Ông Hoàng Anh Đức

Ông Hoàng Anh Đức

Trái phiếu 20 năm có lãi suất 7,75%/năm là hợp lý

(ĐTCK) Ghi nhận từ các DN bảo hiểm nhân thọ - đối tượng phát hành chính trong đợt phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 20 năm đầu tiên của Việt Nam, khối lượng đăng ký mua là 5.200 tỷ đồng.  ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Đức, Phó giám đốc Khối quản lý tài chính, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ.

Lần đầu tiên xuất hiện TPCP kỳ hạn 20 năm tại Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ đăng ký mua bao nhiêu và vì sao chọn mua loại trái phiếu này, thưa ông?

Bảo Việt Nhân thọ đã đăng ký mua 1.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm.

Khi ra quyết định đầu tư, ngoài mức lãi suất kỳ vọng, chúng tôi còn cân đối với nhiều tiêu chí khác như cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, cân bằng giữa thời hạn tài sản đầu tư và thời hạn trách nhiệm đối với chủ hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, môi trường đầu tư kỳ vọng đã sang giai đoạn mới với đường cong lợi suất trái phiếu theo mô hình chuẩn, trong đó lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn và ngược lại, nền kinh tế kỳ vọng ổn định và đang có chiều hướng tốt dần lên.

Chúng tôi đánh giá, mức lãi suất 7,75%/năm của trái phiếu ở thời điểm hiện tại là hợp lý, cũng vì vậy mà chúng tôi đã đăng ký tham gia 1.500 tỷ đồng. 

Theo ông, việc phát hành TPCP kỳ hạn dài nhất từ trước đến nay có tác động gì đến hoạt động đầu tư của khối DN bảo hiểm nhân thọ?

Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng, an toàn, bền vững cho hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện trách nhiệm đầu tư lâu dài với xã hội và nền kinh tế, trong hoạt động đầu tư, các DN bảo hiểm nhân thọ nói chung và Bảo Việt Nhân thọ nói riêng luôn quan tâm đầu tư vào TPCP hạn dài. Trong danh mục đầu tư của chúng tôi, theo đúng chiến lược tăng trưởng hiệu quả và bền vững, đầu tư TPCP luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Việc Chính phủ phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhất từ trước đến nay (20 năm) đã đáp ứng nhu cầu của các công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có Bảo Việt Nhân thọ về một sản phẩm đầu tư dài hạn, an toàn và hiệu quả, hạn chế rủi ro mất cân bằng giữa thời hạn của tài sản đầu tư và thời hạn trách nhiệm đối với các chủ hợp đồng bảo hiểm. 

Ông có đề xuất nào liên quan đến loại hình TPCP trong thời gian tới hay không?

Chúng tôi kỳ vọng, trong tương lai, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm phát hành TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất hấp dẫn hơn, nhằm tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chủ hợp đồng bảo hiểm, qua đó cũng tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tư lâu dài trở lại nền kinh tế, cung cấp tài chính dài hạn cho quốc gia. 

Với hoạt động đầu tư của khối DN bảo hiểm nhân thọ nói chung thì sao?

Đặc điểm nguồn vốn đầu tư của các công ty bảo hiểm nhân thọ là nguồn vốn dài hạn. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm nhân thọ hoạt động tăng trưởng, hiệu quả thông qua các sản phẩm đầu tư dài hạn, giúp các DN vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chủ hợp đồng bảo hiểm, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chúng tôi có một số đề xuất về sản phẩm đầu tư dài hạn như sau:

Thứ nhất, Bộ Tài chính tiếp tục phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn dài, có thể lên đến 30 năm.

Thứ hai, có cơ chế và hướng dẫn để các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng được Chính phủ, chính quyền địa phương bảo lãnh.

Thứ ba, cho phép áp dụng công cụ phái sinh cho mục đích giảm thiểu rủi ro đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ trong một giới hạn nhất định.

Thứ tư, nghiên cứu cho phép công ty bảo hiểm nhân thọ tham gia đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua các công cụ tài chính.

Tin bài liên quan