiện trạng này?

Thị trường vốn gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Chức năng và tính chất hoạt động của các thị trường này có sự khác biệt nhất định so với thị trường tín dụng ngân hàng. Việc so sánh Chính phủ đưa ra lãi suất hấp dẫn để đảm bảo cho các đợt phát hành TPCP thành công, tạo ra sự cạnh tranh với các DN tư nhân trong tìm kiếm nguồn vốn qua thị trường vốn là tương đối khập khiễng.

Mặt khác, trên thực tế, lãi suất huy động TPCP trong 6 tháng qua có xu hướng giảm so với cuối năm trước. Số liệu tổng hợp của VBMA cho thấy, so với cuối năm 2015, lãi suất huy động của TPCP có kỳ hạn 3 năm, 5 năm giảm 53 điểm phần trăm; TPCP có kỳ hạn 10 giảm 30 điểm phần trăm. Điều này chứng tỏ, không có chuyện Bộ Tài chính tăng lãi suất để huy động được nhiều vốn qua kênh TPCP. 

Vậy TPCP  đắt hàng do đâu?

Diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, cũng như các biến động về lãi suất, tỷ giá, chính sách tiền tệ… trong 6 tháng đầu năm nay đã giúp sức cầu trên thị trường trái phiếu tăng mạnh, nhất là TPCP. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh. Đầu tiên là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 20/6 đạt 6,2% (thấp hơn so với 6,28% cùng kỳ năm ngoái), cách khá xa so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 18-20%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng ước đạt 9%, đã giúp các ngân hàng thương mại, vốn là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPCP hấp thụ tốt TPCP trên thị trường sơ cấp.

Chủ trương ổn định và giảm mặt bằng lãi suất của Chính phủ, xu hướng giảm lãi suất thực tế trên thị trường liên ngân hàng, cùng với diễn biến ổn định của tỷ giá đã làm tăng nhu cầu đầu tư TPCP, vì lãi suất giảm thì giá TPCP tăng lên. Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 đã giúp các ngân hàng thương mại nhà nước có thêm dư địa để đầu tư, kinh doanh TPCP, khi nới room cho các tổ chức này được đầu tư TPCP từ mức 15% lên 25% so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó.

Mặt khác, sự tham gia của các công ty bảo hiểm, nhất là việc mua vào đáng kể các loại TPCP có kỳ hạn dài trên 10 năm, cũng đã giúp cải thiện sức cầu cho thị trường, đồng thời dần đa dạng đối tượng nhà đầu tư TPCP.

Ngoài ra, sự tham gia tích cực của nhà đầu tư ngoại đã góp phần cải thiện sức cầu cho thị trường. Sức cầu của khối ngoại cải thiện một mặt nhờ điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, mặt khác nhờ Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách tại Thông tư 06/2016. Theo đó, room tối đa mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó tăng từ 15% lên 35%. Đặc biệt, quy định mới còn cho phép ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận ủy thác giao dịch mua bán TPCP cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bị tính vào giới hạn đầu tư của ngân hàng này như trước đây. 

Diễn biến trên thị trường thứ cấp có sôi động như thị trường sơ cấp, thưa ông?

Sự sôi động trên thị trường sơ cấp cũng tạo sức lan tỏa trên thị trường thứ cấp. Theo số liệu của VBMA, 6 tháng đầu năm, doanh số giao dịch TPCP bình quân đạt gần 3.000 tỷ đồng/phiên đối với giao dịch thông thường (outright), tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

 Liệu sức hút của TPCP có được duy trì trong nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh Brexit đang tác động khó lường tới kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu?

Thị trường TPCP sẽ chịu những tác động từ bối cảnh trong nước nhiều hơn là từ yếu tố nước ngoài, như Brexit, mặc dù không thể phủ nhận sự kiện này đang có những ảnh hưởng nhất định cả gián tiếp và trực tiếp đến Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

 Với tình hình trong nước, nếu muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 18-20%, hệ thống ngân hàng sẽ phải đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn. Cụ thể là tăng khoảng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm nay. Một khi các ngân hàng tập trung cao độ cho thực hiện mục tiêu này và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế tốt, nhiều khả năng nguồn vốn mà các tổ chức này dành cho đầu tư TPCP sẽ bị suy giảm.

Tuy nhiên, do tác động của Brexit, có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thể tăng lãi suất. Cùng với dòng vốn FDI đang diễn biến tích cực và nếu cán cân thương mại vẫn thặng dư như 6 tháng đầu năm, sẽ giảm sức ép lên điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất VND với USD tiếp tục duy trì đủ lớn, nhiều khả năng thị trường TPCP sẽ vẫn giữ được nhịp sôi động từ nay đến cuối năm nhờ thu hút thêm nhu cầu đầu tư TPCP từ các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như nhu cầu kinh doanh TPCP ngắn hạn của các tổ chức tài chính trong nước.

Tin bài liên quan