Tính đến hết tháng 5/2017, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trên thị trường sơ cấp là hơn 103.396 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch

Tính đến hết tháng 5/2017, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trên thị trường sơ cấp là hơn 103.396 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch

Thị trường trái phiếu: Nhiều khả quan, song không “dễ xơi”

(ĐTCK) Giới đầu tư và kinh doanh trái phiếu nhìn nhận, thị trường trái phiếu từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ duy trì được sự sôi động như nửa đầu năm nay, song không vì thế mà… “dễ chơi”.

Dự báo khả quan

Theo Bộ Tài chính, hết tháng 5/2017, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trên thị trường sơ cấp là hơn 103.396 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch.

Dự kiến, khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ năm 2017 sẽ đạt kế hoạch đề ra. Dự báo lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ từ nay đến cuối năm có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ đối với các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên.

Theo phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ, trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ, trong 5 tháng qua, giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng/tháng.

Vị này dự báo, với bối cảnh kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất như hiện nay, bên cạnh tỷ giá nhiều khả năng tiếp tục ổn định, thì thanh khoản trên thị trường thứ cấp từ nay đến cuối năm sẽ vẫn duy trì sự sôi động như nửa đầu năm.

Dự báo lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ từ nay đến cuối năm có xu hướng ổn định của Bộ Tài chính cũng trùng với nhận định của giới đầu tư và kinh doanh trái phiếu.

Với mức lãi suất phát hành khoảng 5% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, trong khi chi phí vốn của các ngân hàng khoảng 6-7%, đầu tư vào kỳ hạn này là lỗ   

“Cuối năm trước, thậm chí đến đầu năm nay, nhiều dự báo được đưa ra thể hiện kỳ vọng về tăng lãi suất và tỷ giá, nhưng đến nay đều ổn định, thậm chí xuất hiện dự báo mặt bằng lãi suất có thể giảm trong thời gian tới…”, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho biết tại Hội thảo Quản lý rủi ro thị trường - Các thông lệ tốt nhất và hệ thống giao dịch, do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa tổ chức.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn đã gần chạm trần kế hoạch tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đề ra cho năm nay là khoảng 18%, ông Anh dự báo, để đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% đề ra cho năm nay, có khả năng trần tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ được nới vượt 18% và có thể lên 20%.

Khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, không chỉ hỗ trợ cho ổn định mặt bằng lãi suất, mà có triển vọng giảm như một số dự báo.

Ông Phạm Phú Khôi, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng dự báo, cả mặt bằng lãi suất huy động và tỷ giá từ nay đến cuối năm nhiều khả năng tiếp tục ổn định.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải chịu áp lực phá giá VND, cũng như không phải giảm lãi suất tái cấp vốn. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu duy trì được thanh khoản, cũng như mức độ sôi động như nửa đầu năm nay.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu có sự tham gia khá tích cực của khối ngoại. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI), trong tuần từ 29/5-2/6/2017, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp tiếp tục diễn ra sôi nổi.

Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt 43.800 tỷ đồng, bình quân đạt 8.800 tỷ đồng/phiên, giảm 14% so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại mua ròng, với giá trị mua ròng tăng lên 878 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm đến nay lên 12.800 tỷ đồng.

Giới đầu tư trái phiếu dự báo, sự ổn định của tỷ giá, cũng như bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vận động theo chiều hướng tích cực, sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường trái phiếu trong ít nhất 6 tháng cuối năm nay.

… Song không “dễ xơi”

Sự ổn định của thị trường, theo nhìn nhận các chuyên gia trái phiếu, sẽ ít rủi ro cho hoạt động đầu tư, nên đương nhiên không dễ mang lại nhiều cơ hội kiếm lời.

Ông Phạm Phú Khôi nhìn nhận, với mức lãi suất phát hành khoảng 5% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, trong khi chi phí vốn của các ngân hàng khoảng 6-7%, đầu tư vào kỳ hạn này là lỗ. Bởi vậy, các tổ chức đầu tư đang có nhu cầu đầu tư vào các loại trái phiếu có kỳ hạn dài như 7 năm, 10 năm.

Giải đáp câu hỏi với kỳ hạn dài như vậy liệu có rủi ro thanh khoản cho nhà đầu tư, ông Khôi cho rằng, do nhà đầu tư có nhu cầu cao với loại trái phiếu có kỳ hạn này, nên dự báo thanh khoản vẫn đảm bảo, chứ không đáng ngại.

Tuy lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, giải ngân vốn tín dụng, cũng như vốn đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, một số ý kiến nhìn nhận, lạm phát là một ẩn số không thể xem nhẹ.

Trong bối cảnh như vậy, theo giám đốc điều hành đầu tư cổ phiếu và trái phiếu một công ty quản lý quỹ, cho dù thị trường trái phiếu trong 6 tháng cuối có sôi động, song không hề “dễ xơi”.    

Tin bài liên quan