Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trái phiếu chính phủ bán “chạy”, mừng mà lo

(ĐTCK) So với cùng kỳ nhiều năm gần đây, 6 tháng đầu năm nay, trái phiếu chính phủ (TPCP) bán rất “chạy” khi Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành gần 83% kế hoạch phát hành đề ra cho năm nay. Tuy nhiên, phía sau kết quả tích cực này là không ít mối lo.

Tiền chảy mạnh vào trái phiếu

Là đầu mối tổ chức các phiên đấu thầu TPCP, cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tại Hội nghị Thành viên thị trường TPCP quý II/2016 cho thấy bức tranh tích cực trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP.

Trên thị trường sơ cấp, nhờ tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu lô lớn, đa dạng hóa các kỳ hạn từ 3 - 30 năm, phát hành thí điểm kỳ hạn 7 năm, tăng cường trao đổi với nhà đầu tư về kế hoạch và khả năng phát hành để tổ chức các phiên với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, nên 6 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 182.271 tỷ đồng TPCP (đạt 82,9% kế hoạch). Vì TPCP bán “chạy” như vậy, mới đây, Kho bạc Nhà nước đã có Công văn 2828/KBNN-QLNQ gửi các thành viên thị trường để công bố điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm 2016 lên 250.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Bên cạnh đó, một diễn biến mới và tích cực trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng qua là cơ cấu nhà đầu tư đa dạng hơn, khi có sự góp mặt của cả ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.

Không chỉ thị trường sơ cấp, cả thị trường thứ cấp cũng diễn biến sôi động trong nửa đầu năm nay. Cập nhật của HNX cho thấy, tổng giá trị giao dịch 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 496.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị bình quân đạt 5.200 tỷ đồng/phiên, có phiên đạt đến 8.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. Hệ số thanh khoản tăng rõ rệt, vượt trên mức 1,2 lần. Những chỉ tiêu này cho thấy chất lượng thanh khoản, cũng như khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp được cải thiện rõ rệt.

Đến hết tháng 6/2016, thị trường có 538 mã trái phiếu, 6 mã tín phiếu được niêm yết và giao dịch trên HNX. Giá trị niêm yết đạt hơn 830.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,98% GDP năm 2015. Quy mô niêm yết bình quân của từng mã đạt 1.573 tỷ đồng, tăng 5,26 lần so với khi thị trường bắt đầu hoạt động năm 2009. 

Giải ngân chậm làm lãng phí nguồn lực quốc gia

Bán được TPCP là tin vui, nhưng bán được nhiều, mà giải ngân chậm, sử dụng thiếu hiệu quả, thì sẽ tạo tác động không tích cực đến hỗ trợ tăng trưởng GDP, gia tăng chi phí cho nền kinh tế, đồng thời gây áp lực tăng lên nợ công, vốn đang ở mức cao.

Sự chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn TPCP đang là vấn đề “nóng”, nhất là trong bối cảnh GDP 6 tháng đầu năm nay tăng thấp, chỉ đạt 5,52%, so với mức 6,32% cùng kỳ năm ngoái, đồng thời lượng vốn TPCP huy động tăng nhanh. Theo Bộ Tài chính, hết tháng 6/2016, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân ước đạt 32,1% dự toán (cùng kỳ năm trước đạt 40,1% kế hoạch); vốn TPCP giải ngân ước đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 34% kế hoạch). Vay được nhiều vốn TPCP mà giải ngân chậm, thì vừa không đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, vừa tăng áp lực trả nợ lên ngân sách.

Trước tình trạng giải ngân vốn TPCP chậm và coi đây là một trong những nguyên nhân chưa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn TPCP, để góp phần hoàn thành mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm nay.

Ngày 6/7, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2016 đúng hạn, nhất là vốn ngân sách, vốn TPCP và vốn ODA, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Sự chậm trễ này có cả yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính. Do đó, từng bộ, ngành phải rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chậm trễ trong giải ngân như rút vốn, thay thế nhà thầu không đáp ứng yêu cầu…

Thủ tướng yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016, với các giải pháp cụ thể, sớm trình Thủ tướng ký ban hành vào tuần tới để triển khai ngay. Với thông tư thuộc thẩm quyền các bộ, nếu có vướng mắc cần phải sửa ngay; với nghị định, các bộ tham mưu cho Chính phủ chỉnh sửa theo quy trình rút gọn.

“Phải coi công tác giải ngân là một nhiệm vụ “nóng”. Nếu tình trạng giải ngân cứ như thế này, làm sao có tăng trưởng? Yêu cầu Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Nguy cơ chạm trần nợ công 65%

Bán được nhiều TPCP cũng góp phần tạo áp lực tăng nợ công, vốn đang ở mức cao. Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), các giới hạn trần nợ cho phép giai đoạn 2011 - 2015 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 10/2011 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 là: nợ công không quá 65% GDP; nợ Chính phủ không quá 50% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Hết năm 2015, ước tính nợ công là 62,2% GDP; nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP. Như vậy, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép 0,3% GDP.

Giới chuyên gia cảnh báo, nếu các giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn TPCP nói riêng, vốn đầu tư công nói chung không được thực thi hiệu quả, để có nguồn thu xếp trả nợ, đồng thời hoạt động vay vốn tiếp tục được đẩy mạnh, có nguy cơ sẽ chạm trần nợ công 65% vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh trên, theo Bộ Tài chính, để nợ công không vượt trần cho phép, cần phải tăng tính hiệu quả trong sử dụng các khoản nợ công. Theo ông Long, việc phân bổ và sử dụng vốn trong thời gian qua còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tình trạng mở rộng diện, quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu diễn ra khá phổ biến, dẫn đến tăng mức vay công.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn nợ công, theo Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa. Không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí trả nợ của ngân sách nhà nước. Thu hẹp đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác dụng lan tỏa rộng. Cần kiểm soát chặt danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ. Kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để chi trả nợ đến hạn.

Cũng liên quan đến đảm bảo an toàn nợ công, cùng với việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng huy động và sử dụng nợ công giai đoạn 2016 - 2020, những giải pháp lớn mà Bộ Tài chính đang tập trung triển khai gồm: tăng cường quản lý, giám sát đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh, cũng như nợ của chính quyền địa phương. Xây dựng đề án và triển khai giải pháp tái cơ cấu danh mục nợ công theo hướng bền vững; phương án huy động và trả nợ trong điều kiện Việt Nam không còn được nhận các khoản vay ưu đãi từ nước ngoài.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tập trung cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, công trình trọng điểm, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại. Kiểm soát chặt các khoản nợ của chính quyền địa phương; triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương đối với vốn vay ODA và vay ưu đãi. 

“Chậm giải ngân TPCP là một sự lãng phí, tăng gánh nặng trả nợ”

Trái phiếu chính phủ bán “chạy”, mừng mà lo ảnh 1

 TS. Ngô Trí Long,Chuyên gia kinh tế


Trong bối cảnh nợ công và bội chi ngân sách tăng cao, việc phát hành nhiều TPCP càng thúc đẩy xu hướng tăng của hai chỉ tiêu này. Điều này sẽ không quá đáng ngại nếu vốn TPCP được giải ngân nhanh, mang lại hiệu quả cao, bởi như vậy sẽ nhanh có nguồn để trả nợ, từ đó giảm áp lực lên tăng nợ công. Tuy nhiên, đáng lo là 6 tháng đầu năm nay, trong khi lượng huy động vốn TPCP đạt mức cao, tiến độ giải ngân lại quá chậm. Điều này là một sự lãng phí, làm tăng thêm gánh nặng trả nợ, vì khi bán được TPCP là ngân sách phải lo nguồn để trả lãi cho các trái chủ.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời giảm rủi ro nợ công có thể trạm trần 65%, cũng như để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP, Chính phủ cần quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân nguồn TPCP. Không thể chấp nhận sự chậm trễ, đặc biệt là do các nguyên nhân chủ quan như: thủ tục giải ngân rườm rà; sự tắc trách, quan liêu của cán bộ, cơ quan chức năng; nhà thầu yếu kém năng lực... Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức làm chậm việc giải ngân vốn TPCP cần mạnh tay xử lý, nếu không chẳng biết đến bao giờ nguồn lực của quốc gia mới không bị lãng phí, khiến gia tăng gánh nặng trả nợ cho con cháu trong tương lai?

Tin bài liên quan